Gần 2.000 cơ sở tại 'thủ phủ chăn nuôi' Đồng Nai ngừng hoạt động
Đồng Nai lên kế hoạch di dời hơn 3.000 cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi.
Theo báo cáo từ Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tính đến tháng 11/2024, tỉnh Đồng Nai đã có 1.979 cơ sở chăn nuôi ngưng hoạt động hoặc di dời, đạt hơn 65,8% so với tổng số cơ sở phải di dời, ngưng chăn nuôi theo lộ trình đến hết năm 2024. Trong đó, có 1.971 cơ sở ngưng chăn nuôi, chiếm tỷ lệ 99,6%.
Một số địa phương đạt tỷ lệ cao trong việc thực hiện chủ trương di dời tại các khu vực không được phép chăn nuôi bao gồm thành phố Long Khánh với 131 cơ sở ngưng chăn nuôi hoặc di dời, đạt tỷ lệ 91,6%; huyện Thống Nhất với 66 cơ sở, đạt tỷ lệ gần 89,2%; huyện Vĩnh Cửu với 215 cơ sở, đạt gần 84,4%.
Về chính sách hỗ trợ di dời, đến nay, toàn tỉnh chưa có cơ sở nào nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ do các cơ sở chủ yếu đã ngưng chăn nuôi. Với một số cơ sở di dời, chủ yếu di dời từ khu dân cư vào các khu vườn rẫy xa khu dân cư để tiếp tục chăn nuôi theo quy mô nông hộ nên không đủ điều kiện được hỗ trợ theo quy định.
Tính đến tháng 11/2024, tỉnh Đồng Nai đã có 1.979 cơ sở chăn nuôi ngưng hoạt động hoặc di dời |
Đến cuối tháng 10/2024, tổng đàn gia súc của tỉnh Đồng Nai đạt gần 2,2 triệu con, giảm gần 8,5% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, tổng đàn heo đạt hơn 2 triệu con, giảm gần 9%. Tổng đàn gia cầm đạt gần 23,3 triệu con, giảm 4,5% so với cùng kỳ. Hiện tại, giá heo hơi tại Đồng Nai dao động từ 62.000 - 64.000 đồng/kg, mang lại lợi nhuận cho người chăn nuôi.
Theo ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, việc số lượng gia súc giảm so với cùng kỳ là do tỉnh đang có chủ trương di dời hàng ngàn cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu dân cư và các khu vực không phù hợp quy hoạch. Ngoài ra, dịch tả heo châu Phi cũng gây thiệt hại nghiêm trọng, đặc biệt là đối với các cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ, dẫn đến nhiều hộ phải ngừng chăn nuôi.
Đồng Nai được xem là thủ phủ chăn nuôi , đóng vai trò cung cấp chính lượng thịt cho TP. HCM và nhiều tỉnh thành khác. Ngành chăn nuôi đóng góp lớn vào kinh tế tỉnh, tuy nhiên cũng bộc lộ nhiều bất cập, đặc biệt là không đảm bảo các tiêu chuẩn môi trường. Tháng 2/2023, Đồng Nai phê duyệt danh sách di dời hơn 3.000 cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi. Trước 31/12/2024, tất cả cơ sở chăn nuôi này phải di dời đến nơi mới hoặc tự chấm dứt hoạt động.
>>Cháy lớn tại xưởng thức ăn chăn nuôi, doanh nghiệp mất trắng 100 tỷ đồng 
Cháy lớn tại xưởng thức ăn chăn nuôi, doanh nghiệp mất trắng 100 tỷ đồng 
'Gã khổng lồ' ngành chăn nuôi Thái Lan thu về 68.000 tỷ đồng tại thị trường Việt Nam