Giá vàng thế giới rơi tự do khỏi đỉnh lịch sử sau tín hiệu mới từ Trung Quốc
Từ đầu năm đến nay, giá vàng đã tăng gần 700 USD/ounce, liên tục lập các kỷ lục lịch sử và chạm đỉnh 3.500 USD/ounce vào thứ Ba vừa qua.
Giá vàng thế giới giảm mạnh trong phiên giao dịch ngày 25/4 (giờ Việt Nam), sau khi xuất hiện thông tin Trung Quốc xem xét miễn thuế đối với một số mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ. Động thái này làm giảm sức hấp dẫn của vàng – tài sản thường được coi là nơi trú ẩn an toàn trong bối cảnh bất ổn.
Cụ thể, giá vàng giao ngay giảm 1,2% xuống còn 3.288 USD/ounce vào đầu giờ chiều ngày 25/4. Hiện tại, giá kim loại quý đã phục hồi nhẹ lên mức 3.297 USD/ounce.
![]() |
Giá vàng thế giới giảm mạnh |
Theo Reuters, Bắc Kinh (Trung Quốc) đang cân nhắc loại trừ một số hàng hóa Mỹ khỏi mức thuế 125% hiện hành và kêu gọi doanh nghiệp trong nước đề xuất danh mục hàng hóa có thể được miễn trừ. Đây được xem là tín hiệu rõ ràng nhất cho thấy Trung Quốc lo ngại về tác động tiêu cực của cuộc chiến thương mại kéo dài đối với nền kinh tế.
Ở chiều ngược lại, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố các cuộc đàm phán với Trung Quốc vẫn đang được tiến hành, bác bỏ thông tin từ phía Trung Quốc rằng không có bất kỳ thảo luận nào diễn ra nhằm giảm căng thẳng giữa hai bên.
Chiến lược gia thị trường Yeap Jun Rong từ IG Markets nhận định: “Khả năng giảm thuế một phần đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc có thể được xem là bước đi tích cực trong việc hạ nhiệt căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, qua đó gây áp lực giảm lên các tài sản trú ẩn như vàng”.
Phát ngôn viên Bộ Thương mại Trung Quốc cũng cho biết, nếu Mỹ thực sự muốn giải quyết tranh chấp, thì cần phải gỡ bỏ toàn bộ các biện pháp thuế quan đơn phương đối với hàng hóa Trung Quốc.
Dù giảm giá trong phiên cuối tuần, vàng vẫn đang có năm tăng trưởng vượt bậc. Từ đầu năm đến nay, giá vàng đã tăng gần 700 USD/ounce, liên tục lập các kỷ lục lịch sử và chạm đỉnh 3.500 USD/ounce vào thứ Ba vừa qua.
Theo chuyên gia Yeap Jun Rong, về dài hạn, vàng vẫn hưởng lợi từ xu hướng đa dạng hóa dự trữ ngoại hối tại các nền kinh tế mới nổi, khi họ dần điều chỉnh cơ cấu dự trữ để tiệm cận với các nền kinh tế phát triển.
Trong khi đó, các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vẫn giữ quan điểm thận trọng, cho rằng chưa cần thiết điều chỉnh chính sách tiền tệ cho đến khi có thêm dữ liệu rõ ràng về tác động của chính sách thuế quan từ chính quyền Tổng thống Trump đối với nền kinh tế Mỹ.