Giới trẻ nước 'sát vách' Việt Nam bất ngờ 'rao bán' sếp tồi, việc tệ để giải tỏa stress
Mới đây, 1 trào lưu thú vị xuất hiện ở Trung Quốc khiến nhiều người trẻ tuổi quan tâm.
Gần đây, nhiều người trẻ ở đất nước tỷ dân Trung Quốc đang tham gia 1 trào lưu thú vị. Họ có mặt ở nhiều trang thương mại điện tử để "rao bán" công việc tồi tệ, sếp không tâm lý và loại bỏ "mùi công việc ". Đây là thuật ngữ dùng để chỉ áp lực, sự kiệt quệ cả về tinh thần và thể chất của các nhân viên sau những ngày làm việc vất vả. Họ đối mặt với căng thẳng trong thời gian dài, có nhiều áp lực đè nặng lên vai nên nghĩ ra cách đùa vui này để giải tỏa căng thẳng.
Dần dần, hành động của nhiều người trẻ tạo thành 1 trào lưu. Trên nhiều sàn thương mại điện tử, không ít nhân viên đã "bán" sếp, công việc của mình với giá khá rẻ. Trên nền tảng thương mại điện tử bán đồ cũ của Alibaba - Xianyu, hơn 500 bài đăng khác nhau đã xuất hiện. Những người này "rao bán" sếp và công việc ở mức giá dao động từ 2 NDT đến 80.000 NDT (từ 7 nghìn đồng đến 279 triệu đồng).
Trong đó, 1 người đến từ Bắc Kinh đã "bán" đồng nghiệp của mình với giá 3.999 NDT (13,9 triệu đồng) vì người này rất khó đối phó. Vì 1 môi trường làm việc tốt đẹp, 1 người khác ở miền Trung Trung Quốc lại muốn "bán" công việc mình đang làm với giá 8.000 NDT (tương đương 27,9 triệu đồng). Người khác lại cần "bán" người sếp tồi tệ với giá chỉ 500 NDT (1,7 triệu đồng) vì luôn phải chịu áp lực về tinh thần khi làm việc với sếp. Vì tư duy hạn hẹp và cách ứng xử vô lý của sếp, người này nhiều lần muốn nghỉ làm.
Trên nhiều sàn thương mại điện tử, khi có người nhấn vào phần mua hàng, những người "rao bán" sếp, công việc lại hủy giao dịch hoặc từ chối ngay. Họ chia sẻ rằng đây chỉ là 1 cách giúp giải tỏa năng lượng tiêu cực, khiến họ quên đi áp lực công việc ngay trước mắt mà thôi.
Vào ngày 11/6/2024, khi nhận thấy việc làm này lan rộng và trở thành 1 trào lưu , Xianyu đã ra tuyên bố rằng việc "rao bán" người mà không có sự cho phép của họ là bất hợp pháp. Một số luật sư cũng cho rằng trong trường hợp họ làm lộ thông tin cá nhân của đối phương (như tên tuổi, địa chỉ, số CCCD, số điện thoại...) thì đó là hành vi xâm phạm quyền riêng tư. Khi xu hướng này đi quá xa, không ít người bày tỏ sự lo ngại vì có thể ảnh hưởng tới các cá nhân khác nhau. Hiện vấn đề này vẫn đang gây chú ý ở Trung Quốc, thu hút sự quan tâm của giới trẻ.
Qua trào lưu này, có thể khẳng định rằng giới trẻ Trung Quốc đang gặp không ít áp lực trong công việc, nhất là đến từ sếp và đồng nghiệp. Họ mong muốn có được cuộc sống lành mạnh, cân bằng và tích cực hơn.