Giấc mơ an cư Hà Nội: 50 năm chờ đợi, vẫn xa vời?
Giữa bối cảnh giá nhà ngày càng leo thang, nhiều người trẻ đang kiệt sức với giấc mơ sở hữu một căn nhà cho riêng mình. Các chuyên gia bất động sản nhận định rằng, trong tình hình hiện tại, việc "ai cũng có thể mua được nhà" là một mục tiêu ngày càng xa vời.
Hơn 13 năm trước, vợ chồng anh Minh và chị Lan rời quê hương để lên Hà Nội lập nghiệp. Cả hai tràn đầy hy vọng và niềm tin rằng chỉ cần chăm chỉ làm việc, rồi một ngày họ sẽ sở hữu được căn nhà nhỏ của riêng mình giữa lòng thủ đô. Khi mới đến, anh chị thuê một căn phòng trọ chừng 20m2 với giá chỉ 1,5 triệu đồng mỗi tháng. Cuộc sống khi đó không dư dả nhưng vẫn không quá khó khăn. Niềm tin vào tương lai vẫn tràn đầy trong họ.
Khi con gái đầu lòng ra đời, anh chị quyết định chuyển sang thuê một căn hộ có diện tích lớn hơn để có đủ không gian cho gia đình ba người. Tiền thuê nhà lúc này đã tăng lên 3 triệu đồng mỗi tháng và sau đó là 5 triệu đồng khi con trai thứ hai chào đời.
Dù chi phí sinh hoạt ngày càng cao, thu nhập của hai vợ chồng vẫn đủ để trang trải và nuôi hy vọng rằng với thời gian, họ sẽ tích lũy đủ để mua được một căn nhà.
Tuy nhiên, khi con gái lớn bước vào lớp 6 và con trai vào lớp 1, mọi thứ dần trở nên khó khăn hơn. Tổng thu nhập hàng tháng của hai vợ chồng khoảng 40 triệu đồng, nhưng chi phí cho con cái và cuộc sống gia đình ngày một tăng.
Ngoài số tiền đóng học chính cho hai con rơi vào khoảng 5-7 triệu đồng/tháng, anh chị còn phải tốn thêm tiền học thêm cho con gái khoảng 5 triệu đồng. Thêm vào đó, chi phí sinh hoạt hàng ngày như ăn uống tiêu tốn khoảng 10 triệu đồng mỗi tháng. Những khoản chi tiêu nhỏ lẻ như cà phê, xăng xe, và hiếu hỉ cũng tiêu tốn thêm khoảng 2 triệu đồng. Cùng với khoản tiền nhà phải đóng, số tiền dành để chi trả hiện tại đã rơi vào khoảng 29-30 triệu đồng/tháng.
Gần như toàn bộ thu nhập hàng tháng của vợ chồng anh Minh và chị Lan đều dành cho chi tiêu gia đình, không còn lại bao nhiêu để tiết kiệm. Dù đã cố gắng dành dụm, giấc mơ sở hữu một căn nhà tại Hà Nội ngày càng xa vời với họ. Giá nhà đất tại Hà Nội không ngừng leo thang.
Khi mới chuyển đến Hà Nội, một căn chung cư tầm trung có giá chỉ khoảng 1 tỷ đồng. Vợ chồng anh Minh từng đặt mục tiêu sẽ tiết kiệm trong 10 năm để mua nhà. Tuy nhiên, với giá nhà đất tăng liên tục, giấc mơ ấy dường như trở nên viển vông.
Theo báo cáo thị trường mới đây của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), mặc dù nguồn cung bất động sản  mới đang tăng, nhà ở giá rẻ vẫn gần như "tuyệt chủng". Trong khi đó, các dự án nhà ở cao cấp tiếp tục "đổ bộ" vào Hà Nội với mức giá thấp nhất khoảng 70 triệu đồng/m2. Những căn hộ có giá dưới 50 triệu đồng/m2 gần như đã biến mất khỏi thị trường. Nếu có, thì những căn hộ đó cũng nằm ở các khu vực ngoại ô xa trung tâm như Thanh Trì, Phú Xuyên, khiến việc di chuyển vào trung tâm thành phố không hề thuận tiện.
Anh Minh và chị Lan dần nhận ra rằng, với mức thu nhập hiện tại và tốc độ tăng giá nhà như hiện nay, dù mỗi tháng tích lũy được 10 triệu đồng, họ sẽ phải chờ khoảng 40-50 năm mới có thể chạm đến giấc mơ sở hữu một căn nhà tại Hà Nội có giá từ 4-5 tỷ đồng.
Theo số liệu của VARS, nguồn cung bất động sản đã giảm mạnh từ năm 2018 đến nay. Trong vòng 9 tháng đầu năm 2024, thị trường ghi nhận 38.797 sản phẩm mới được chào bán. Nguồn cung có sự phân hóa mạnh với 70% nguồn cung mới đến từ phân khúc căn hộ chung cư, trong đó các sản phẩm có giá trên 50 triệu đồng/m2 chiếm phần áp đảo. Điều này khiến giá nhà bị đẩy lên mức cao trong suốt thời gian qua.
Trước tình hình giá nhà tăng "phi mã" và không còn phân khúc chung cư phù hợp với thu nhập, vợ chồng anh Minh nhiều lần trăn trở về việc có nên tiếp tục cuộc sống ở Hà Nội hay không. Theo dự tính của anh Minh, nếu về quê, hai vợ chồng có thể mua được một mảnh đất nhỏ với số tiền tích lũy, xây một căn nhà đơn giản và không phải lo lắng về chi phí thuê nhà.
“Tuy nhiên, về quê đồng nghĩa với việc con cái sẽ phải học xa trung tâm, cơ hội học tập và phát triển sẽ bị hạn chế. Cũng có người khuyên chúng tôi mua nhà ở các khu vực lân cận Hà Nội như Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, nơi giá nhà còn khá "dễ chịu", trung bình khoảng 35 triệu đồng/m2. Nhưng điều đó cũng có nghĩa là mỗi ngày chúng tôi sẽ phải đối mặt với quãng đường di chuyển dài để đi làm và đi học. Đó thực sự không phải là lựa chọn dễ dàng”, anh Minh chia sẻ.
Với tất cả những biến động này, anh Minh và chị Lan không khỏi hoang mang về tương lai. Dù đã nỗ lực trong suốt hơn một thập kỷ nhưng đến nay giấc mơ sở hữu nhà tại Hà Nội vẫn còn là một chặng đường rất dài và đầy khó khăn.
Thống kê cho thấy, giá căn hộ chung cư rao bán tại Hà Nội tiếp tục tăng mạnh trên cả thị trường sơ cấp và thứ cấp. Cụ thể, giá chung cư tại Hà Nội vào đầu năm 2024 đã tăng khoảng 38% so với năm 2019. Đáng chú ý, nhiều dự án chung cư cũ, bao gồm cả các khu nhà tập thể cao tầng đã đi vào hoạt động từ 5-10 năm, cũng bị đẩy giá lên cao đáng kể.
Theo số liệu thống kê của Savills, giá bán sơ cấp trong quý III/2024 hiện đang ở mức 69 triệu đồng/m2, tăng 6% so với quý trước và 28% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trên thị trường thứ cấp, giá trung bình của căn hộ trong quý III/2024 là 51 triệu đồng/m2, tăng 10% so với quý trước và 41% so với năm ngoái. Giá thứ cấp trung bình tăng 17% mỗi năm kể từ năm 2020 với hạng C tăng mạnh nhất đạt 20%/năm, tiếp đến là hạng A tăng 16%/năm và hạng B tăng 15%/năm.
Các dự án thuộc khu vực nội đô như Thanh Xuân, Đống Đa, Cầu Giấy, Ba Đình ghi nhận mức tăng mạnh nhất, trung bình từ 200-300 triệu đồng/căn. Trong khi đó, các quận ven và cận ven như Hà Đông, Nam Từ Liêm, Hoài Đức có mức tăng thấp hơn, trung bình từ 100-200 triệu đồng/căn.
Dữ liệu khảo sát của Batdongsan.com.vn cho thấy, giá nhà riêng tại khu vực miền Bắc cũng không ngừng leo thang. Trong quý I/2021, giá nhà riêng trung bình ở mức 95 triệu đồng/m2 và đến quý III/2024, con số này đã tăng lên mức 173 triệu đồng/m2.
Đồng thời, giá đất nền tại khu vực miền Bắc cũng ghi nhận mức tăng đáng kể. Trong quý I/2021, giá đất nền trung bình ở mức 27 triệu đồng/m2, nhưng đến quý III/2024, con số này đã tăng lên mức 46 triệu đồng/m2.
Dữ liệu nghiên cứu thị trường của CBRE trong 10 năm qua ghi nhận, giá chung cư tại Hà Nội đã tăng trung bình khoảng 10% mỗi năm.
Theo khảo sát, nhiều dự án chung cư mới tại Hà Nội hiện có mức giá chào bán từ 60-100 triệu đồng/m2.
Đơn cử như tại Dự án Viha Complex (Thanh Xuân, Hà Nội), căn hộ tại đây đang được rao bán với giá 75-97,2 triệu đồng/m2.
Dự án Masteri West Heights (Tây Mỗ, Nam Từ Liêm) hiện đang được rao bán với mức giá 62,6-87,8 triệu đồng/m2 (Giá bán căn hộ tại dự án này đã tăng 28,5% trong vòng 1 năm qua).
Hay như dự án Green Diamond 93 Láng Hạ (Láng Hạ, Đống Đa) hiện cũng đang được rao bán với giá 90,5-125,7 triệu đồng/m2 (Giá bán căn hộ tại dự án này đã tăng 30,9% trong vòng 1 năm qua).
Câu chuyện của vợ chồng anh Minh và chị Lan không phải là trường hợp hiếm gặp đối với những người có “giấc mộng” mua nhà ở Thủ đô. Tương tự, một câu chuyện khác đã thu hút sự quan tâm lớn trên mạng xã hội Threads, khi một chàng trai sinh năm 2005 chia sẻ rằng anh đã từ bỏ giấc mơ mua nhà và thậm chí khẳng định rằng "Sẽ có một thế hệ không mua được nhà".
Về nhận định này, giữa bối cảnh giá bất động sản tăng "phi mã" trong khi thu nhập của người lao động vẫn ở mức thấp, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Quốc Anh - Phó Tổng Giám đốc Batdongsan.com.vn (PropertyGuru), một chuyên gia giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực bất động sản.
Theo ông Nguyễn Quốc Anh, thị trường bất động sản Việt Nam là thị trường đi sau các nước trên thế giới nhiều năm và thực tế, bất động sản Việt Nam đang hoạt động theo các quy luật mà thị trường bất động sản thế giới đã từng trải qua.
"Câu chuyện ở đây là tại các đô thị lớn như Seoul - Hàn Quốc, Bắc Kinh - Thượng Hải hay các thủ đô lớn khác đều xuất hiện tình trạng giá nhà rất cao. Điều này xuất phát từ các yếu tố như: mức độ tập trung dân số và tình trạng di cư về các thành phố lớn ở nhiều nước trên thế giới. Rất ít hoặc gần như không có quốc gia nào có dân cư phân bố đồng đều trên toàn bộ đất nước, mà thường tập trung vào một hoặc một số thành phố lớn".
Ông Nguyễn Quốc Anh lấy ví dụ: "Đơn cử như tại Hàn Quốc, tổng dân số khoảng 50 triệu người nhưng hiện có khoảng 10 triệu người sống trong khu vực trung tâm Seoul và 10 triệu người sống tại vùng ven Seoul. Điều này đồng nghĩa với việc có khoảng 20 triệu người sống ở khu vực Seoul, chiếm 40% dân số Hàn Quốc".
Tương tự, Việt Nam hiện cũng có hai thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, với dân số từ 10 đến 12 triệu người. Tốc độ di dân hàng năm vào các thành phố này đạt từ 1 đến hơn 1%, khiến mật độ tích tụ dân cư ngày càng đông.
"Do vậy, để nói rằng 'tất cả mọi người đều có thể mua được nhà' thì tôi nghĩ điều đó là rất khó", chuyên gia khẳng định.
Ở tất cả các đô thị lớn trên thế giới đều gặp tình trạng tương tự, khi mà mặt bằng giá tại các khu trung tâm cao hơn so với lượng cầu tích tụ. Điều này dẫn đến xu hướng đi thuê nhà dần trở nên phổ biến.
Ông Nguyễn Quốc Anh cũng cho rằng quan niệm "Sẽ có một thế hệ không mua được nhà" là một xu hướng tiêu cực ảnh hưởng đến giới trẻ. Thực tế, mọi việc không hoàn toàn như nhiều người vẫn nghĩ.
"Trên thực tế, khi ở độ tuổi từ 30 đến 40, mọi người thường phải tiết kiệm từ 10 đến hơn 10 năm mới có thể mua được nhà. Đối với các bạn trẻ, việc mua nhà ngay sau khi ra trường là khó khăn và khi sống ở những thành phố có mật độ dân cư lớn, việc ai cũng có thể mua được nhà là điều không đơn giản".
Ông nhấn mạnh rằng để mua được nhà, giới trẻ cần đến những giải pháp tài chính, chẳng hạn như tối ưu hóa thu nhập và tiết kiệm, sử dụng "đòn bẩy" tài chính phù hợp để có thể sở hữu nhà trong tương lai.
Vị chuyên gia cũng đưa ra giải pháp cho những người chưa có cơ hội sở hữu nhà là đi thuê nhà. Theo ông, tình trạng này đã diễn ra trong nhiều năm và không phải chỉ mới xuất hiện gần đây. Nhu cầu mua nhà ở các khu vực trung tâm vẫn rất lớn, và nếu chọn sống tại các khu vực "lõi" của thành phố thì giá nhà sẽ khó có thể giảm.
Cuối cùng, ông Nguyễn Quốc Anh cho rằng nhà ở xã hội là một giải pháp khả thi cho những người có thu nhập thấp để có cơ hội sở hữu nhà. Bên cạnh đó, các hệ thống giao thông công cộng và các dự án đường cao tốc giúp rút ngắn thời gian di chuyển cũng sẽ giúp người dân chấp nhận sống ở xa trung tâm với giá nhà dễ chịu hơn.
Trở lại với câu chuyện của anh Minh và chị Lan, họ không phải những người đơn độc khi bạn bè xung quanh cũng đang mải miết chạy đua với nhịp sống của thành phố. Điều khiến vợ chồng anh Minh lo lắng hơn cả chính là giá nhà đất ngày càng leo thang. Những năm đầu khi mới đến Hà Nội, họ đã từng hy vọng rằng chỉ cần chăm chỉ làm việc và tích lũy, một ngày không xa sẽ có được căn nhà riêng.
Thế nhưng, hiện tại, giá nhà đất tăng nhanh hơn rất nhiều so với mức thu nhập của họ khiến giấc mơ ấy ngày càng trở nên xa vời.
> > Bất động sản loạn giá dịp cuối năm