EVN báo doanh thu tăng, lỗ 'khủng' hơn 26.700 tỷ, chi 50 tỷ mỗi ngày trả lãi vay
Năm 2023, EVN vẫn gặp khó khăn trong việc cân đối tài chính do giá nhiên liệu và tỷ giá ngoại tệ tăng cao.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất đã được kiểm toán, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) ghi nhận doanh thu thuần hơn 500.000 tỷ đồng trong năm 2023, tăng 8,1% so với năm trước. Sau khi trừ giá vốn, EVN đạt lợi nhuận gộp hơn 13.000 tỷ đồng, tăng 23%.
Mặc dù doanh thu tài chính giảm gần một nửa xuống còn 4.065 tỷ đồng, chi phí tài chính của EVN lại tăng hơn 4.000 tỷ đồng, lên 22.686 tỷ đồng. Những khoản chi phí khác khiến EVN lỗ sau thuế 26.772 tỷ đồng trong năm 2023, so với mức lỗ 20.747 tỷ đồng của năm trước.
Tính đến ngày 31/12/2023, tổng tài sản của EVN đạt 648.983 tỷ đồng, giảm hơn 17.000 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, tài sản cố định chiếm tỷ trọng lớn nhất (63%), ở mức 408.710 tỷ đồng, giảm 28.000 tỷ đồng. Khoản phải thu ngắn hạn là 47.740 tỷ đồng.
Lượng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng của EVN trong năm 2023 đạt 81.275 tỷ đồng, giảm hơn 20.200 tỷ đồng so với đầu năm. Khoản tiền này đã mang lại cho EVN hơn 3.200 tỷ đồng tiền lãi, tương đương mỗi ngày nhận gần 9 tỷ đồng.
Ảnh minh hoạ |
>> Nhiệt điện than chiếm 59% tỷ trọng huy động các loại hình nguồn điện của EVN 
Nợ vay tài chính của EVN tính đến hết năm 2023 ở mức 311.030 tỷ đồng, giảm hơn 13.000 tỷ so với đầu năm. Trong năm, EVN phải trả 18.982 tỷ đồng tiền lãi vay, tăng 4.500 tỷ so với năm trước, tương đương mỗi ngày phải trả 52 tỷ đồng tiền lãi vay.
Vốn chủ sở hữu của EVN tại thời điểm 31/12/2023 đạt mức 196.134 tỷ đồng. Tính đến hết năm ngoái, EVN đã lỗ lũy kế 41.824 tỷ đồng. Đại diện EVN cho biết năm 2023 tiếp tục là một năm khó khăn đối với tập đoàn và các đơn vị thành viên trong việc cân đối tài chính do giá nhiên liệu và tỷ giá ngoại tệ tăng cao.
Trước đó, tại hội nghị tổng kết năm 2023 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đầu năm 2024, ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng giám đốc EVN cho biết: Toàn bộ chi phí giá thành sản xuất điện của tập đoàn là 2.092,78 đồng/kWh, trong khi đó giá bán ra có 1.950 đồng/kWh. Còn giá thành sản xuất mà EVN phải mua điện từ các đơn vị của mình cũng như nguồn bên ngoài xấp xỉ là 1.620 đồng/kWh.
“Tỷ trọng chi phí mua điện chiếm 80% chi phí giá thành, điều này hết sức bất bình thường”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Ông Tuấn đề xuất cần phải xem xét lại việc vận hành thị trường điện. Bởi thực tế từ các nước, giá thành sản xuất điện từ nguồn phát dao động 40-50%, còn lại các khâu truyền tải, phân phối. Trong khi ở ta chiếm tới 80%, ảnh hưởng cân đối tài chính và tối ưu hóa hoạt động.
"Việc cân đối tài chính của tập đoàn vì vậy gặp rất nhiều khó khăn. EVN đang cố gắng hết mức tối ưu hóa chi phí, nhưng chỉ có hơn 20% để điều tiết, cố gắng thì đây như nhiệm vụ bất khả thi, không có hướng giải quyết", ông Tuấn nói, theo đó lãnh đạo EVN nhận định rằng cần có sự điều chỉnh chính sách về giá bán lẻ điện trong năm 2024 để giải quyết những khó khăn tài chính của tập đoàn.
Nhiệt điện than chiếm 59% tỷ trọng huy động các loại hình nguồn điện của EVN 
EVN: 5 tháng sản lượng điện sản xuất tăng 12,2% so với cùng kỳ