Troll A trở thành một "hiện tượng", thu hút sự chú ý của truyền thông báo đài và dư luận từ nhiều năm nay.
Giàn khoan  Troll A ở ngoài khơi bờ biển phía Tây của Na Uy là một trong những dự án kỹ thuật lớn nhất và phức tạp nhất trong lịch sử nhân loại. Với khối lượng phao dằn chìm lên tới 1,2 triệu tấn, chiều cao 47m, chiều cao của phần bê tông dưới mặt biển lên tới 369m và trọng lượng khô 656.000 tấn, Troll A là một siêu phẩm về mặt thiết kế và xây dựng, cũng là vật thể lớn nhất từng được con người di chuyển trên bề mặt Trái Đất.
Với những thông số này, giàn khoan Troll A như một con "quái thú khổng lồ" so với giàn khoan Shendi Ta'Ke-1 của Trung Quốc. Giếng Shendi Ta'Ke-1 được thực hiện bởi giàn khoan hoàn toàn tự động sâu 12.000 mét với trọng tải nâng 900 tấn. Truyền thông Trung Quốc từng đưa tin Shendi Ta'ke-1 giúp đất nước tỷ dân nắm giữ trong tay giếng khoan sâu nhất châu Á, đồng thời cũng là giếng khoang sâu hơn 10.000m được khoan trong thời gian ngắn nhất trên thế giới.
Thông thường, chân giàn sẽ được vận chuyển riêng biệt bởi thiết bị nổi trên mặt biển , sau khi tới nơi thì mọi thứ sẽ được lắp ghép lại. Thế nhưng với Troll A, công nhân và kỹ sư đã lắp ráp hoàn chỉnh giàn khoan rồi kéo nó băng qua quãng đường hơn 200km trong suốt 7 ngày rồi hạ nó xuống vùng biển cách thành phố Bergen khoảng 80km về phía Tây Bắc. Điều này đã khiến Troll A trở thành một "hiện tượng", thu hút sự chú ý của truyền thông báo đài và dư luận hồi năm 1996.
Ngày nay các "chân" của Troll A đứng trên đáy biển và cách mặt nước 303m. Một trong những cột trụ của nó có thang máy để con người có thể di chuyển từ giàn tới đáy biển chỉ trong 9 phút. Thành của các cột trụ đều bằng bê tông cốt thép, dày hơn 100cm. 6 mỏ neo, mỗi chiếc có chiều dài tới 40m, giúp các cột trụ của giàn khoan bám chặt vào đáy đại dương.
Vào năm 1996, Sách Kỷ lục Guinness  Thế giới công nhận Troll A là giàn khoan khí đốt xa bờ lớn nhất hành tinh. Tuy nhiên, hiện nay danh hiệu đó thuộc về giàn khoan Petronius ở Vịnh Mexico, vị trí cách đáy đại dương 610m.