Giá xăng dầu hôm nay 6/3/2024 tiếp đà suy yếu
Giá xăng dầu hôm nay 6/3/2024 trên thị trường quốc tế tiếp tục đi xuống theo đà giảm từ đầu tuần. Giá dầu giảm do lo ngại nhu cầu suy yếu.
Giá xăng dầu trong nước hôm nay 6/3/2024
Ở thị trường trong nước, giá bán các loại xăng dầu hôm nay 6/3 được áp dụng theo mức giá của phiên điều hành chiều 29/2.
Theo đó, giá bán lẻ xăng  được liên bộ Tài chính - Công Thương điều chỉnh tăng còn giá dầu giảm.
Cụ thể, giá xăng E5 được nâng lên mức 22.750 đồng/lít. Còn giá xăng RON95 tăng lên 23.920 đồng/lít.
Trong khi đó, giá dầu diesel giảm về 20.770 đồng/lít. Còn giá dầu hoả giảm xuống 20.780 đồng/lít.
Giá bán lẻ xăng dầu hôm nay:
Mặt hàng | Giá từ 29/2 (đơn vị: đồng/lít) | So với kỳ trước |
Xăng RON 95-III | 23.920 | + 330 |
Xăng E5 RON 92-II | 22.750 | + 280 |
Dầu diesel | 20.770 | - 140 |
Dầu hỏa | 20.780 | - 140 |
Giá xăng dầu thế giới hôm nay 6/3/2024
Trên thị trường thế giới, giá xăng dầu hôm nay 6/3 vẫn chịu áp lực giảm.
Phiên giao dịch 5/3, giá xăng dầu quốc tế tiếp nối đà suy giảm từ phiên đầu tuần.
Theo dữ liệu từ Oilprice, lúc 20h34' ngày 5/3 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent được giao dịch ở mức 81,8 USD/thùng, giảm 1 USD, tương đương 1,21% so với phiên liền trước. Còn giá dầu WTI ở mức 77,59 USD/thùng, giảm 1,15 USD, tương đương 1,46% so với phiên liền trước.
Giá dầu đi xuống do lo ngại nhu cầu suy yếu từ những quốc gia tiêu thụ dầu hàng đầu thế giới.
Giá dầu giảm khi cam kết của Chính phủ Trung Quốc về chuyển đổi nền kinh tế trong bối cảnh tăng trưởng trì trệ hậu đại dịch Covid-19 không gây ấn tượng với các nhà đầu tư.
Ngày 5/3, Thủ tướng Trung Quốc tuyên bố sẽ chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế và hạn chế tình trạng dư thừa công suất trong khi đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế vào năm 2024 khoảng 5%, tương tự như mục tiêu vào năm ngoái.
Song theo các nhà phân tích, mục tiêu này sẽ khó đạt được hơn trong năm nay vì năm 2023 Trung Quốc được hưởng lợi từ mức so sánh cơ bản thấp của năm 2022 sau đại dịch Covid-19.
Điều này khiến giới đầu tư e ngại về triển vọng tiêu thụ dầu chậm hơn ở nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới này. Lo ngại về triển vọng nhu cầu dầu suy yếu của Trung Quốc đã gây áp lực giảm giá dầu.
Thêm nữa, khảo sát sơ bộ từ Reuters cho thấy, tồn kho dầu thương mại của Mỹ trong tuần kết thúc vào ngày 1/3 dự kiến tăng 2,6 triệu thùng/ngày. Tuần trước đó, tồn kho dầu thương mại của nước này đã tăng 4,2 triệu thùng/ngày. Điều này phản ánh nhu cầu dầu tại Mỹ vẫn còn hạn chế.
Bên cạnh đó, kỳ vọng về việc đạt được thỏa thuận ngừng bắn trong cuộc xung đột giữa Israel - Hamas khiến tâm lý lo ngại nguồn cung gián đoạn được giảm bớt. Việc này cũng góp phần đẩy giá dầu đi xuống.