Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh phải giật mình vì "không ngờ các doanh nghiệp xăng dầu khổ thế".
Ngày 14/5, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp Bộ Công Thương tổ chức Hội thảo Góp ý cho dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu, hàng trăm doanh nghiệp từ khắp mọi miền đất nước đã tham dự để đóng góp ý kiến cho dự thảo. Nghị định này sẽ thay thế các quy định trước đây, mang lại hy vọng giải quyết nhiều bất cập hiện tại nhưng cũng gợi lên không ít lo ngại từ phía doanh nghiệp.
Ông Trịnh Quang Khanh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (VINPA), mở đầu buổi thảo luận với những nhận xét về những mục tiêu nặng nề mà mỗi lít xăng phải gánh chịu, từ đảm bảo an ninh năng lượng, ổn định kinh tế vĩ mô đến hài hòa lợi ích các bên. Ông Khanh đề nghị loại bỏ các quy định chung chung để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
Hội thảo Góp ý cho dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu |
Một trong những điểm cụ thể được ông Khanh đề xuất sửa đổi là yêu cầu về phòng cháy chữa cháy và bảo vệ môi trường đối với nhân viên kinh doanh xăng dầu, cho rằng điều này đã không còn cần thiết sau khi Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Thông tư mới. Ông cũng đề nghị bỏ yêu cầu về dung tích kho bể tối thiểu 2.000m3 vì điều này gây khó khăn lớn về tài chính và quỹ đất cho các doanh nghiệp.
Ông Văn Tấn Phụng, Chủ tịch Công ty CP Thương mại Dầu khí Đồng Nai, phản ánh rằng dự thảo Nghị định đang dành quá nhiều ưu ái cho doanh nghiệp đầu mối, cho phép họ nhập khẩu, mua từ các nhà máy lọc dầu trong nước và bán cho các đại lý. Trong khi đó, thương nhân phân phối chỉ được phép mua từ các đầu mối trong nước và bán cho cửa hàng trong hệ thống của mình, không được mua chéo giữa các thương nhân phân phối.
"Ở khu vực Nam Bộ, nhiều doanh nghiệp xăng dầu đã phải đóng cửa hàng loạt", ông Phụng cho biết.
Ông Văn Tấn Phụng, Chủ tịch HĐQT CTCP Thương mại dầu khí Đồng Nai phát biểu ý kiến tại Hội thảo. Ảnh: AH |
Ông Đỗ Thanh Hán, Giám đốc một công ty xăng dầu tại TP. HCM, bày tỏ rằng dự thảo Nghị định mới vẫn duy trì nhiều quy định cũ từ Nghị định 83 và 95 trước đây, chỉ bổ sung thêm một số quy định về quỹ bình ổn giá và hạn chế quyền kinh doanh của thương nhân phân phối, bán lẻ. Ông Hán cho rằng 2 năm qua, những người bán xăng dầu đã gặp rất nhiều khó khăn, ví như "nằm trên giường bệnh."
Ông Hán chia sẻ: "Một số người coi xăng dầu như nghề truyền thống, có gia đình 3 đời kinh doanh xăng dầu, tôi cũng là đời thứ 2. Nhưng chưa bao giờ kinh doanh xăng dầu lại khổ như vậy".
Ông Hoàng Trung Dũng, Tổng Giám đốc Công ty CP Phát triển phụ gia và sản phẩm dầu mỏ (APP), bày tỏ sự thất vọng trước các quy định bất cập trong dự thảo Nghị định. Theo ông, việc hạn chế nguồn mua xăng dầu chỉ từ các đầu mối đã khiến doanh nghiệp phân phối gặp khó khăn nghiêm trọng, nhất là khi nguồn cung bị đứt gãy như trong năm 2022 - 2023.
Luật sư Nguyễn Tiến Lập đánh giá dự thảo Nghị định có nhiều điểm trái với các quy định cơ bản của luật hiện hành, can thiệp quá sâu vào thị trường và hạn chế quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp. Ông đề nghị cần có những điều chỉnh để đảm bảo tính cạnh tranh công bằng và hợp lý trong thị trường xăng dầu.
>> Lãnh đạo Thuế yêu cầu rà soát thực hiện hóa đơn điện tử bán lẻ xăng dầu 
Hàng trăm doanh nghiệp từ khắp mọi miền đất nước đã tham dự để đóng góp ý kiến cho dự thảo Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu. Ảnh: AH |
Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh nhận xét rằng ngành kinh doanh xăng dầu đang bị bó buộc bởi quá nhiều điều kiện không cần thiết. Ông nhấn mạnh sự cần thiết của việc giảm bớt các điều kiện không then chốt, đảm bảo quyền tự do kinh doanh và tự do mua bán cho doanh nghiệp.
Sau khi nghe ý kiến phát biểu của Hiệp hội và một số doanh nghiệp, ông Ánh bày tỏ: “Tôi công nhận ngành nghề kinh doanh xăng dầu là có điều kiện, nhưng qua phản ánh của Hiệp hội, doanh nghiệp, tôi giật mình, không ngờ các doanh nghiệp khổ thể. Tại sao lại vẽ ra một đống điều kiện như vậy?”.
Ông Phan Văn Chinh, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương, khẳng định cơ quan quản lý sẽ tiếp thu các ý kiến đóng góp để hoàn thiện dự thảo nghị định, với mục tiêu giảm bớt các mục tiêu quản lý đa mục tiêu, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và hài hòa lợi ích các bên.
Buổi Hội thảo đã cho thấy những thách thức mà các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đang đối mặt và nhu cầu cấp thiết phải có những điều chỉnh hợp lý trong dự thảo nghị định mới. Sự lắng nghe và tiếp thu ý kiến từ các doanh nghiệp và chuyên gia sẽ là bước quan trọng để hoàn thiện khung pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho ngành xăng dầu phát triển bền vững.
>> Tạm giữ 134 sổ tiết kiệm tổng số tiền 1.320 tỷ đồng trong vụ Xuyên Việt Oil