Việc làm

Giải pháp giúp người lao động không bị AI ‘cướp’ việc làm

Khánh Vy 06/01/2025 - 22:16

Trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0, trí tuệ nhân tạo (AI) đang đặt ra nhiều thách thức không nhỏ, đặc biệt đối với nhóm lao động thủ công và những người có khả năng thích nghi kém với công nghệ mới.

Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), AI có thể ảnh hưởng tới 40% việc làm trên toàn cầu, đặc biệt tại các nền kinh tế tiên tiến, con số này lên đến 60%. Tại Việt Nam, những ngành như sản xuất, giao hàng, dịch vụ khách hàng đang đối mặt nguy cơ bị thay thế bởi các hệ thống tự động. Trong khi đó, những công việc mới như phát triển mã nguồn, đào tạo mô hình AI lại yêu cầu kỹ năng chuyên môn cao, khiến nhiều lao động phổ thông đối mặt nguy cơ tụt hậu.

Tuy nhiên, AI không chỉ mang đến thách thức, nó còn mở ra những cơ hội lớn. Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ước tính AI sẽ tạo ra 69 triệu việc làm mới vào năm 2027. Nhưng để nắm bắt cơ hội này, các quốc gia và doanh nghiệp phải nhanh chóng triển khai những giải pháp hỗ trợ lao động.

Trước nguy cơ bị thay thế bởi AI, việc đào tạo và nâng cao tay nghề cho lao động trở thành nhu cầu bức thiết. Tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp lớn đã bắt đầu triển khai các chương trình đào tạo AI đối với tất cả bộ phận, bao gồm cả nhóm nhân viên không chuyên về công nghệ. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp nhỏ đang áp dụng mô hình "learning by doing", cho phép nhân viên vừa làm vừa học với sự hỗ trợ của các chuyên gia.

Giải pháp giúp người lao động không bị AI ‘cướp’ việc làm
Người lao động cần nâng cao tay nghề và kỹ năng để không bị AI thay thế. Ảnh minh họa

>> ‘Chìa khóa’ mở ra kỷ nguyên công nghiệp thông minh tại Việt Nam

Không chỉ trong khối doanh nghiệp, việc nâng cao tay nghề cũng đang được triển khai trong khối nhà nước. Theo TS. Trịnh Huyền Mai và ThS. Lê Hồ Vĩ, các chương trình đào tạo kỹ năng số cho cán bộ, công chức, viên chức là yếu tố quan trọng nhằm đáp ứng những thách thức của AI. Họ đề xuất những chương trình tài trợ các đối tượng không có nền tảng công nghệ vững chắc, tạo cơ hội học tập liên tục trong khối khu vực công.

Trong khi AI mang lại nhiều cơ hội, một số đối tượng dễ bị "bỏ lại phía sau" như người già, người nghèo và lao động vùng sâu, vùng xa. Việc đầu tư vào các chương trình đào tạo kỹ năng số ngắn hạn, như phân tích dữ liệu hoặc quản lý hệ thống AI, có thể giúp giảm bớt nguy cơ này. Đối với lao động trung niên và cao tuổi, những khó khăn trong việc tiếp nhận công nghệ yêu cầu những chương trình hỗ trợ đặc thù.

Ngoài việc đào tạo, việc triển khai các chính sách an sinh xã hội như tạo thu nhập cơ bản hoặc hỗ trợ tài chính tạm thời cho người lao động mất việc là rất cần thiết. Đây là cách giúp người lao động đối mặt với những chuyển biến nhanh chóng trong nền kinh tế AI.

>> Việt Nam có dự án bệnh viện trí tuệ nhân tạo đầu tiên?

Microsoft 'chơi lớn' chi 80 tỷ USD cho các trung tâm dữ liệu hỗ trợ AI

Sinh viên FPT ứng dụng AI quản lý trang trại thông minh trên nền tảng NVIDIA, giải pháp mới cho ngành chăn nuôi

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/giai-phap-giup-nguoi-lao-dong-khong-bi-ai-cuop-viec-lam-269982.html
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Giải pháp giúp người lao động không bị AI ‘cướp’ việc làm
    POWERED BY ONECMS & INTECH