Gia đình ở Việt Nam có 2 vị tướng, 6 anh chị em ruột đều là liệt sĩ
Gia đình này có 9 người con thì 3 người là sĩ quan cấp cao, 6 người còn lại đều là liệt sĩ hy sinh anh dũng trong những năm tháng chiến tranh ác liệt.
Đại tướng Đoàn Khuê (1923-1999) sinh ra trong một gia đình yêu nước ở làng Gia Đẳng, xã Triệu Tân (nay là xã Triệu Lăng), huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị - mảnh đất giàu truyền thống đấu tranh cách mạng. Ông nguyên là Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng , một chiến sĩ cộng sản kiên cường, nhà chính trị, quân sự xuất sắc, rất mực trung thành với sự nghiệp cách mạng.
Sinh thời, Đại tướng Đoàn Khuê ít khi kể về truyền thống cách mạng vẻ vang của gia đình mình. Chuyện gia đình ông có 2 vị tướng , 2 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng , 6 liệt sĩ  hy sinh anh dũng trong những năm tháng chiến tranh chống Mỹ cứu nước ác liệt thì càng ít được biết đến.
Cụ thân sinh của Đại tướng Đoàn Khuê là ông Đoàn Cầu có 2 người vợ là bà Nguyễn Thị Dương và bà Nguyễn Thị Lạnh, cùng chung truyền thống yêu nước. Ngay đầu thập niên 20 của thế kỷ trước, ông Đoàn Cầu tham gia cách mạng, dùng chính ngôi nhà của mình làm nơi tổ chức các cuộc họp bí mật của Xứ ủy Trung Kỳ.
Kế tục truyền thống yêu nước của cha ông, cả 9 anh chị em trong gia đình Đại tướng Đoàn Khuê sớm giác ngộ lý tưởng, con đường cách mạng của Đảng để giải phóng dân tộc, trở thành những “hạt giống đỏ” trong phong trào cách mạng của quê hương, đất nước.
Trong số đó, 3 người đã trưởng thành trong phong trào cách mạng là Đại tướng Đoàn Khuê, Trung tướng Đoàn Chương (nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược quân sự) và Đại tá Đoàn Thúy.
Ngoài ra, 6 anh chị em trong gia đình ở lại địa phương đều anh dũng chiến đấu, cống hiến, hy sinh cho Tổ quốc, gồm các liệt sĩ: Đoàn Đình, Đoàn Văn Hà, Đoàn Giao, Đoàn Cư, Đoàn Ngọc Anh, Đoàn Thị Tùng.
Năm 1964, Đoàn Đình là người con đầu tiên trong số 6 anh em bám trụ ở quê hương hy sinh khi theo đường biển chở thương binh ra miền Bắc và chở súng đạn quay về, bị địch bắn chìm thuyền tại Cửa Việt.
Năm 1965, Đoàn Giao là cán bộ nằm vùng bị địch lần theo dấu chân in trên cát tìm đến tận hầm trú ẩn khi trời mưa và chiến đấu hy sinh.
Năm 1967, Đoàn Ngọc Anh trên đường rút quân bị địch phục kích, pháo bắn đuổi, không vượt được qua sông Vân Tường, hy sinh anh dũng.
Trong những ngày chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968, Đoàn Văn Hà là chiến sĩ đặc công đánh đồn Cổ Lũy bị hỏa lực mạnh của địch bắn, hy sinh.
Sau Tết Mậu Thân năm 1968, Mỹ - Ngụy tung quân về nông thôn bình định, tìm diệt, Đoàn Cư bám dân, quần nhau chiến đấu mấy ngày với địch, bị thương nặng và hy sinh.
Cũng trong năm 1968, người con cuối cùng trong 6 anh em bám trụ ở địa phương là Đoàn Thị Tùng - Hội trưởng phụ nữ huyện Triệu Phong lọt vào ổ phục kích của địch và chiến đấu hy sinh.
Chỉ gần 5 năm (1964-1968), tất cả 6 người em trong gia đình của Đại tướng Đoàn Khuê bám trụ chiến đấu ở quê hương đều hy sinh.
“Một gia đình có 9 người con thì có đến 6 liệt sĩ và 3 người là sĩ quan cao cấp trong quân đội; 2 người mẹ được phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Nếu tính cả con dâu, rể, cháu nội thì gia đình Đại tướng Đoàn Khuê có 15 người tham gia cống hiến, phục vụ trong các lực lượng vũ trang nhân dân. Đây thực sự là gia đình cách mạng mẫu mực, tiêu biểu, hiếm có”, Bí thư Đảng ủy xã Triệu Lăng Lê Xuân Lộc tự hào khẳng định.