Kiến thức

Gia tộc nức tiếng Việt Nam có 3 cha con cùng đỗ Tiến sĩ, 2 người được lấy tên để đặt tên đường ở Hà Nội

Thùy Dung 13/08/2024 21:18

Nhà thờ của dòng họ này còn được công nhận là Di tích Lịch sử Văn hóa cấp Quốc gia vào năm 1996.

Làng Thu Hoạch (nay là xã Thạch Châu, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh) là quê hương của dòng họ Phan Huy, một dòng họ nổi tiếng với nhiều hậu duệ lưu danh sử sách. Người dân địa phương thường truyền miệng câu: "Võ Hạ Hoàng, Văn làng Thu Hoạch," để tôn vinh dòng họ Phan Huy nổi tiếng về văn chương, khoa bảng và sĩ hoạn.

Cụ Phan Huy Cẩn là người khai khoa cho dòng họ, đỗ Tiến sĩ đầu tiên và được mệnh danh là danh thần tài đức vẹn toàn. Từ nhỏ, cụ đã nổi tiếng thông minh, ham học, và dù xuất thân nghèo khó, cụ vẫn kiên trì theo đuổi con đường học vấn. Năm 1754, cụ đỗ đồng Tiến sĩ ở tuổi 33 và sau đó làm quan, nổi danh là người ngay thẳng. Khi bị cách chức, cụ trở về quê dạy học trong 8 năm.

Nhà thờ gốc của họ Phan Huy tại làng Thu Hoạch, xã Thạch Châu, Hà Tĩnh, cũng được công nhận là Di tích Lịch sử Văn hóa cấp Quốc gia vào năm 1996. Ảnh: Internet

(TyGiaMoi.com) - Nhà thờ gốc của họ Phan Huy tại làng Thu Hoạch, xã Thạch Châu, Hà Tĩnh, cũng được công nhận là Di tích Lịch sử Văn hóa cấp Quốc gia vào năm 1996. Ảnh: Internet

Con trai cả của Phan Huy Cẩn, Phan Huy Ích, là một danh sĩ nổi tiếng cuối đời Hậu Lê và cũng là công thần nhà Tây Sơn. Ông thi đỗ Tiến sĩ năm 1775, từng giữ nhiều chức vụ quan trọng dưới triều Lê và sau này là nhà Tây Sơn. Ông nổi tiếng với vai trò ngoại giao, đặc biệt trong việc củng cố quan hệ với nhà Thanh. Ông cũng để lại nhiều tác phẩm văn chương có giá trị như: "Nam trình tạp vịnh," "Cẩm trình ký hứng."

Tiếp nối mạch nguồn của gia đình, sau khi anh trai Phan Huy Ích đỗ Tiến sĩ, em trai Phan Huy Ôn (1755-1786) cũng đậu Tiến sĩ tam giáp khoa Kỷ Hợi (1779). Sau khi đỗ đạt, Phan Huy Ôn được bổ chức Đốc đồng Sơn Tây, thăng Hàn lâm thị chế, Tham đồng đê lĩnh, Thiên sai trị công phiên, và được phong tước Mỹ Xuyên bá. Cụ mất ở tuổi 32, và sau khi mất, cụ được truy tặng chức Hàn lâm thị giảng, tước Mỹ Xuyên hầu.

Dòng họ Phan Huy tự hào khi có ba cha con cụ Phan Huy Cẩn, Phan Huy Ích, Phan Huy Ôn được ghi danh tại Văn Miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội).

Phan Huy Chú, con trai thứ ba của Phan Huy Ích, tuy không đỗ đạt cao trong thi cử nhưng lại là một nhà bác học uyên thâm. Sinh ra và lớn lên ở xã Thụy Khuê (làng Thầy), huyện Quốc Oai, nay thuộc Hà Nội, trong một gia đình khoa bảng, nên ngay từ nhỏ ông được nuôi dạy rất chu đáo. Vốn thông minh lại cần cù, ông nổi tiếng hay chữ khắp vùng.

Chân dung cụ Phan Huy Chú - một trong những người con xuất sắc của dòng họ. Ảnh: Internet

(TyGiaMoi.com) - Chân dung cụ Phan Huy Chú - một trong những người con xuất sắc của dòng họ. Ảnh: Internet

Từ năm 27 tuổi đến năm 37 tuổi (1809-1819), Phan Huy Chú đã dành cả tâm trí và tài năng để viết "Lịch triều hiến chương loại chí". Ðây là bộ bách khoa thư đầu tiên của Việt Nam, đánh dấu bước phát triển cao về học thuật ở nước ta đầu thế kỷ 19. Chính công trình này đã tôn vinh Phan Huy Chú lên nhà bác học lớn của Việt Nam. Dù chỉ đỗ tú tài, Phan Huy Chú vẫn được bổ làm Biên tu tại Viện Hàn lâm triều Nguyễn và được tôn vinh là nhà bác học uyên sâu, nhà thơ lớn.

Để ghi nhận những công lao to lớn của các bậc tài nhân dòng họ Phan Huy, tại Hà Nội, có hai tuyến phố mang tên Phan Huy Ích và Phan Huy Chú. Phố Phan Huy Ích dài 176m, từ phố Nguyễn Trường Tộ đến phố Quán Thánh. Phố Phan Huy Chú dài 365m, từ phố Lê Thánh Tông đến phố Hàn Thuyên.

Nhà thờ gốc của họ Phan Huy tại làng Thu Hoạch, xã Thạch Châu, Hà Tĩnh, cũng được công nhận là Di tích Lịch sử Văn hóa cấp Quốc gia vào năm 1996. Hiện nhà thờ vẫn bảo tồn 28 sắc phong do vua chúa ban tặng cho các bậc tiền nhân của dòng họ.

Một góc phố Phan Huy Ích, Hà Nội. Ảnh: Internet

(TyGiaMoi.com) - Một góc phố Phan Huy Ích, Hà Nội. Ảnh: Internet

Đặc biệt, trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon trong hai ngày 22-23/5/2015, ông đã có dịp viếng thăm và thắp hương tại nhà thờ Phan Huy Chú, xã Sài Sơn (Quốc Oai, Hà Nội) - nơi con cháu thuộc họ Phan Huy ở phía Bắc sinh hoạt. Tại đây, ông đã gặp gỡ một số thành viên dòng họ Phan Huy và để lại lưu bút.

Dòng họ Phan Huy không chỉ là niềm tự hào của làng Thu Hoạch mà còn là biểu tượng văn hóa, khoa học của cả dân tộc Việt Nam. Những đóng góp to lớn của các danh nhân trong dòng họ đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lịch sử và văn hóa nước nhà, và tiếp tục được thế hệ hôm nay gìn giữ, tôn vinh.

>> Vị bác sĩ đã đặt tên cho hầu hết các tuyến đường, phố cổ tại Hà Nội, là thị trưởng người Việt đầu tiên của Thủ đô

Gia đình có bốn nghệ sĩ được đặt tên đường tại thành phố đáng sống nhất Việt Nam, đặc biệt nằm trong cùng một quận

Vị bác sĩ đã đặt tên cho hầu hết các tuyến đường, phố cổ tại Hà Nội, là thị trưởng người Việt đầu tiên của Thủ đô

Theo Chất lượng và Cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/gia-toc-nuc-tieng-viet-nam-co-3-cha-con-cung-do-tien-si-2-nguoi-duoc-lay-ten-de-dat-ten-duong-o-ha-noi-d130384.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Gia tộc nức tiếng Việt Nam có 3 cha con cùng đỗ Tiến sĩ, 2 người được lấy tên để đặt tên đường ở Hà Nội
    POWERED BY ONECMS & INTECH