Giá vàng sôi sục, tỷ giá USD/VND vút cao: Triển vọng đồng VND ra sao?
Tỷ giá USD/VND đang sôi sục, lập kỷ lục cao mọi thời đại trên thị trường tự do trong bối cảnh giá vàng miếng SJC, vàng nhẫn dồn dập lập đỉnh, thanh khoản trên hệ thống ngân hàng dồi dào. Triển vọng đồng VND rao sao trong bối cảnh mới?
USD cán đỉnh lịch sử
Đồng USD  trên thị trường tự do liên tục tăng mạnh và dồn dập lập đỉnh cao lịch sử kể từ tuần trước. Tới ngày 11/3, tỷ giá USD/VND trên thị trường này đã lập kỷ lục cao mới: 25.700 đồng/USD (giá bán ra). Giá mua vào thấp hơn khoảng 200 đồng.
Trước đó, hồi cuối tháng 10/2022, tỷ giá USD/VND trên thị trường tự do đã từng lên mức 25.500 đồng/USD (giá bán ra).
Còn so với đầu năm, tỷ giá USD/VND trên thị trường tự do đã tăng khoảng 930 đồng, tương đương mức tăng gần 3,8%, từ mức 24.770 đồng/USD lên mức 25.700 đồng/USD như hiện tại.
Hiện tượng USD tăng giá mạnh so với VND ngay trong quý I là một diễn biến bất ngờ đối với giới quan sát thị trường bởi đây thường là giai đoạn nguồn cung ngoại tệ dồi dào. USD từ kiều hối, xuất khẩu, FDI… thường dồn vào khoảng thời gian này.
Chia sẻ với VietNamNet, ông Đỗ Bảo Ngọc - Phó Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Kiến Thiết VNCSI (CSI) cho rằng, tỷ giá USD/VND tăng trong thời gian gần đây một phần vì khả năng cao Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) không giảm lãi suất trong kỳ họp ngày 21/3 tới.
Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng, giảm lãi suất huy động dường như đã tới giới hạn. Lãi suất cho vay cũng đang giảm nhưng sức hấp thụ vốn không mạnh như kỳ vọng. Tăng trưởng tín dụng đầu năm đang âm. Tiền trong hệ thống ngân hàng dư thừa.
Trong báo cáo vĩ mô mới công bố, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng, việc giá vàng thế giới tăng mạnh và chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới càng lớn thì áp lực lên tỷ giá USD/VND càng cao, đặc biệt trên thị trường tự do. Hơn thế, trong 2 tháng đầu năm, dù Việt Nam ghi nhận thặng dư thương mại, nhưng khối trong nước ghi nhận thâm hụt thương mại 3,9 tỷ USD, tăng 30% so với cùng kỳ. Chênh lệch dương lãi suất USD-VND tăng cao cũng tiềm ẩn hoạt động tăng mua đối với đồng USD.
Bên cạnh đó, theo VDSC, lãi suất huy động VND ở mức thấp cũng khiến sức cầu đối với một số loại tài sản như USD và vàng tăng lên.
TS. Nguyễn Trí Hiếu trước đó cũng đã đề cập tới nguyên nhân khiến tỷ giá tăng là do Fed sẽ không sớm hạ lãi suất như dự kiến, qua đó khiến đồng USD neo cao trên thị trường quốc tế.
Một số chuyên gia tài chính nhấn mạnh yếu tố vàng tăng giá mạnh đã tác động nhiều tới tỷ giá trên thị trường tự do.
Trong một báo cáo công bố hôm 11/3, Barry Weisblatt - Giám đốc Khối Phân tích của Chứng khoán VNDirect (VND) cho rằng, chỉ số DXY (thước đo giá trị sức mạnh đồng USD so với 6 đồng tiền chủ chốt) duy trì ở ngưỡng cao và giá vàng trong nước tăng cao gây áp lực lên tỷ giá trong tháng 2. Giá vàng trong nước tăng mạnh và duy trì mức chênh lệch giá cao so với giá vàng quốc tế cũng gây áp lực lên tỷ giá USD/VND.
Ngân hàng Nhà nước có thể điều tiết tỷ giá
Mặc dù tỷ giá USD/VND trên thị trường tự do tăng mạnh trong thời gian gần đây nhưng nhiều chuyên gia vẫn tin tưởng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có thể điều tiết không để đồng VND mất giá quá so với mục tiêu đề ra.
Ông Đỗ Bảo Ngọc cho rằng, NHNN đã có động thái ứng phó với biến động tỷ giá trên thị trường tự do, với việc chào bán tín phiếu trở lại trong phiên giao dịch ngày 11/3.
Theo thông tin từ NHNN, trong phiên ngày 11/3, cơ quan này hút gần 15 nghìn tỷ đồng qua kênh tín phiếu kỳ hạn 28 ngày sau hơn 4 tháng tạm dừng. Mức lãi suất trúng thầu phiên 11/3 là 1,4%/năm, thấp hơn nhiều so với mức 2,13%/năm của lãi suất kỳ hạn 1 tháng trên thị trường liên ngân hàng.
Với lãi suất trúng thầu thấp như vậy, có thể thấy, thanh khoản hệ thống ngân hàng đang khá dư thừa.
Theo ông Ngọc, việc hút lượng vốn dư thừa trong hệ thống về là biện pháp hợp lý. Chuyên gia CSI cho rằng, tình hình tỷ giá cũng không quá căng thẳng và NHNN có thể chủ động điều tiết. NHNN có thể có các biện pháp mạnh tay hơn như bán ngoại tệ… Nhưng quan trọng hơn, kỳ vọng Fed giảm lãi suất từ tháng 6 là cao do vậy đồng USD trên thị trường quốc tế sẽ giảm, qua đó bớt áp lực cho tỷ giá USD/VND.
Còn theo Barry Weisblatt, đồng VND vẫn nằm trong số những đồng tiền ổn định nhất khu vực nhờ thặng dư thương mại cao (28,3 tỷ USD năm 2023), cán cân thanh toán cao (khoảng 5-6% GDP năm 2023); vốn FDI giải ngân mạnh (23,1 tỷ USD năm 2023, tăng 3,5% so với năm trước) và dòng kiều hối ổn định (16 tỷ USD, tăng 32%).
Theo VDSC, vốn FDI cũng tích cực trong 2 tháng đầu năm, đạt 2,8 tỷ USD (tăng 9,8% so với cùng kỳ). Đây là lý do khiến công ty này không quá quan ngại về áp lực mất giá tiền Đồng.
NHNN cũng đã có những biện pháp can thiệp và có thể sớm ổn định tỷ giá trong thời gian tới.
Hiện NHNN đang duy trì sự ổn định trên hệ thống ngân hàng. Trên thị trường ngân hàng, tỷ giá USD không có nhiều biến động trong những ngày qua, vẫn ở mức cao ổn định quanh mức 24.800 đồng/USD. Cụ thể vào sáng 11/3 được ghi nhận ở mức 24.470 đồng/USD (giá mua) và 24.810 đồng/USD (giá bán ra), thấp hơn so với đỉnh cao 24.888 đồng/USD (giá bán ra) ghi nhận hôm 25/10/2022.
Tỷ giá trung tâm do NHNN công bố ở mức khá thấp, hôm 11/3 ở mức 23.972 đồng/USD. Với biên độ +/-5%, giá mà các ngân hàng được giao dịch cao nhất là 25.170 đồng/USD và thấp nhất là 22.773 đồng/USD.
Giá bán ra ở Hội sở NHNN là 25.120 đồng/USD. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, NHNN có thể sẵn sàng bán ra cho các ngân hàng ở mức giá như vậy.
Giá USD trên thị trường tự do tăng mạnh được cho là chỉ ở phạm vi hẹp, không phản ánh hết được xu hướng giảm giá của USD trên thị trường quốc tế và sức mạnh của đồng VND theo tín hiệu tích cực về triển vọng của kinh tế Việt Nam.
Đồng USD vừa có một tuần giảm mạnh 
Đồng USD mạnh gây sức ép lên giá hàng hóa nguyên liệu thế giới