Giá vàng 'tăng kịch trần' gần 116 triệu đồng/lượng: Nên làm gì trước 'cơn lốc' này?
Giá vàng trong nước ngày 16/4 tiếp tục bứt phá mạnh mẽ.
Giá vàng trong nước tiếp tục bứt phá mạnh mẽ. Sáng 16/4, vàng miếng SJC được bán ra ở mức 110 triệu đồng/lượng. Đến 15h20 chiều cùng ngày, giá đã vọt lên 115,5 triệu đồng/lượng. Như vậy, chỉ trong vài giờ, mỗi lượng vàng đã tăng thêm 5,5 triệu đồng và nếu so với cuối phiên hôm qua, mức tăng thậm chí lên tới 7,5 triệu đồng/lượng.
Diễn biến này khiến nhiều người không khỏi đặt câu hỏi: "Vàng đang lên cơn sốt hay chỉ là một đợt tăng ảo"? Đâu là động lực thực sự phía sau đà tăng phi mã này? Và liệu mức 120 triệu, thậm chí 130 triệu đồng mỗi lượng có chỉ còn là vấn đề thời gian?
Để lý giải hiện tượng này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi nhanh với Chuyên gia tài chính TS. Nguyễn Trí Hiếu - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Thị trường Tài chính và Bất động sản toàn cầu, để có góc nhìn rõ hơn về "làn sóng vàng" đang cuộn trào tại Việt Nam.

PV: Thưa ông, giá vàng miếng SJC hôm nay đã cán mốc 115,5 triệu đồng/lượng. Vậy đâu là nguyên nhân khiến giá vàng tăng mạnh đến vậy?
TS. Nguyễn Trí Hiếu: Trước hết, giá vàng trong nước chịu ảnh hưởng lớn từ giá vàng thế giới. Hiện giá vàng quốc tế (17h ngày 16/4 theo giờ Việt Nam) đã vọt lên mức kỷ lục 3.302 USD/ounce – một con số chưa từng có trong lịch sử. Cá nhân tôi cũng bất ngờ vì chỉ trong 4 tháng đầu năm mà giá đã tăng vượt mốc 3.300 USD. Tôi từng nghĩ 3.200 USD đã là cao lắm rồi, vậy mà nay còn tăng hơn thế.
Theo tôi, nguyên nhân chủ yếu đến từ bất ổn địa chính trị toàn cầu: chiến sự tại Ukraine, căng thẳng ở Trung Đông và đặc biệt là chính sách thuế quan mới từ Mỹ. Mỹ đang áp thuế rất cao lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc lên tới 145%, với Việt Nam là 46%. Điều này gây lo ngại lớn, khiến nhà đầu tư tìm đến vàng như một nơi trú ẩn an toàn, từ đó đẩy giá vàng lên cao.
Tại Việt Nam, giá vàng trong nước tăng mạnh hơn thế giới. Ngoài tác động từ giá quốc tế, nguyên nhân còn đến từ nguồn cung trong nước đang rất hạn chế. Trong khi đó, tâm lý đầu cơ, tích trữ vàng lại bị kích thích bởi xu hướng tăng toàn cầu, khiến sức mua tăng vọt.
PV: Sau một thời gian giá vàng nhẫn cao hơn vàng miếng SJC, thì những phiên gần đây, vàng SJC đã lấy lại vị thế vốn có. Ông có thể lý giải hiện tượng này?
TS. Nguyễn Trí Hiếu: Thực tế, việc vàng miếng có giá cao hơn vàng nhẫn là xu hướng thông thường. Bởi vàng miếng là loại vàng đầu tư, tính thanh khoản cao hơn. Trong khi đó, vàng nhẫn vừa phục vụ đầu tư, vừa mang tính chất trang sức.
Tuy nhiên, thời gian trước có hiện tượng giá vàng nhẫn vượt vàng miếng. Nguyên nhân là vì vàng miếng nằm trong chương trình bình ổn giá của Ngân hàng Nhà nước, còn vàng nhẫn thì chưa, nên biến động giá của vàng nhẫn mạnh hơn.
PV: Với tình hình như hiện tại, ông có khuyến nghị gì với nhà đầu tư? Có nên mua - bán thời điểm này?
TS. Nguyễn Trí Hiếu: Việc có nên mua vàng hay không phụ thuộc vào chiến lược của từng người. Thị trường vàng hiện nay rất rủi ro – hôm nay tăng mạnh, nhưng mai có thể đảo chiều. Do đó, người đầu tư cần xác định rõ mục tiêu lợi nhuận. Ví dụ, nếu đặt mục tiêu sinh lời 20–30%, thì phải tính xem với mức giá hiện tại, liệu giá vàng tương lai có đạt được kỳ vọng không.
Cũng cần xét đến thời điểm mua vào trước đó. Nếu đã đạt mục tiêu lợi nhuận trong vòng 12 tháng thì có thể cân nhắc bán ra. Quan trọng nhất là phải có kế hoạch cụ thể và theo dõi sát tình hình để có quyết định kịp thời, sáng suốt.
PV: Ông có dự báo gì về diễn biến giá vàng thời gian tới?
TS. Nguyễn Trí Hiếu: Tôi cho rằng giá vàng sẽ tiếp tục tăng, cả trong nước và thế giới. Trên toàn cầu, hiện chưa có yếu tố nào đủ mạnh để kéo giá vàng xuống, trừ khi Mỹ đạt được thỏa thuận thuế quan với các nước, đặc biệt là Trung Quốc. Nhưng điều đó khó xảy ra trong ngắn hạn.
Nếu căng thẳng thương mại Mỹ - Trung tiếp tục leo thang, nền kinh tế Mỹ có thể rơi vào suy thoái và lạm phát cao, khiến vàng tiếp tục được coi là nơi trú ẩn. Ở Việt Nam, trong khi Nghị định 24 vẫn chưa sửa đổi và việc nhập khẩu vàng chưa được mở rộng, nguồn cung nội địa vẫn eo hẹp. Cung – cầu mất cân bằng sẽ còn đẩy giá lên.
Nếu xu hướng hiện tại tiếp tục, mốc 120 triệu đồng/lượng không còn xa. Còn mốc 130 triệu thì có thể xảy ra trong năm 2025, nếu các yếu tố địa chính trị và kinh tế tiếp tục phức tạp.
Xin chân thành cảm ơn ông!
>> Giá vàng nhẫn và vàng miếng tăng ‘không cản nổi’, vượt đỉnh 115 triệu đồng/lượng
Chuyên gia lý giải 3 động lực phía sau đà tăng phi mã của giá vàng
Giá vàng vượt 3.300 USD/ounce sau động thái cứng rắn mới của Mỹ với khoáng sản Trung Quốc