Game thoái vốn đã bắt đầu khởi động, ‘mối nhân duyên’ 15 năm giữa VIB và CBA đang dần kết thúc?
CBA rời đi, ai sẽ là người thay thế vai trò này để đưa VIB lên một tầm cao mới?
Gặp gỡ rồi mặn nồng hay chia xa? Đã có 13 cuộc “kết duyên” giữa ngân hàng trong nước và nước ngoài trong hơn thập kỷ qua. Có những mối lương duyên “đơm hoa kết trái” nhưng cũng có trường hợp "đường ai nấy đi". Liệu có phải vì lợi ích không cùng “nhịp” nên ít cặp đôi ở được với nhau lâu dài?
Game thoái vốn của cổ đông ngoại bắt đầu khởi động
Sau gần 15 năm đồng hành và hỗ trợ, Commonwealth Bank of Australia (CBA) – một trong những cổ đông ngoại lớn nhất của VIB  đã quyết định thoái vốn.
Phiên 24/9, thị trường chứng khoán chứng kiến giao dịch bất ngờ khi khối ngoại bán ra hơn 148 triệu cổ phiếu VIB qua phương thức thỏa thuận, với tổng giá trị lên tới 2.664 tỷ đồng. Theo dữ liệu từ Fiintrade, giao dịch này được tổ chức nước ngoài bán thỏa thuận cho các nhóm nhà đầu tư bao gồm NĐT cá nhân, tổ chức trong nước và tự doanh trong nước.
Cùng với giao dịch thỏa thuận, khối lượng giao dịch khớp lệnh của VIB trong phiên cũng tăng đột biến. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 19 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị 354 tỷ đồng, gấp 7,8 lần so với mức trung bình 10 phiên gần nhất, đánh dấu thanh khoản cao nhất trong hơn 5 tháng qua. Cổ phiếu VIB cũng tăng 3,24%, chốt phiên ở mức 19.100 đồng/cổ phiếu.
>> Hạ room ngoại về 4,99% - 'nước cờ hiểm’ của VIB? 
Theo đó, nhóm nhà đầu tư cá nhân trong nước đã mua vào 1.611 tỷ đồng, trong khi các tổ chức trong nước mua 261 tỷ đồng. Đặc biệt, nhóm tự doanh từ các công ty chứng khoán cũng tham gia với tổng giá trị mua lên tới 792 tỷ đồng.
Với khối lượng cổ phiếu VIB và tỷ lệ nắm giữ của cổ đông ngoại này tại ngân hàng, không loại trừ khả năng CBA đã bắt đầu khởi động game thoái vốn.
Thực tế, động thái thoái vốn khỏi đã được dự báo từ trước, khi CBA bắt đầu rút khỏi HĐQT của VIB từ năm 2019, dù vẫn khẳng định chưa rời bỏ hoàn toàn. Đại diện CBA từng cho biết: "Đang có chiến lược trở thành ngân hàng gọn nhẹ hơn và trong quá trình đánh giá lại các khoản đầu tư trên toàn cầu".
Game thoái vốn bắt đầu khởi động, ‘mối nhân duyên’ 15 năm giữa VIB và CBA đang dần kết thúc? |
Tại phiên họp ĐHĐCĐ bất thường hồi giữa tháng 6, ngân hàng VIB đã được thông qua đề xuất giảm room ngoại từ 20,5% xuống 4,99% kể từ ngày 1/7. Điều này đồng nghĩa với việc CBA chỉ được phép bán ra cổ phần cho nhà đầu tư trong nước, ngoại trừ trường hợp nhận cổ tức bằng cổ phiếu.
Khối ngoại bắt đầu bán ra lượng lớn cổ phiếu VIB kể từ đầu tháng 7/2024 trong bối cảnh ngân hàng VIB đã khóa tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa (room ngoại) ở mức 4,99%. Thị trường tài chính lúc bấy giờ rộ lên thông tin CBA muốn thoái vốn khỏi VIB và không ngừng đặt câu hỏi liệu đây có phải là nguyên nhân khiến VIB vội đi nước cờ hiểm?
>> Ai là người mua lại hơn 2.600 tỷ đồng cổ phiếu VIB từ tay khối ngoại? 
Thứ nhất, ngăn chặn việc cổ đông ngoại trao tay. Nếu CBA thực sự có ý định thoái vốn, việc giới hạn room ngoại giúp VIB ngăn chặn khả năng cổ đông ngoại khác thay thế mà không có sự lựa chọn đối tác.
Điều này buộc CBA phải bán cổ phần cho nhà đầu tư trong nước, trong đó VIB có thể lựa chọn được đối tác chiến lược mong muốn. Trường hợp này có 2 ý nghĩa. Một là, CBA khó có thể bán giá cao do việc đàm phán với nhà đầu tư trong nước ở bối cảnh này không dễ. Hai là, VIB sẽ nhân cơ hội lựa chọn nhà đồng hành trong nước khi để đối tác tìm tới CBA đàm phán.
Thứ hai, mở ra cơ hội hợp tác với đối tác chiến lược mới. Sau khi hoàn tất quá trình tìm kiếm đối tác phù hợp, VIB hoàn toàn có thể xin nới lại room ngoại và thực hiện các đợt phát hành cổ phiếu riêng lẻ hoặc dành riêng cho cổ đông chiến lược, đảm bảo sự phát triển bền vững trong tương lai.
“Mối nhân duyên” gần 15 năm giữa VIB và CBA
“Mối nhân duyên” giữa VIB và CBA bắt đầu từ năm 2009 thông qua một thỏa thuận toàn diện.
Đến năm 2010, CBA chính thức trở thành đối tác chiến lược của VIB khi mua lại 15% cổ phần trị giá khoảng 4.000 tỷ đồng sau quá trình đàm phán kéo dài từ năm trước đó. Chỉ 1 năm sau, CBA đã nâng mức sở hữu tại VIB lên gần 20%, mức tối đa mà một cổ đông nước ngoài được nắm giữ.
Cơ cấu cổ đông VIB tính đến cuối năm 2023 |
Ngay khi có sự đồng hành của CBA, tổng tài sản VIB đã tăng từ 56.600 tỷ đồng lên 93.800 tỷ đồng vào cuối năm 2010. Hành trình gần 15 năm cùng đối tác ngoại, đến nay, tổng tài sản của VIB đạt gần 409.900 tỷ. Lợi nhuận sau thuế năm 2010 cũng tăng từ 459 tỷ đồng năm 2009 lên 790 tỷ đồng. Riêng 2 năm 2022 và 2023, lợi nhuận duy trì ở quanh mức 8.500 tỷ đồng.
Lợi nhuận sau thuế của VIB những năm gần đây |
Gia nhập VIB, ngoài sự hỗ trợ nguồn vốn thu được từ thương vụ bán cổ phần, CBA mang theo kinh nghiệm từ một trong những ngân hàng lớn nhất nước Úc, giúp VIB cải thiện năng lực tài chính, quản trị và vận hành.
Đơn cử, CBA cử các chuyên gia sang hỗ trợ ngân hàng VIB trong những hoạt động kinh doanh quan trọng như ngân hàng bán lẻ, công nghệ ngân hàng, quản lý rủi ro, quản trị nguồn nhân lực, tài chính và nguồn vốn. Qua đó, thúc đẩy ngân hàng chuyển mình thành công từ tín dụng bán buôn sang tín dụng bán lẻ với tỷ trọng cho vay cá nhân đứng đầu tại Việt Nam.
Từng chia sẻ tại ĐHĐCĐ, Chủ tịch Đặng Khắc Vỹ cho biết, điều quan trọng là CBA đóng góp quy trình, công nghệ, các sản phẩm, cách tiếp cận với khách hàng… cho mục đích phục vụ hoạt động bán lẻ. VIB sau đó sẽ nhân rộng mô hình của CBA ra các chi nhánh. Chẳng hạn, ứng dụng ngân hàng MyVIB rất thành công cũng là sản phẩm hợp tác cùng CBA.
Nhờ sự hỗ trợ của CBA, vào năm 2018, VIB được chấp thuận là ngân hàng tư nhân đầu tiên đủ điều kiện áp dụng chuẩn mực Basel II và hoàn thành cả ba trụ cột vào năm 2019.
CBA rời đi - Ai sẽ là người thay thế tiếp theo?
Giống với mối lương duyên giữa VIB và CBA có lẽ là câu chuyện thoái vốn giữa quỹ ngoại Red River Holding tại CTCP Everpia Việt Nam (EVE ) vào năm 2016. Sau rất nhiều mâu thuẫn, Red River và Temasia Capital Limited đã chấm dứt duyên nợ với Everpia.
Cả Red River và Temasia cùng thoái vốn ở mức giá hơn mong đợi nhiều khi cổ phiếu này liên tục tăng đến mức 37.900 đồng - mức giá ngày 29/3/2016 - ngày 2 quỹ ngoại thoái vốn. Sau đó, cổ phiếu EVE còn chuỗi tăng dài lên vùng giá 58.000 đồng trước khi hạ nhiệt về mức 26.000 đồng/cổ phiếu.
Quay lại với CBA, việc tổ chức này thoái vốn tạo ra một khoảng trống hấp dẫn cho các nhà đầu tư mới, đặc biệt là những quỹ đầu tư ngoại đang tìm kiếm cơ hội gia nhập thị trường tài chính Việt Nam đầy tiềm năng. Động thái này cũng đặt ra câu hỏi lớn: Ai sẽ là người thay thế sau khi CBA thoái vốn và liệu có xuất hiện một cổ đông chiến lược mới với tầm nhìn dài hạn để đưa VIB lên một tầm cao mới?
Nhìn về tương lai, việc thoái vốn này có thể là cơ hội để VIB tìm kiếm những cổ đông chiến lược mới, cùng chia sẻ tầm nhìn và tham vọng phát triển bền vững, đặc biệt trong bối cảnh thị trường tài chính Việt Nam đang ngày càng cạnh tranh và đổi mới mạnh mẽ.
VIB: Cần thời gian để hồi phục 
Ai là người mua lại hơn 2.600 tỷ đồng cổ phiếu VIB từ tay khối ngoại?