Gần 600 loại sữa giả tuồn ra thị trường, người đã sử dụng gặp nguy hại nào?
Vụ việc gần 600 loại sữa giả dành cho người bị tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non, thiếu tháng và phụ nữ có thai vừa bị cơ quan Công an phát hiện khiến người tiêu dùng lo lắng.
Các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an vừa phát hiện một đường dây sản xuất, buôn bán, tiêu thụ sữa bột giả với số lượng lớn trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh lân cận.
Kết quả điều tra bước đầu của cơ quan Công an xác định: Từ tháng 8/2021 đến nay, các đối tượng đã thành lập Công ty CP Dược quốc tế Rance Pharma và Công ty CP Dược dinh dưỡng Hacofood Group để sản xuất kinh doanh sữa bột.

573 nhãn hiệu sữa bột các loại đã được sản xuất, dành cho những người bị tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non, thiếu tháng và phụ nữ có thai. Các thành phần công bố như chiết xuất tổ yến, đông trùng hạ thảo, bột macca, bột óc chó... nhưng trên thực tế hoàn toàn không có những chất này. Các đối tượng đã bỏ một số nguyên liệu đầu vào và thay thế, bổ sung thêm một số chất phụ gia.
Cơ quan Công an xác định, sữa bột có chỉ tiêu chất lượng một số chất đạt dưới 70% so với mức công bố, đủ điều kiện để xác định là hàng giả.
Nguy hiểm khôn lường với người có bệnh lý, phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ
Trao đổi với VietNamNet ngày 12/4, bác sĩ Đào Thị Hảo, khoa Dinh dưỡng (Bệnh viện Trung ương Quân đội 108), cho biết, thường những loại sữa giả, sữa kém chất lượng, ”sữa cỏ” (các dòng sữa bột không có thương hiệu) sẽ tập trung vào những trường hợp có bệnh lý hoặc phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ để tăng tính quan trọng của việc uống sữa với nhóm đối tượng này. Nếu người dân sử dụng sữa không đúng khuyến cáo hoặc sữa không đúng với thành phần, hàm lượng như công bố của sản phẩm, vô hình chung sẽ đưa vào người những chất không phù hợp với thể trạng.
Bác sĩ Hảo dẫn chứng: Với người tiểu đường, sữa không đúng công bố thành phần, hàm lượng hay bị làm giả sẽ không kiểm soát được đường huyết; hoặc người bệnh thận có chức năng thận kém, cần hạn chế đạm, nhưng nếu sản phẩm đưa thêm chất không phù hợp vào sẽ làm thêm gánh nặng cho thận.
“Điều này có nghĩa là nếu sử dụng sữa giả, sữa không đúng công bố thành phần, hàm lượng sẽ khiến tình trạng bệnh lý của người bệnh nặng hơn, trong khi không cải thiện được dinh dưỡng”, nữ bác sĩ cho biết.
Một ví dụ khác, nhà sản xuất khuyến nghị uống 3 ly sữa sẽ cung cấp đủ đạm trong một ngày, nhưng nếu trong 3 ly sữa đó không đủ đạm sẽ khiến cơ thể người dùng thiếu chất, nếu kéo dài, cơ thể không đủ chất để sinh ra năng lượng.
Nếu sản phẩm sữa giả/kém chất lượng lại thêm phụ gia không được kiểm định an toàn thực phẩm, theo bác sĩ Hảo, điều này sẽ có nguy cơ khiến người dùng suy dinh dưỡng, rối loạn tiêu hóa, thậm chí có thể có hại hơn nếu liên quan đến hormone tăng trưởng.
Không ít nhà sản xuất quảng cáo sản phẩm sữa có bổ sung yến, thêm đông trùng hạ thảo… nghe “xa xỉ”, “chất lượng” nhưng theo bác sĩ Hảo, không phải sản phẩm nào thêm các thành phần này cũng tốt mà phải phụ thuộc vào tình trạng của người bệnh.
“Việc tự thêm các thành phần và hàm lượng khác với công bố khiến hộp sữa như một nồi lẩu”, bác sĩ Hảo ví von, trong khi đó, người dân bình thường sẽ không thể biết được vì không ai đi định lượng sữa.
Theo bác sĩ Hảo, sản phẩm được công bố không đúng theo nhãn mác rất nguy hiểm cho người sử dụng cả về chất lượng và tăng trưởng.

Theo chia sẻ của nữ bác sĩ, không ít bệnh nhân của bà lãnh hậu quả ngay sau khi uống sữa trôi nổi, ngoài khuyến nghị. Gần đây nhất, nam bệnh nhân hơn 50 tuổi bị suy thận, được điều trị thuốc cùng điều chỉnh chế độ ăn để có các chỉ số sức khỏe phù hợp.
Tuy nhiên, sau 1 tháng tái khám, bác sĩ và bệnh nhân cùng bất ngờ khi chức năng thận của bệnh nhân suy giảm rõ rệt. Hỏi kỹ, bệnh nhân cho biết có uống thuốc nhưng bỏ chế độ ăn của bác sĩ mà chuyển sang uống sữa trôi nổi.
Những dấu hiệu phân biệt sữa giả
Theo bác sĩ Hảo, đầu tiên phải lưu ý đến việc đóng gói, cần quan sát xem hộp sữa có bị bóp méo hay nhãn mác được in ra sao. Thông thường, sữa đảm bảo chất lượng được in nhãn mác rất rõ nét, không nhòe, không mờ; ghi rõ nhà sản xuất, hạn sử dụng, các thành phần, chỉ tiêu như đạm, mỡ, đường trong 100 ml là bao nhiêu… Nếu là sữa nhập khẩu phải có nhãn phụ bằng tiếng Việt.
Thứ hai, đó là sự minh bạch trong thông tin về đơn vị sản xuất, nghiên cứu khoa học của sản phẩm giúp người tiêu dùng có thể tra soát nhanh (ví dụ qua mã QR, mã vạch in trên nhãn mác); Cần cẩn trọng với các sản phẩm xách tay, hàng giới thiệu hay hàng dùng thử.
Thứ ba, một dấu hiệu ít người để ý là sữa đảm bảo chất lượng thường được quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng chính thống. “Sữa cỏ” thường được quảng cáo trên mạng xã hội, tại các “hội thảo”, hoặc trên các tờ rơi phát lẻ. Đặc biệt, các loại sữa này thường “đánh” vào tâm lý quan tâm giá cả, khuyến mại, lợi ích (ví dụ mua 5 hộp được tặng một hộp) hoặc giới thiệu cho người khác mua sẽ được chiết khấu, giảm giá…
Theo bác sĩ Hảo, nếu mua hoặc dùng sản phẩm dinh dưỡng dành cho người có bệnh lý hoặc có thể trạng đặc biệt cần được tư vấn của những người có kiến thức hoặc các chuyên gia, không nên theo xu hướng đám đông.
>> Vụ phát hiện 573 hiệu sữa bột giả: Mua hàng rởm, niềm tin đổ vỡ, đòi tiền được không?