Công trình xanh đang dần trở thành xu thế trên toàn cầu và là lợi thế cạnh tranh thực sự của các doanh nghiệp.
Mới đây, tại hội thảo “Bất động sản xanh và hướng dẫn áp dụng chứng chỉ công trình xanh tại Việt Nam”, ông Vũ Hồng Phong, Chuyên gia công trình xanh, Tổ chức tài chính quốc tế (IFC) đã chia sẻ, tính đến đầu năm 2024, tại Việt Nam hiện nay có khoảng gần 400 công trình được chứng nhận là công trình xanh với khoảng hơn 15.000m2 mặt sàn. Trong đó chủ yếu đến từ các lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp chiếm hơn 30%, chung cư chiếm 20%, còn lại là văn phòng cho thuê và các ngành nghề khác.
Theo ông Phong, công trình xanh đang dần trở thành xu thế trên toàn cầu và là lợi thế cạnh tranh thực sự của các doanh nghiệp, mang lại nhiều giá trị dài hạn, và đang được chính phủ khuyến khích thực hiện để nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia.
Chuẩn xanh hiện nay không chỉ áp dụng cho bất động sản, chung cư mà còn ở các lĩnh vực, tài chính, tiêu dùng và sản xuất. Điển hình như, Viettinbank, Pizza’4P và Diageo cũng đã áp dụng các tiêu chuẩn xanh vào hệ thống các quy chuẩn hoạt động của mình.
Theo ông Vương Quân Ngọc - Giám đốc tư vấn FPT Digital, tiêu chuẩn xanh phải đáp ứng được 3 yếu tố về môi trường, phát triển kinh tế và hiệu suất tác động xã hội. Đồng thời, yêu cầu ngày càng cao của khách hàng và chuỗi cung ứng toàn cầu là 2 yếu tốt cốt lõi để phát triển tiêu chuẩn xanh.
Đơn cử trong lĩnh vực phát triển BĐS Khu công nghiệp, tiêu chuẩn xanh là một trong các yếu tố giúp thu hút đầu tư FDI, khơi thông nguồn vốn, tạo lợi thế cạnh tranh trong kinh doanh, 7 tiêu chuẩn xanh là con đường đi tất yếu của phát triển BĐS khu công nghiệp. Nếu không, chắc chắn một ngày không xa, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ rời đi chọn các thị trường khác đáp ứng được các yêu cầu về công trình xanh của họ như Bangladesh, Thái Lan…
>> Việt Nam tiến bộ ấn tượng trong chứng chỉ xanh, 52% văn phòng hạng A đạt tiêu chí 
Ông Ngọc ví dụ, nhà sản xuất Nike đang áp dụng tiêu chuẩn xanh của họ cho các nhà máy sản xuất trên toàn cầu với các tiêu chuẩn sử dụng vật liệu carbon thấp, phi carbon hoá chuỗi cung ứng, sử dụng 100% năng lượng tái tạo… theo tiêu chuẩn của tổ chức LEED. Cam kết của họ đưa ra là giảm 65% phát thải khí nhà kính ở những nơi Nike sở hữu hoặc vận hành và 30% trong toàn bộ chuỗi cung ứng của mình vào năm 2030. Chính vì vậy mà các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đang sản xuất cho Nike cũng buộc phải tuân thủ các điều kiện trên.
Kiến trúc sư Nguyễn Trung Kiên thì cho rằng, tiêu chuẩn xanh hiện nay không chỉ áp dụng ngang vào các công trình đã hiện hữu mà bắt đầu sớm từ bước tìm hiểu, lập hồ sơ, đánh giá dự án nhằm giúp tối ưu về chi phí và thời gian. Hiện nay tại Việt Nam đang áp dụng 3 chứng chỉ công trình xanh phổ biến nhất đó là EDGE, Leed, và Lotus.
Việc áp dụng các chứng nhận này ngay từ đầu có thể làm gia tăng chi phí đầu tư từ khoảng 2-10% tuỳ loại chứng nhận, nhưng tính về dài hạn, nó giúp cho doanh nghiệp cải thiện môi trường làm việc, nâng cao năng suất lao động, các chi phí vận hành doanh nghiệp sau này sẽ rất tiết kiệm”.
Cam kết cắt giảm phát thải, giữ vững môi trường, phát triển bền vững đang trở thành “luật chơi mới”cho những ai muốn đi xa trong câu chuyện kinh doanh trong nước và toàn cầu. Điều đó cũng đồng nghĩa chính doanh nghiệp cũng cần có chiến lược mới để thích ứng, gia tăng năng lực cạnh tranh.
>> TP. HCM muốn đầu tư 250 triệu USD làm đô thị carbon thấp