Chứng khoán

Giá cước vận tải biển tăng 300%, cổ phiếu nhóm hàng hải ‘đạp gió, rẽ sóng’

Thu Huyền 25/06/2024 21:12

Cổ phiếu ngành hàng hải đã ‘thăng hoa’ trong quãng thời gian vừa qua nhờ việc giá cước vận tải biển tăng ‘chóng mặt’ và được dự đoán sẽ tiếp tục lên cao trong nửa cuối năm 2024.

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024 được tổ chức ngày 25/6 của Gemadept (MCK: GMD), lãnh đạo công ty đã đưa ra nhận định giá cước vận tải thời gian tới.

Cụ thể, sau thời điểm tăng nóng giai đoạn 2020 - 2022 thì giá cước đã hạ nhiệt. Đến cuối 2023, giá cước mới hồi phục tốt trở lại. Hiện giá cước đi các tuyến vận tải đang tăng 300% so với cùng kỳ 2023; đà tăng đang rất mạnh gần đây khi giá cước tháng 6 đã cao hơn 30% so với tháng 5.

Giá cước vận tải biển tăng 300%, cổ phiếu nhóm hàng hải ‘đạp gió, rẽ sóng’
Lãnh đạo Gemadept tin tình trạng giá cước trên tất cả các tuyến sẽ tăng đến hết 2024

Lãnh đạo GMD tin rằng tình trạng giá cước trên tất cả các tuyến sẽ tăng đến hết 2024 do các biến động tại Biển đỏ, xung đột chính trị, tình trạng thiếu tàu, thiếu thiết bị sẽ khó có thể khắc phục trong thời gian ngắn.

Trong dài hạn, Chứng khoán Tiên Phong (TPS) đánh giá ngành cảng biển toàn Đông Nam Á sẽ hưởng lợi mạnh mẽ từ việc dịch chuyển chuỗi cung ứng. Trung Quốc vẫn là nguồn nhập khẩu chủ yếu của thị trường châu Âu và Bắc Mỹ nhưng đang mất dần thị phần vào tay Đông Nam Á và Nam Á. Trong đó, Việt Nam là nước đạt mức tăng mạnh nhất từ chiếm tỷ trọng 6% (2016) lên đến 13% (2022).

Đồng thuận với các yếu tố tích cực trên, trong nửa đầu năm 2024, thị giá của loạt các cổ phiếu nhóm cảng biển - vận tải biển đều đồng loạt tăng mạnh như VSA (+50%), GMD (+22%), HAH (+34%), VIP (+38%).

Đáng chú ý, trong nhóm vận tải biển, mã MVN của Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam - CTCP (VIMC) tăng lên tới 204% (có thời điểm lên 355%) với chỉ chưa đầy 1 tháng. Cổ phiếu của doanh nghiệp này tăng mạnh nhờ lợi thế là đơn vị sở hữu đội tàu lớn nhất cả nước và đóng vai trò vận tải quan trọng của nền kinh tế. Đội tàu của VIMC hiện đang chiếm tới 25% tổng dung tích đội tàu trong cả nước, trong đó có những loại tàu hàng rời cỡ lớn đến 73.000 DWT, hàng năm chuyên chở 60% hàng hóa xuất và nhập khẩu vào Việt Nam.

Mặt khác, các doanh nghiệp chuyên về khai thác cảng cũng gián tiếp được hưởng lợi từ giá vận tải biển và giá container neo cao như GMD. Cụ thể, Gemadept ước tính lợi nhuận sơ bộ 6 tháng đầu năm đạt 53% kế hoạch cả năm dù chưa tính khoản thoái vốn Cảng Nam Hải do các cảng phía Bắc hoạt động tối đa công suất và giá cước tăng. Cùng với đó, việc tăng giá dịch vụ cảng theo Thông tư 39 cũng đóng góp vào kết quả kinh doanh.

>> Giá cước neo cao, Xếp dỡ Hải An (HAH) ‘tranh thủ’ cho thuê thêm 2 tàu trong tháng 7

Giá cước neo cao, Xếp dỡ Hải An (HAH) ‘tranh thủ’ cho thuê thêm 2 tàu trong tháng 7

Cổ đông lớn của VIPCO (VIP) chốt lời sau nhịp tăng hơn 60%

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/gia-cuoc-van-tai-bien-tang-300-co-phieu-nhom-hang-hai-dap-gio-re-song-239993.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Giá cước vận tải biển tăng 300%, cổ phiếu nhóm hàng hải ‘đạp gió, rẽ sóng’
    POWERED BY ONECMS & INTECH