Giá điện bán lẻ mới vừa được 'chốt sổ', tối đa 2.444 đồng/kWh
Theo Quyết định mới, mức giá bán lẻ điện tối thiểu được ấn định là 1.826,22 đồng/kWh và mức tối đa là 2.444,09 đồng/kWh, chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng.
Ngày 31/3/2025, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn đã ký ban hành Quyết định số 07/2025/QĐ-TTg, quy định khung giá mới cho mức giá bán lẻ điện bình quân. Quyết định này được ban hành dựa trên điểm b khoản 3 Điều 50 của Luật Điện lực số 61/2024/QH15, áp dụng cho tất cả các cơ quan, tổ chức và cá nhân tham gia hoạt động điện lực cũng như sử dụng điện trên toàn quốc.
Trước đó, ngày 28/3/2025, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 72/2025/NĐ-CP, quy định về cơ chế và thời gian điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân. Theo Nghị định này, giá bán lẻ điện bình quân được xem xét điều chỉnh hàng năm dựa trên biến động của các thông số đầu vào trong tất cả các khâu như phát điện, truyền tải, phân phối - bán lẻ, điều độ vận hành hệ thống điện và các dịch vụ phụ trợ khác.
Cụ thể, nếu giá bán lẻ điện bình quân giảm từ 1% trở lên so với mức hiện hành, giá điện sẽ được điều chỉnh giảm tương ứng. Ngược lại, khi giá bán lẻ điện bình quân tăng từ 2% trở lên, giá điện sẽ được phép điều chỉnh tăng. Tuy nhiên, mọi điều chỉnh phải nằm trong khung giá do Thủ tướng Chính phủ quy định.
![]() |
Mức giá bán lẻ điện tối thiểu được ấn định là 1.826,22 đồng/kWh và mức tối đa là 2.444,09 đồng/kWh, chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng. Ảnh minh họa |
>> 1.000 chuyên gia điện hạt nhân của Việt Nam sắp 'ra đời' nhờ sự giúp sức từ Hungary
Trong trường hợp có biến động lớn về các thông số tính toán khung giá hoặc chi phí sản xuất kinh doanh điện, Bộ Công Thương có trách nhiệm tính toán và điều chỉnh khung giá, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét và quyết định. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) được phép điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân trong phạm vi khung giá đã được quy định, theo cơ chế được nêu tại Nghị định 72/2025/NĐ-CP.
Nếu giá bán lẻ điện bình quân cần điều chỉnh cao hơn mức hiện hành từ 10% trở lên, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan để kiểm tra, rà soát và báo cáo Chính phủ xem xét, cho ý kiến. Trường hợp cần thiết, Bộ Công Thương sẽ báo cáo Ban Chỉ đạo điều hành giá trước khi trình Chính phủ.
Nghị định cũng quy định rõ, thời gian tối thiểu giữa các lần điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân là 3 tháng kể từ lần điều chỉnh gần nhất. Điều này nhằm đảm bảo tính ổn định và tránh biến động lớn ảnh hưởng đến người tiêu dùng và nền kinh tế.
Việc điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân phải được thực hiện một cách công khai và minh bạch. Trường hợp EVN không thực hiện điều chỉnh giảm giá khi có điều kiện, Bộ Công Thương có quyền yêu cầu EVN thực hiện điều chỉnh trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu. Nếu phát hiện sai sót trong quá trình tính toán giá điện, Bộ Công Thương cũng có trách nhiệm yêu cầu EVN dừng hoặc điều chỉnh lại mức giá cho phù hợp.
Quyết định số 07/2025/QĐ-TTg có hiệu lực từ ngày ký ban hành, tức ngày 31/3/2025. Kể từ thời điểm này, Quyết định số 02/2023/QĐ-TTg ngày 3/2/2023 về khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân chính thức hết hiệu lực.
>> Để làm ra 1.000 USD, Việt Nam tiêu tốn điện gấp nhiều lần Indonesia và Philippines