EU 'rắn mặt', Apple có thể bị phạt 50 triệu USD mỗi ngày
Rắc rối pháp lý liên quan đến các quy định từ EU có thể khiến hãng “Táo khuyết” thiệt hại rất lớn.
Hồi tháng 3 năm nay, Liên minh châu Âu (EU) đã đưa ra các quy định mới được thiết kế để ngăn các công ty như Apple và Google  chặn các công ty bên thứ ba điều hành các cửa hàng vật phẩm trong ứng dụng của riêng họ.
Điều này được cho là sẽ mở đường cho các trò chơi như Fortnite có thể quay trở lại thiết bị di động. Giờ đây khách hàng có thể thực hiện các giao dịch mua hàng trong trò chơi này mà không cần phải sử dụng các cửa hàng của chính Apple hoặc Google (App Store, Google Store) và do đó lấy lại được 30% chi phí cho mỗi lần mua hàng. Nhưng có thể EU cho rằng Apple vẫn “chơi không công bằng” và sẽ bắt đầu áp dụng các khoản tiền phạt khổng lồ với “gã khổng lồ công nghệ” đến từ Mỹ.
Về lý thuyết, Đạo luật Thị trường Kỹ thuật số (DMA) của EU sẽ cho phép các ứng dụng và trò chơi chạy hệ thống thanh toán độc lập của riêng chúng khi khách hàng mua hàng trong ứng dụng. Bất cứ ứng dụng nào được ra mắt trước đây trên hệ điều hành iOS đều yêu cầu tất cả các khoản thanh toán đều phải thông qua hệ thống của chính Apple và ở đó công ty phát hành ứng dụng đó các sẽ bị cắt giảm 30% doanh thu từ mỗi giao dịch.
Apple đang gặp rắc rối lớn vì Đạo luật Thị trường Kỹ thuật số (DMA) của EU |
Các công ty như Epic đã lớn tiếng lập luận rằng một hệ thống như vậy là vô cùng bất công và mặc dù thật khó để chọn một bên giữa quân đoàn tham lam lấy tiền từ ứng dụng và ứng dụng lấy tiền của khách hàng, Epic đã đúng khi cho rằng điều đó là đi ngược lại quy luật cạnh tranh công bằng. EU đã đồng ý với nhận định đó khi công bố DMA vào năm 2023 và đưa nó thành luật trong năm nay.
>> ‘Con cưng’ Huawei đánh bại iOS của Apple, soán ngôi hệ điều hành lớn thứ 2 Trung Quốc 
Theo một báo cáo trên tờ Financial Times, Ủy ban châu Âu (EC) tin rằng Apple “không tuân thủ” luật mới và do đó, họ sẽ sớm bắt đầu áp dụng các khoản phạt - lần đầu tiên được đưa ra theo DMA.
Và những khoản tiền phạt đó không hề rẻ. Nếu có thông báo chính thức rằng Apple vi phạm DMA, mức phí tối đa là 5% doanh thu trung bình hàng ngày. Theo Yahoo, trong trường hợp của Apple, con số tiền phạt này lên tới 50 triệu USD/ngày.
Apple đã ngay lập tức “lách luật” bằng cách cho phép các ứng dụng chạy trong cửa hàng của riêng mình về mặt kỹ thuật, nhưng chỉ khi họ trả cái gọi là “Phí công nghệ cốt lõi” là 0,5 euro cho mỗi lần cài đặt ứng dụng của họ. Khoản phí này chỉ áp dụng cho những công ty có hơn 1 triệu lượt cài đặt trong 12 tháng trước đó, nhưng rõ ràng nó nhằm mục đích đảm bảo hãng “Táo khuyết” vẫn nhận được phần lợi nhuận của mình. Nhìn bề ngoài thì rõ ràng điều đó không phù hợp với tinh thần của các quy định mới.
Theo cây viết John Walker của trang Kotaku, các ứng dụng thành công mang tính đột phá bất ngờ có thể bị ảnh hưởng đặc biệt nặng nề bởi điều này khi đột nhiên các công ty sở hữu các ứng dụng này phát hiện ra khoản phí dù nhỏ nhưng sẽ "tích tiểu thành đại" trong lúc ứng dụng của họ bùng nổ và được lan truyền chóng mặt, cộng thêm 3% phí sử dụng phần mềm xử lý thanh toán của iOS và rất nhiều rắc rối tiềm ẩn.
iPhone và App Store vẫn là những "hàng hot" của "Táo khuyết" với khách hàng khắp toàn cầu |
Trong khi đó, một nhóm trong EU đang điều tra xem liệu Meta (công ty mẹ của Facebook) và Alphabet (công ty mẹ của Google) có vi phạm các quy tắc trên hay không. Tờ Financial Times cũng lưu ý rằng Apple vẫn có thể có thời gian để thay đổi hệ thống mới của mình nhằm tránh bị EU phạt.
Hãng Apple nói với tờ báo rằng công ty “tin tưởng rằng kế hoạch của chúng tôi tuân thủ DMA” và họ sẽ “tiếp tục hợp tác mang tính xây dựng với Ủy ban châu Âu khi họ tiến hành điều tra”.