Giá xăng RON 95 tăng lần thứ 3 liên tiếp, vượt 21.200 đồng/lít
Giá xăng RON 95 (loại phổ biến trên thị trường) tại kỳ điều hành hôm nay (16/1) được điều chỉnh tăng lần thứ 3 liên tiếp, lên 21.220 đồng/lít.
Trên cơ sở điều hành của liên bộ Công Thương - Tài chính, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đồng loạt tiến hành điều chỉnh giá xăng dầu kể từ 15 giờ hôm nay (16/1).
So với cách đây 7 ngày, trong kỳ điều hành hôm nay, giá xăng  E5 được điều chỉnh tăng 320 đồng/lít, lên mức 20.750 đồng/lít. Giá xăng RON 95 cũng được tăng thêm 210 đồng/lít, giá bán là 21.220 đồng/lít.
Tương tự, giá dầu diesel được điều chỉnh tăng 540 đồng/lít, giá bán lên mức 19.780 đồng/lít.
Giống như các kỳ điều hành trước, ở kỳ điều hành hôm nay, liên bộ Công Thương - Tài chính không trích cũng không chi sử dụng từ Quỹ bình ổn giá với các mặt hàng xăng dầu.
Tại kỳ điều hành vào tuần trước (ngày 9/1), giá xăng dầu cũng được điều chỉnh đi lên.
Theo đó, giá xăng E5 tăng 380 đồng/lít, lên mức 20.430 đồng/lít. Giá xăng RON 95 tăng 270 đồng/lít, giá bán là 21.010 đồng/lít.
Cùng xu hướng, giá dầu diesel tăng 490 đồng/lít, giá bán lên mức 19.240 đồng/lít.
Liên quan đến thị trường xăng dầu, theo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong năm 2025, thuế bảo vệ môi trường với xăng (trừ ethanol) vẫn duy trì mức 2.000 đồng/lít. Mức thuế này với nhiên liệu bay, dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn là 1.000 đồng/lít; mỡ nhờn là 1.000 đồng/kg; dầu hỏa là 600 đồng/lít.
Bộ Tài chính ước tính, với mức thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu như trên, ngân sách Nhà nước sẽ giảm thu khoảng 44.224 tỷ đồng trong năm 2025. Nhưng đây sẽ là khoản hỗ trợ trực tiếp của Nhà nước để giúp người dân, doanh nghiệp phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội.
Đánh giá kết quả thực hiện chính sách giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn kể từ năm 2022 đến nay, Bộ Tài chính cho biết quá trình thực hiện chính sách giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn có những tác động tích cực đến nền kinh tế trong việc góp phần thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, vì thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn là một yếu tố cấu thành giá cơ sở xăng dầu trong nước.
Việc điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng này sẽ tác động trực tiếp đến giá bán lẻ xăng dầu trong nước nên cũng tác động đến chỉ số CPI. Vì vậy, đây được xem là một công cụ để thực hiện kiểm soát lạm phát.