EVN đang tích cực tính toán, phân tích các kịch bản và nghiên cứu các giải pháp nhằm đưa ra các kiến nghị để thực hiện tốt hơn công tác cung ứng điện trong các năm tới.
Theo yêu cầu của Thủ tướng đến Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN ), Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và các cơ quan liên quan có trách nhiệm tổ chức triển khai các nhiệm vụ, giải pháp được giao và tăng cường công tác phối hợp có hiệu quả, tất cả vì mục tiêu chung là phải bảo đảm cung ứng đủ điện cho sản xuất và tiêu dùng của nhân dân.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà về việc đảm bảo cung ứng điện năm 2023 và các năm tiếp theo.
Từ ngày 23/6 đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu sử dụng điện trên toàn quốc. Tuy nhiên do hệ thống nguồn điện miền Bắc không có công suất dự phòng nên thời gian tới nếu xảy ra tình huống cực đoan như: sự cố các nguồn điện lớn khu vực miền Bắc, sự cố đường dây truyền tải 500kV Bắc - Trung… có thể sẽ phải tiết giảm điện cục bộ ngắn hạn trong thời gian khắc phục các sự cố.
EVN đã lên kế hoạch ứng phó khó khăn trong việc cung ứng điện thời gian qua, việc cắt giảm điện được cải thiện. Đặc biệt từ ngày 8/6 đến 22/6, lượng công suất tiết giảm đối với khu vực Hà Nội đã được cải thiện rõ rệt.
Trong báo cáo, EVN cho hay qua rà soát sơ bộ, đối với khu vực miền Bắc: dự báo nhu cầu phụ tải (Pmax) tăng gần 10%/năm (tương ứng tăng thêm 2.400 - 2.900MW/năm).
Tuy nhiên, các nguồn điện mới dự kiến đưa vào thêm trong năm 2024 khoảng 780MW, năm 2025 khoảng 1.620MW. Do đó việc cấp điện miền Bắc tiếp tục gặp nhiều khó khăn, đặc biệt giai đoạn cuối mùa khô khi mức nước các hồ thủy điện xuống thấp.
Với sự biến động rất nhanh của các yếu tố khó khăn trong giai đoạn tháng 4, tháng 5/2023 dẫn đến tình trạng thiếu nguồn, đặc biệt là tại khu vực miền Bắc.
Cụ thể, nước về các hồ thủy điện suy giảm đột ngột và kéo dài cho đến cuối tháng 6, dẫn đến sản lượng thủy điện bị thiếu hụt trong tháng 4 và 5 do nước về kém khoảng 2 tỉ kWh so kế hoạch đầu năm. Cộng thêm khó khăn về cung ứng than, một số tổ máy bị sự cố, trong khi đó phụ tải tăng nhanh từ giữa tháng 4, với công suất cực đại đạt 22.084 MW ở miền Bắc.
EVN cho biết sẽ tổ chức kiểm điểm trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan trong việc phải tiết giảm điện trong thời gian qua để rút kinh nghiệm, khắc phục trong thời gian tới.
Đến ngày 29/6, mực nước về hồ thủy điện miền Bắc giao động nhẹ so với hôm qua. Cụ thể:hồ Lai Châu: 499m3/s; hồ Sơn La: 834m3/s; hồ Hòa Bình: 616m3/s; hồ Thác Bà: 120m3/s; hồ Tuyên Quang: 540m3/s; hồ Bản Chát: 297,7m3/s.
Mực nước của phần lớn các hồ đang cao hơn mực nước chết từ 11-26m. Chỉ riêng hồ Thác Bà, mực nước vẫn thấp, chỉ cao hơn mực nước chết 1,5m.
EVN được giao trọng trách lớn: Không để thiếu điện khi kinh tế tăng trưởng 2 chữ số 
Có điện, người dân vẫn phải đun bếp củi: Công ty bán điện hứa 'khắc phục ngay'