Liệu FED sẽ tăng lãi suất lần thứ 11 liên tiếp hay ngừng tăng lãi suất trong tuần này? Có một số dấu hiệu kinh tế Mỹ cho phép FED thay đổi chính sách tiền tệ, nhưng các lo ngại vẫn còn đó.
Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tạo ra kỷ lục vô tiền khoáng hậu khi tăng lãi suất 10 lần liên tiếp kể từ tháng 3/2022. Trước cuộc họp chính sách thường kỳ ngày 13-14/6 tới, giới chuyên gia đang tranh luận kịch liệt liệu FED sẽ nối dài đà tăng lãi suất lần thứ 11 hay ngừng tăng lãi suất?
Khảo sát mới nhất của hãng tin Reuters cho thấy hơn 90% các nhà kinh tế nhận định FED sẽ không tăng lãi suất trong phiên họp sắp tới. Theo công cụ FedWatch Tool của CME Goup, hiện các thị trường tài chính nhận định có hơn 72% xác suất FED sẽ dừng tay!
Sở dĩ FED ngập ngừng là bởi kinh tế Mỹ đã phát tín hiệu tốt, hiện tại thị trường việc làm khởi sắc, chi tiêu gia đình tăng hơn dự kiến. Một vài lĩnh vực thường sụt giảm khi lãi suất tăng cũng cho thấy sự thích nghi đáng kinh ngạc.
Tính đến ngày 10/6, phố Wall có thêm một tuần tràn đầy hy vọng, chỉ số Dow Jones tăng 0,33%, chỉ số S&P 500 tăng 0,38%, kéo dài chuỗi tăng điểm lên bốn tuần; chỉ số công nghệ Nasdaq Composite ghi nhận tuần tăng thứ bảy liên tiếp, với mức tăng 0,13%.
Lạm phát ở Mỹ trong tháng 4 còn 4,4%, giảm mạnh so với 7% cách đây một năm nhưng còn rất cao so với mục tiêu lý tưởng 2%. Số liệu lạm phát tháng 5 mới là thước đo quan trọng ảnh hưởng đến tâm lý của các chiến lược gia tại FED.
Do đó, giới đầu tư đã đặt cược rằng các quan chức FED sẽ bỏ qua việc tăng lãi suất tại cuộc họp vào ngày 13-14/6 tới trước khi nâng chúng một lần nữa vào tháng 7.
“Mọi người có nói về việc FED dừng tăng lãi suất, nhưng không nhiều. Chúng tôi có cảm giác rằng mình đã đến rất gần thời điểm đó rồi. Nhưng một lần nữa, tôi nhắc lại rằng việc này sẽ được đánh giá liên tục”, ông Chủ tịch FED J. Powell cho biết.
Tuy vậy, nhu cầu tăng trong bối cảnh nền kinh tế vận hành chưa bình thường có thể là tín hiệu không tốt; cung - cầu mất cân bằng khiến giá cả leo thang, lạm phát phức tạp hơn, điều đó không cho phép FED dừng tăng lãi suất.
Các nhà hoạch định chính sách tiền tệ có thể cần thời gian để tìm ra kịch bản nào có nhiều khả năng xảy ra hơn. Điều này giúp họ có thể tránh việc phản ứng thái quá và gây ra thiệt hại kinh tế không cần thiết hoặc phản ứng chậm chạp và để việc lạm phát tăng cao dai dẳng.
Trước sau gì Chủ tịch Jerome Powell và Tổng thống Biden vẫn đặt nhiệm vụ chống lạm phát lên hàng đầu, chấp nhận suy thoái kinh tế có chủ đích. Vì vậy, chỉ số giá tiêu dùng, lạm phát sẽ là căn cứ để FED quyết định vấn đề lãi suất.
Hơn nữa, có lý do để hoài nghi về khả năng kinh tế Mỹ tránh được suy thoái, đây là chu kỳ 10 năm, hội đủ các điều kiện về kinh tế và chính trị ắt dẫn đến cuộc khủng hoảng quy mô lớn.
Thứ nhất, chuỗi cung ứng hàng hóa đổ vỡ trầm trọng, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế công nghệ cao chứng kiến sự lạnh nhạt Trung Quốc - Mỹ. Đơn cử, khủng khoảng chất bán dẫn, chip nhớ cũng kéo lùi triển vọng tăng trưởng; đồng thời gây lạm phát dai dẳng.
Thứ hai, “di chứng” của lãi suất cao toàn cầu thường không đến quá sớm cho dù biểu hiện của nó là tức thời. Tức là cần thêm thời gian để đánh giá chính xác mức độ suy thoái.
Giá xăng dầu hôm nay 11/1: cao nhất trong 3 tháng 
Giá cà phê hôm nay 11/1/2025: 2 nguyên nhân đẩy cà phê 2 sàn trái chiều