Giáo sư Mỹ chỉ ra cách tốt nhất để Việt Nam tránh được thương chiến dù thặng dư thương mại với Mỹ cao top đầu thế giới
Theo Giáo sư David Dapice, Việt Nam đã rất khéo léo trong việc duy trì quan hệ với chính quyền Trump và cần tiếp tục làm như vậy. Ngoài ra, Việt Nam nên hợp tác với Mỹ để ngăn chặn các nhà máy "tuốc-nơ-vít" – những nhà máy chỉ thực hiện lắp ráp đơn giản từ linh kiện nhập khẩu nhằm tránh thuế.

GS. David Dapice hiện đang công tác tại ĐH Tuffs (Hoa Kỳ) và có nhiều năm làm việc tại Trường Kennedy của Đại học Harvard (Hoa Kỳ). Là chuyên gia cao cấp hàng đầu về kinh tế phát triển ở Đông Nam Á, ông nghiên cứu chuyên sâu về Indonesia, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam, từng là cố vấn trưởng cho Bộ Tài chính Indonesia khi đất nước này đang tăng trưởng nhanh chóng.
GS. Dapice đã nghiên cứu nền kinh tế Việt Nam  từ cuối thập niên 1980, với trọng tâm là các vấn đề kinh tế vĩ mô, chính sách đầu tư công, và phát triển vùng.
Trong bối cảnh căng thẳng thương mại đang gia tăng trên toàn thế giới sau những động thái mới đây của Tổng thống Mỹ Donald Trump , chúng tôi đã có cuộc trảo đổi với GS. David Dapice về những tác động đối với kinh tế Việt Nam cũng như triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2025.
PV: Ông đánh giá như thế nào về tình hình kinh tế Việt Nam trong năm 2024 vừa qua? Một số bên dự báo GDP sẽ tiếp tục tăng trưởng 6-7% trong năm 2025, theo ông liệu kịch bản này có khả thi?
Hầu hết các dự báo từ các tổ chức như Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đều dự đoán Việt Nam sẽ tăng trưởng từ 6,5% đến 7% trong năm 2025. Đây là mức tương đương với năm 2024 và thực sự rất ấn tượng.
Trong khi hầu hết các nền kinh tế lớn trên thế giới hiện đang tăng trưởng rất chậm, thậm chí một số nước như Đức còn suy giảm thì mức tăng trưởng 7% của Việt Nam cao hơn rất nhiều nước bao gồm cả Ấn Độ và Trung Quốc. Điều này khẳng định Việt Nam đang ở một vị thế rất tốt.
Tuy nhiên, tôi cũng nhận thấy có sự mất cân đối, một số nhóm hưởng lợi nhiều hơn so với những nhóm khác. Dẫu vậy, nếu tăng trưởng được định hướng đúng cách, các vấn đề này có thể dần được giải quyết. Nhìn chung, tỷ lệ nghèo đã giảm đáng kể.
Dù Việt Nam vẫn gặp phải một số khó khăn, chẳng hạn như ở thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp và một số ngành xuất khẩu, nhưng khi nhìn sang Bangladesh – một đối thủ cạnh tranh lớn trong ngành dệt may – tình hình của họ còn rối ren hơn nhiều. Chúng ta thường nghĩ rằng dòng vốn đầu tư đang dịch chuyển khỏi Trung Quốc, nhưng trên thực tế, một phần cũng đang rời khỏi Bangladesh do tình trạng bất ổn tại quốc gia này. Còn về Indonesia, họ đang cố gắng ép buộc các doanh nghiệp nước ngoài đặt nhà máy tại đây, nhưng cách tiếp cận này không hiệu quả. Việc thu hút FDI nên được thực hiện theo hướng khuyến khích thay vì cưỡng ép.

PV: Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đầy bất ổn (như lạm phát, khủng hoảng năng lượng, chiến tranh thương mại), Việt Nam có những thách thức cụ thể nào mà ông cho là đáng lo ngại nhất? Và Giáo sư có khuyến nghị gì để Việt Nam ứng phó hiệu quả?
Luôn luôn có những rủi ro. Theo tôi, thách thức lớn nhất là chính quyền mới của Mỹ. Tổng thống Donald Trump rất ưa chuộng chính sách thuế quan và không thích tình trạng thâm hụt thương mại song phương với các nước khác. Việt Nam có thặng dư thương mại lớn và ngày càng tăng với Mỹ, điều này khiến Việt Nam dễ bị ảnh hưởng.
Theo công bố từ Cục Phân tích kinh tế của Bộ Thương mại Mỹ ngày 5/2, thặng dư thương mại của Việt Nam với nước này tăng hàng năm gần 20% vào năm 2024, đạt mức kỷ lục lên 123,5 tỷ USD.

Đây không phải là lỗi của Việt Nam, nhưng thực tế là vậy. Đối với Việt Nam, kịch bản tốt nhất là giữ nguyên hiện trạng như hiện nay, nhưng tôi không chắc điều đó có khả thi.
Kịch bản thứ hai có thể xảy ra là Mỹ áp mức thuế chung 10-20% đối với tất cả hàng nhập khẩu, thay vì nhắm riêng vào Việt Nam. Điều này sẽ làm chậm lại tăng trưởng xuất khẩu sang Mỹ nhưng sẽ không quá nghiêm trọng. Hơn nữa tôi tin rằng đó không phải là một lựa chọn sáng suốt. Mỹ không có hàng triệu công nhân sẵn sàng lắp ráp điện thoại thông minh, vì vậy việc áp thuế cao chỉ khiến giá sản phẩm tăng lên, người tiêu dùng sẽ giữ điện thoại cũ lâu hơn thay vì mua mới. Ví dụ đó cho thấy lựa chọn này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế Mỹ.
Kịch bản thứ ba – và là kịch bản tồi tệ nhất đối với Việt Nam – là nếu Mỹ nhắm mục tiêu trực tiếp vào Việt Nam. Thực tế, thâm hụt thương mại của Mỹ không phải do Việt Nam mà chủ yếu do các chuỗi cung ứng toàn cầu. Ví dụ, phần lớn linh kiện điện thoại xuất khẩu từ Việt Nam có nguồn gốc từ Hàn Quốc hay đảo Đài Loan – vốn đều là đồng minh của Mỹ. Việt Nam chỉ lắp ráp và đóng góp khoảng 10% giá trị, nhưng toàn bộ giá trị xuất khẩu vẫn bị tính vào Việt Nam. Ông Trump sẽ chỉ áp thuế chung chứ không nhắm trực tiếp vào Việt Nam và áp thuế trừng phạt nếu hiểu rõ điều này.
Bất kỳ chính sách thuế quan nào hợp lý cũng sẽ không nhắm vào những mặt hàng như tôm hay cá nhập khẩu từ Việt Nam, bởi chúng không gây ra bất kỳ mối đe dọa nào đối với nền kinh tế Mỹ. Việc áp đặt thuế trừng phạt lên toàn bộ hàng xuất khẩu của Việt Nam là điều vô lý. Vì vậy, Việt Nam cần tập trung vào vấn đề thực sự: những cơ sở sản xuất nhập khẩu gần như toàn bộ linh kiện từ nước ngoài, chỉ lắp ráp tối thiểu và dán nhãn "Made in Vietnam" để né thuế.

Trọng tâm cần được đặt vào những nhà máy như vậy, chứ không phải vào các mặt hàng như cà phê Robusta, gạo, thủy sản hay phần lớn các mặt hàng xuất khẩu khác. Ví dụ, Samsung có thể xuất khẩu từ Hàn Quốc với mức thuế ngang bằng hoặc thấp hơn Việt Nam, nhưng họ đã chọn đầu tư vào Việt Nam, chứng tỏ đây là khoản đầu tư thực sự, có giá trị kinh tế.
Ở Trung Quốc, tình hình lại khác do nước này đang phải đối mặt với mức thuế quan cao hơn nhiều từ Mỹ. Hiện tại, Việt Nam vẫn đang hưởng lợi thế với mức thuế thấp hơn. Nếu Mỹ quyết định áp mức thuế chung lên toàn bộ hàng nhập khẩu, tôi không ủng hộ điều đó, nhưng nếu bắt buộc phải áp dụng, thì đây vẫn là phương án công bằng nhất không chỉ với Việt Nam mà còn với toàn bộ chuỗi cung ứng toàn cầu. Điều này giúp bảo vệ những khoản đầu tư vào nhà máy, công nghệ và kỹ năng đã được tích lũy trong 10-20 năm qua.
Việt Nam đã rất khéo léo trong việc duy trì quan hệ với chính quyền Trump và cần tiếp tục làm như vậy. Ngoài ra, Việt Nam nên hợp tác với Mỹ để ngăn chặn các nhà máy "tuốc-nơ-vít" – những nhà máy chỉ thực hiện lắp ráp đơn giản từ linh kiện nhập khẩu nhằm tránh thuế. Điều này sẽ giúp Việt Nam duy trì niềm tin với chính quyền Mỹ và tránh bị coi là trung tâm "lách thuế".
Dù vậy, Việt Nam vẫn sẽ đối mặt với các thách thức trong quan hệ thương mại với Mỹ, vì một số quan chức trong chính quyền Trump có thể có lập trường cứng rắn hơn.
PV: Năm ngoái đã có nhiều tập đoàn lớn của Mỹ mở rộng hợp tác, đầu tư ở Việt Nam mà điển hình là Nvidia. Việc ông Donald Trump tái đắc cử được dự báo sẽ có tác động đến quan hệ thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Mỹ. Giáo sư nhận định như thế nào về cơ hội và thách thức mới cho Việt Nam trong bối cảnh này?
Việc Nvidia đầu tư 200 triệu USD vào Việt Nam là một tín hiệu tích cực, nhưng so với các trung tâm dữ liệu quy mô lớn tại Malaysia (trị giá hơn 5 tỷ USD), con số này vẫn còn khiêm tốn.
Tôi không nghĩ Nvidia sẽ gặp rào cản từ chính quyền Trump, miễn là không có nguy cơ linh kiện công nghệ cao rơi vào tay Trung Quốc. Nếu Việt Nam tiếp tục duy trì chính sách minh bạch và hợp tác chặt chẽ với Mỹ, thì đầu tư từ các tập đoàn công nghệ như Nvidia, Amazon, Microsoft hay Google sẽ tiếp tục được hoan nghênh.
PV: Chính quyền Trump có thể tiếp tục chủ trương giảm phụ thuộc vào Trung Quốc trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Việt Nam nên làm gì để tận dụng cơ hội này và nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu?
Chắc chắn rồi. Điều quan trọng nhất Việt Nam có thể làm là tăng giá trị gia tăng trong các sản phẩm xuất khẩu hiện tại. Nói cách khác, thay vì phụ thuộc quá nhiều vào linh kiện nhập khẩu, Việt Nam cần phát triển kỹ năng kỹ thuật, mở rộng quy mô sản xuất và thu hút đầu tư để có thể nâng tỷ lệ giá trị gia tăng lên từ 10% hiện tại lên 20-30% trong tương lai.
Một phần của quá trình này có thể được thực hiện thông qua FDI. Một số công ty cung ứng cho Toyota hay Honda đã theo chân các tập đoàn này đến Việt Nam và thiết lập nhà máy sản xuất linh kiện. Tuy nhiên, điều tốt hơn nữa là các doanh nghiệp trong nước của Việt Nam cũng tham gia mạnh mẽ vào chuỗi cung ứng này. Như vậy ngay cả khi tốc độ tăng trưởng xuất khẩu chậm lại (điều có thể xảy ra), thì sản xuất trong nước vẫn có thể tiếp tục tăng trưởng nhanh hơn mức trung bình của thế giới.
Hiện nay, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam gần tương đương với GDP – một con số đáng kinh ngạc đối với một quốc gia có quy mô như Việt Nam. Nếu Việt Nam có thể nâng tỷ lệ giá trị gia tăng từ 10% lên 15-20%, thì nền kinh tế sẽ có một hướng đi bền vững hơn.
Ngay cả khi xuất khẩu chỉ tăng trưởng ở mức 3-5% mỗi năm, sản lượng sản xuất trong nước vẫn có thể tăng trưởng nhanh hơn đáng kể. Đây là cách tiếp cận thông minh và hoàn toàn phù hợp với các định hướng, nghị quyết của Đảng, cũng như các bài phát biểu của Tổng Bí thư. Tôi tin rằng đây là con đường Việt Nam nên đi.
PV: Gần đây Indonesia đã cấm iPhone 16 để đòi hỏi nhiều hơn từ Apple. Liệu đó có phải là 1 chính sách khôn ngoan? Bài học rút ra cho Việt Nam là gì?
Hãy nói một chút về Indonesia. Gần đây, họ đã cấm bán iPhone 16 dù Apple đã đề xuất đầu tư một khoản đáng kể vào nhà máy sản xuất tại đây. Nếu bạn nghiên cứu lịch sử phát triển kinh tế, bạn sẽ nhớ đến Brazil – một quốc gia lớn giống như Indonesia. Brazil từng áp dụng thuế quan rất cao, thậm chí có một luật gọi là "Law of Similars", theo đó, nếu một sản phẩm có thể được sản xuất trong nước (bất kể giá thành thế nào), thì hàng nhập khẩu tương đương sẽ bị cấm.
Kết quả là gì? Nếu một chiếc điện thoại có giá 1.000 USD ở Brazil nhưng chỉ 200-300 USD ở Việt Nam, thì người tiêu dùng Brazil không thể tiếp cận hàng nhập khẩu rẻ hơn. Điều này khiến thị trường công nghệ của Brazil lạc hậu, không phát triển được ngành điện tử và sản phẩm của họ luôn đi sau thế giới một đến hai thế hệ.
Tôi nghĩ Indonesia đang đi theo con đường này, và đó không phải là chiến lược phát triển hợp lý. Chính sách này không tạo ra nhiều việc làm, không thúc đẩy sự phát triển công nghệ và khiến họ tụt xa khỏi các nền kinh tế tiên tiến.
Malaysia đang có một cách tiếp cận khôn ngoan hơn nhiều, trong khi Việt Nam cũng đang mở cửa mạnh mẽ để thu hút đầu tư nước ngoài. Tất nhiên, Việt Nam có quy mô nhỏ hơn Indonesia (100 triệu dân so với 270 triệu dân), nhưng điều đó không có nghĩa là Việt Nam không thể xây dựng chiến lược phù hợp.
Trong nhiều năm qua, phần lớn hàng xuất khẩu của Việt Nam có giá trị gia tăng thấp, nhưng đó vẫn là một hướng phát triển đúng đắn. Hàng triệu lao động đã rời bỏ nông nghiệp, chuyển sang làm việc trong các nhà máy, giúp nâng cao năng suất và thu nhập. Điều này giúp giảm nghèo đáng kể và cải thiện chất lượng cuộc sống. Bất kỳ ai từng làm việc trên cánh đồng lúa, chịu nắng gắt, muỗi cắn và rắn cắn đều hiểu rằng đó là một công việc vất vả. Dù làm trong nhà máy cũng có những khó khăn riêng, nhưng ít nhất họ có quạt, thậm chí điều hòa, và mức thu nhập cao hơn nhiều.

Tuy nhiên, giai đoạn đó sắp qua đi. Việt Nam đang dần hết lao động trẻ sẵn sàng rời khỏi nông thôn để vào nhà máy. Vì vậy, giai đoạn tiếp theo phải tập trung vào việc nâng cao năng suất thay vì chỉ mở rộng lực lượng lao động. Điều này đòi hỏi một cách tiếp cận mới, không chỉ đơn thuần là đào tạo công nhân trong vài tháng rồi đưa vào dây chuyền sản xuất. Nếu Việt Nam muốn tiếp tục tăng trưởng trong thập kỷ này, thì cần phải cải thiện chất lượng lao động, nâng cao kỹ năng và đẩy mạnh công nghệ trong sản xuất.
Tôi nghĩ lãnh đạo Việt Nam đang rất cố gắng để hiểu và thích ứng với thế giới kinh tế đang thay đổi nhanh chóng. Trí tuệ nhân tạo (AI) là một ví dụ. Không ai thực sự biết nó sẽ tác động đến nền kinh tế như thế nào.
Chẳng hạn, cháu gái tôi làm việc cho một startup năng lượng địa nhiệt. và cần thu thập thông tin về chính sách năng lượng địa nhiệt của hàng chục công ty điện lực tại Mỹ. Thông thường quá trình này mất ít nhất 1 tháng để thu thập dữ liệu và tổng hợp thành báo cáo nếu làm theo cách truyền thống, nhưng cô bé đã nhờ một người bạn giỏi về AI, và chỉ trong vài giờ, họ đã sử dụng ChatGPT, Anthropic và một số công cụ AI khác để thu thập, phân tích và trình bày toàn bộ dữ liệu trong một bản báo cáo hoàn chỉnh. Điều đó có nghĩa là năng suất đã tăng gấp hàng chục lần.
Tất nhiên, AI cũng đặt ra vấn đề về việc làm, vì nhiều người có thể bị thay thế. Nhưng thay vì chống lại công nghệ, điều quan trọng là đào tạo lại lực lượng lao động để họ có thể làm chủ AI thay vì bị AI thay thế. Các quốc gia linh hoạt, thích ứng tốt – và Việt Nam có những phẩm chất này – sẽ có lợi thế lớn trong tương lai.
>> Chiến tranh thương mại thời Trump 2.0: Liệu Mỹ có để thua Trung Quốc chỉ sau 25 ngày?