Everland (EVG) trượt suất đầu tư dự án 2.200 tỷ đồng trên ‘mảnh đất vàng’ quy tụ loạt ông lớn Vingroup, Sungroup…
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hà Nội, Everland (EVG) đã không đáp ứng đủ điều kiện về năng lực kinh nghiệm thực hiện dự án hơn 2.200 tỷ đồng tại Đông Anh.
Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hà Nội vừa công bố kết quả đánh giá sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm của 2 nhà đầu tư đăng ký làm dự án xây dựng Khu đô thị mới G19 tại xã Kim Nỗ, huyện Đông Anh là CTCP Tập đoàn Everland (HoSE: EVG ) và CTCP Đầu tư và Thương mại Trung Yên.
Theo đó, Thương mại Trung Yên đạt yêu cầu, còn Tập đoàn Everland bị Sở Xây dựng Hà Nội đánh giá không đạt yêu cầu. Cụ thể, nội dung về “giá trị thực hiện dự án tương tự” không đạt yêu cầu sơ bộ về năng lực kinh nghiệm thực hiện dự án tương tự, Theo đó, EVG không đạt yêu cầu về kinh nghiệm thực hiện dự án tương tự "loại 3".
Tập đoàn Everland được thành lập năm 2009 (có trụ sở tại Hà Nội), hoạt động chính trong lĩnh vực tư vấn, môi giới, đấu giá bất động sản, đấu giá quyền sử dụng đất. Tại ngày 30/6/2024, vốn điều lệ của doanh nghiệp ghi nhận hơn 2.152 tỷ đồng.
Everland hiện là chủ đầu tư một số dự án chủ yếu trong lĩnh vực du lịch, nghỉ dưỡng như Harbour Vân Đồn; Heritage Lý Sơn; Marina Phú Yên; Tổ Hợp Thương Mại, Dịch Vụ Và Du Lịch Nghỉ Dưỡng Xuân Đài Bay; Everland Park; Tổ Hợp Đô Thị - Du Lịch Flower World Sa Đéc.
Theo yêu cầu của Hà Nội, “loại 3” yêu cầu nhà đầu tư từng tham gia làm một dự án trong lĩnh vực đầu tư xây dựng khu đô thị; xây dựng công trình dân dụng có một hoặc nhiều công năng gồm nhà ở (trừ nhà ở riêng lẻ); trụ sở, văn phòng làm việc; công trình thương mại, dịch vụ mà đối tác tham gia với vai trò là nhà thầu chính xây lắp, đã hoàn thành hoặc hoàn thành phần lớn trong vòng 5 năm trở lại đây và có giá trị tối thiểu là 1.091 tỷ đồng.
Dự án Khu đô thị mới G19 có tổng diện tích khoảng 26,1ha, có tổng chi phí thực hiện sơ bộ khoảng 2.183 tỷ đồng, dự kiến được triển khai trong giai đoạn năm 2024 - 2029. Thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm kể từ ngày nhà đầu tư được Nhà nước quyết định giao đất, quyết định cho thuê đất, quyết định chuyển mục đích sử dụng đất.
Một góc của huyện Đông Anh (Nguồn: Báo Lao động) |
Được biết, Đông Anh đang trở thành “mảnh đất vàng” thu hút nhiều ông lớn bất động sản tham gia đầu tư. Nổi bật phải kể đến như dự án KĐT thông minh hơn 33.000 tỷ đồng do liên danh Vingroup (VIC) - Thái Sơn - Long Hải đăng ký đầu tư, dự án Eurowindow River Park của CTCP Eurowindow Holding, dự án Sun Grand City Đông Anh của Sun Group…
Ngoài ra, thông tin Đông Anh sẽ lên quận vào năm 2025 cũng đã tạo ra "cơn sốt" bất động sản tại khu vực này. Theo thông tin từ báo Dân Việt, giá đất tại Đông Anh trong nửa đầu năm 2024 tại một số xã đã tăng mạnh so với năm 2023.
Cụ thể, giá đất nền tại xã Xuân Canh được rao bán ở mức 55-70 triệu đồng/m², tăng khoảng 20% so với thời điểm đầu năm 2023. Đây cũng là khu vực được TP. Hà Nội xác định xây dựng cầu Tứ Liên, nối với quận Tây Hồ. Bên cạnh đó, tại các xã Xuân Canh và Đông Hội, giá đất cũng đang ở mức cao sau đợt tăng "nóng" từ cuối năm 2023, thời điểm huyện Đông Anh có thông tin chính thức lên quận.
>> Công ty con của Kinh Bắc (KBC) muốn làm KCN hơn 5.600 tỷ đồng tại Hải Dương