Đường sắt tốc độ cao nhìn từ bài học Trung Quốc
Việc phát triển đường sắt tốc độ cao đã giúp giao thông Trung Quốc kết nối thuận lợi, góp phần phát triển nền kinh tế chung của đất nước. Việt Nam cũng đang đặt mục tiêu phát triển đường sắt tốc độ cao, khởi đầu là các tuyến metro tại TPHCM và Hà Nội.
Chiều 18/2, Trường Đại học Giao thông vận tải TPHCM (UTH) và Trường Đại học Giao thông Bắc Kinh (Trung Quốc) phối hợp tổ chức chuyên đề khoa học “Đường sắt tốc độ cao  và đường sắt đô thị tại Việt Nam”.
Theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tiến Thủy - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Giao thông vận tải TPHCM, Trung Quốc là quốc gia có mạng lưới đường sắt cao tốc lớn nhất thế giới với tổng chiều dài hơn 48.000km. Về đường sắt đô thị, Trung Quốc đã có hơn 11.000km tại 54 thành phố, vận chuyển hơn 30 tỷ lượt hành khách mỗi năm.
![]() |
Đường sắt tốc độ cao tại Trung Quốc (ảnh: GS. XIA Haishan). |
Theo quy hoạch về hạ tầng giao thông, trong 20 năm tới, Việt Nam sẽ đầu tư hơn 1.500km đường sắt tốc độ cao bắc nam, 600km đường sắt đô thị, dự kiến hoàn thành xây dựng năm 2035 cùng với các dự án giao thông đường sắt kết nối khu vực với Trung Quốc, Lào, Campuchia.
Việc tận dụng kinh nghiệm, công nghệ của các quốc gia hàng đầu trong lĩnh vực đường sắt giúp ích cho đất nước triển khai hiệu quả kế hoạch xây dựng đường sắt đô thị, đường sắt tốc độ cao.
Trình bày chủ đề "Sự phát triển của đường sắt tốc độ cao ở Trung Quốc và kinh tế đầu tư vào đường sắt tốc độ cao", GS. XIA Haishan - Viện trưởng Viện nghiên cứu TOD, Đại học Giao thông Bắc Kinh - cho rằng, bối cảnh ra đời của đường sắt tốc độ cao ở Trung Quốc xuất phát từ năng lực vận tải đường sắt thiếu hụt nghiêm trọng.
“Nếu như dịp Tết Nguyên đán năm 1954, đường sắt Trung Quốc trung bình mỗi ngày phải vận chuyển 730.000 người thì năm 2024 có 12 tỷ người di chuyển mỗi ngày trong dịp này”, ông XIA Haishan nêu ví dụ và cho biết, việc đưa vào vận hành đường sắt tốc độ cao đã mang lại hiệu quả kinh tế đáng kể cho người dân lẫn nhà nước.
Tại hội thảo, các chuyên gia cũng trao đổi kinh nghiệm chuyển đổi số và công nghệ thông minh, trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT) và các giải pháp điều khiển tự động trong hệ thống đường sắt trong quản lý vận hành hệ thống đường sắt.
Nhiều chuyên gia cho rằng, hội thảo là cơ hội để các bên cùng trao đổi học thuật và chia sẻ kinh nghiệm về công nghệ đường sắt, qua đó định hướng giải pháp phát triển hiệu quả hệ thống đường sắt, đóng góp vào sự phát triển bền vững của đô thị.
Đường sắt tốc độ cao và đường sắt đô thị là một lĩnh vực mới mẻ, đòi hỏi sự chuẩn bị toàn diện về nhân lực, công nghệ, và cơ chế chính sách để triển khai hiệu quả các dự án.
Đại diện Trường Đại học Giao thông vận tải TPHCM cho rằng, với vai trò tiên phong trong đào tạo nhân sự cho lĩnh vực đường sắt, UTH kỳ vọng thông qua hội thảo này sẽ tạo nên một nền tảng giao lưu học thuật, kết nối các nhà khoa học trong và ngoài nước. Sự kiện này là bước tiến quan trọng trong việc tiếp cận và ứng dụng công nghệ tiên tiến vào phát triển hệ thống đường sắt tốc độ cao và đường sắt đô thị tại Việt Nam.
>> Ưu tiên vốn đầu tư công cho đường sắt đô thị, tốc độ cao và cao tốc trong 5 năm tới