Giật mình 4 điểm tương đồng từ 2 vụ án tại Vạn Thịnh Phát và FLC
1 năm kể từ ngày ông Trịnh Văn Quyết và bà Trương Mỹ Lan bị khởi tố, ảnh hưởng từ vụ án tại Tập đoàn FLC Tập đoàn Vạn Thịnh Phát vẫn khiến hàng chục nghìn nhà đầu tư mắc kẹt.
Tin xấu đã qua...
Thị trường chứng khoán Việt kể từ đầu tháng 11 tới nay đã bắt đầu ổn định sau cú rơi từ ngưỡng 1.240 - 1.250 điểm hồi đầu tháng 9. Trạng thái "tích cực" dù chưa thực sự rõ ràng khi VN-Index vẫn nằm dưới các đường MA100 - 200 song phần nào đem lại sự yên tâm cho hàng vạn nhà đầu tư đang "tham chiến" trên thị trường.
Diễn biến chỉ số VN-Index |
Một năm sau cú rơi hơn 42% của VN-Index từ 1.524 điểm (đầu tháng 4/2022) về 873.x (phiên 16/11/2022), đến thời điểm hiện tại, có thể khẳng định các yếu tố vĩ mô trong và ngoài nước như lạm phát và chính sách tiền tệ, xung đột vũ trang và dòng chảy thương mại,...; các câu chuyện trái phiếu , thị trường bất động sản,... đã phản ánh rất nhiều vào diễn biến các chỉ số cũng như giá cổ phiếu.
Tuy nhiên, 1 năm là không đủ để thị trường đưa cả vạn chứng sĩ "về bờ". Phác họa rõ nét nhất cho nhận định này hoàn toàn có thể được xác nhận ở đồ thị giá loạt cổ phiếu bất động sản tên tuổi như NVL  (Novaland), DIG  (DIC Corp), PDR  (Phát Đạt), CEO  (C.E.O Group),...
Diễn biến giá cổ phiếu NVL, PDR và DIG |
Xem thêm: Ngày này năm trước, VN-Index mất 30 điểm, 380 mã giảm sàn
Có anh bạn làm nhân viên văn phòng, lĩnh lương thời lạm phát, thu nhập chẳng đủ tiêu. Tham gia thị trường tại thời điểm VN-Index đang vận động vùng 1.500 - 1.53x với số vốn hơn 300 triệu đồng, đến giữa tháng 11/2022, tài khoản còn chưa đầy 90 triệu (lỗ khoảng 70% tài khoản).
1 năm trở lại đây, anh bạn báo lãi hơn 100% nhờ nhịp hồi phục của thị trường; giá trị tài khoản hiện hơn 180 triệu đồng. Ấy vậy, trong những phiên cổ phiếu xanh tím tràn ngập bảng giá những ngày đầu tháng 11 vừa qua, anh ta vẫn chẳng thể cười nổi. Hiểu đơn giản, 1 năm rưỡi đầu tư đã lấy đi của người nhân viên trẻ cả trăm triệu đồng. Thời lạm phát , chừng ấy cũng là khoản lãi mơ ước cũng là khoản lỗ đánh sụp tinh thần của rất nhiều nhà đầu tư F0.
Vết thương chưa lành...
Chịu "sát thương" lớn từ thị trường, nhiều người nghĩ: Giá như không có xung đột vũ trang Nga - Ukraine, dòng chảy thương mại sẽ không bị ngưng trệ, lạm phát sẽ không leo thang và Fed  sẽ không tăng lãi suất; giá như Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết  không bán chui gần 75 triệu cổ phiếu FLC khiến hàng chục cổ phiếu giảm sàn ngay trước thềm năm mới 2022 (Âm lịch); giá như Tập đoàn Tân Hoàng Minh không bỏ cọc đấu giá đất Thủ Thiêm + giá như không có sai phạm của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát  thì câu chuyện trái phiếu doanh nghiệp sẽ nghiêm trọng đến thế.
Hơn 1 năm kể từ ngày vụ việc tại các tập đoàn trên bị phát giác, lãnh đạo doanh nghiệp cùng loạt cá nhân liên quan bị khởi tố, câu chuyện về quá trình phạm tội của những cá nhân, tổ chức có liên quan dần được hé mở.
Ở bài viết này, người viết chỉ nêu một vài điểm tương đồng trong câu chuyện sai phạm của Tập đoàn FLC  và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát . Thông tin về số liệu, danh tính một số cá nhân, pháp nhân có liên quan có thể bị lược bỏ nhằm hỗ trợ cho sự phục hồi của doanh nghiệp sau biến cố.
Bị can Trương Mỹ Lan (trái) và Trịnh Văn Quyết (phải) |
Tương quan 1 - "tầm vóc" doanh nghiệp : Tập đoàn FLC hiện có vốn điều lệ hơn 7.000 tỷ đồng, sở hữu khoảng 20 công ty con và công ty liên kết. Đây là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản phân khúc du lịch nghỉ dưỡng xuất hiện trên thị trường hơn 10 năm về trước. Quy mô nhân sự cũng ghi nhận ở mức hàng nghìn.
Trong khi đó, Vạn Thịnh Phát cũng với sân chơi bất động sản giai đoạn 2013 - 2014 đã là một tên tuổi Top đầu với quy mô vốn điều lệ 12.800 tỷ đồng - lớn hơn 2 đại gia bất động sản trên sàn lúc đó là Tập đoàn Vingroup  (9.296 tỷ) và CTCP Hoàng Anh Gia Lai  (7.182 tỷ). Rộng hơn, vốn của Vạn Thịnh Phát chỉ thua 4 ông lớn ngân hàng có gốc Nhà nước.
Tương quan 2 - "gia tài" của lãnh đạo : Cả FLC và Vạn Thịnh Phát đều là những tên tuổi lớn hoạt động khá đa ngành với trọng tâm là bất động sản. Việc cựu Chủ tịch Trịnh Văn Quyết từng có thời điểm là người giàu nhất sàn chứng khoán Việt với khối tài sản hàng chục nghìn tỷ  hay trường hợp của bà Trương Mỹ Lan với khối tài sản kê biên hơn 3.000 quyền sử dụng đất  và hơn 1.200 bất động sản có liên quan là một trong những thống kê ít biết về những người từng đứng đầu 2 doanh nghiệp tên tuổi này.
Tương quan 3 - hành vi phạm tội : Khởi phát từ những người đứng đầu, vụ việc tại Tập đoàn FLC và Vạn Thịnh Phát đều ghi nhận số lượng pháp nhân có liên quan ở mức kỷ lục.
Trịnh Văn Quyết cùng 20 cá nhân khác  đã bị khởi tố; rất nhiều người trong số này có quan hệ họ hàng với cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC.
Trong kết luận cuối tháng 10 vừa qua, Cơ quan điều tra cho biết, với hành vi thao túng thị trường chứng khoán, nhóm Trịnh Văn Quyết và đồng phạm đã thu lời bất chính 723 tỷ đồng và lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền 3.620 tỷ đồng của các nhà đầu tư thông qua nâng khống vốn điều lệ CTCP Xây dựng Faros (Mã ROS). Đây là những con số chưa từng có trong lịch sử 24 năm thị trường chứng khoán.
Trong khi đó, tại vụ án Vạn Thịnh Phát, bà Trương Mỹ Lan dù không giữ chức vụ tại Ngân hàng SCB nhưng bị cáo buộc là người chi phối, lũng đoạn, chỉ đạo toàn bộ hoạt động của ngân hàng này (chỉ đạo lập cả ngàn hồ sơ khống vay tiền nhằm "rút ruột" và chiếm đoạt hơn 304.000 tỷ đồng - mức kỷ lục chưa từng có tiền lệ. Con số này thậm chí vượt tổng khối tài sản của 5 tỷ phú Forbes Việt Nam cộng lại.
Gần 90 bị can  đã bị khởi tố; khoảng 1.000 công ty pháp nhân đã được lập ra nhằm tiếp tay cho hành vi phạm tội của nhóm đối tượng.
Đáng chú ý, hỗ trợ cho hành vi phạm tội của các đối tượng tại 2 vụ án trên đều có dấu ấn của tổ chức tài chính trung gian (công ty chứng khoán và ngân hàng "sân sau" ).
Tương quan 4 - mức độ ảnh hưởng đến nhà đầu tư : FLC với khoảng 60.000 cổ đông nắm giữ 710 triệu cổ phiếu (số liệu gần nhất năm 2022) cùng với hàng chục nghìn nhà đầu tư tham gia nắm vốn tại các doanh nghiệp thành viên như ROS, ART, AMD, KLF, HAI, GAB nhiều năm về trước luôn là hệ sinh thái cổ phiếu đem đến nhiều cảm xúc cho nhà đầu tư trên sàn chứng khoán.
Sau biến cố bán chui cổ phiếu mở màn cho những lệnh hủy niêm yết và đình chỉ giao dịch cổ phiếu, có thể nói con số nhà đầu tư đang mắc kẹt đến thời điểm này vẫn là rất lớn.
Với Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, dù chưa lên sàn chứng khoán song khoản huy động 30.000 tỷ đồng trái phiếu tại 25 lô phát hành bởi hệ sinh thái này cũng để lại mối lo cho cả vạn nhà đầu tư.
Đánh giá: Dù quy mô về số tiền chiếm đoạt khác nhau song bản chất sai phạm tại 2 vụ án trên là khá tương đồng. Cả nghìn pháp nhân đã được huy động để dọn đường cho dòng tiền trên thị trường tài chính chảy về túi lãnh đạo một cách phi pháp. Sau 1 năm, cả thị trường chứng khoán và thị trường trái phiếu đã được kiểm soát và dần ổn định. Tuy nhiên với nhà đầu tư, ảnh hưởng từ sai phạm tại Tập đoàn FLC, Vạn Thịnh Phát một năm về trước vẫn chưa thể nguôi ngoai. |
Xem thêm: Xem thêm dòng sự kiện vụ Vạn Thịnh Phát - Trương Mỹ Lan