"Địa ngục trần gian", nơi giam cầm và tra tấn các tù nhân được tái hiện lại một cách rùng rợn bên trong bảo tàng nằm tại TP. HCM này.
Nằm trong Bảo tàng Chứng tích Việt Nam, khu trưng bày chuyên đề về “Chế độ lao tù” tái hiện lại một phần trong nhà tù Côn Đảo,  nơi từng được coi là “địa ngục trần gian”.
Nhà tù Côn đảo được Pháp xây dựng để giam giữ những tù phạm được cho là nguy hiểm với chế độ thực dân. Tính đến năm 1975, nơi đây từng giam giữ 200.000 tù nhân và đã có khoảng 20.000 người đã bỏ mạng tại nơi này. Nổi tiếng nhất trong nhà tù Côn Đảo là chuồng cọp, nơi biệt giam và tra tấn những tù nhân chính trị cao cấp.
Cấu trúc bên ngoài của một phòng biệt giam trong khu chuồng cọp. Các phòng tại đây đều được xây dựng cao, có các cửa sắt kiên cố nhưng lại thiếu ánh sáng. Cầu thang lên tầng trên dành cho cai ngục đi lên quan sát tù nhân từ các phòng và thực hiện hành vi tra tấn từ trên xuống.
Tù nhân vào đây khoảng ba tháng thường là sẽ chết vì bị xiềng chân, bị tra tấn, bị bỏ đói. Họ sống trong phòng rộng chưa đến 5m2 và phải nằm dưới nền xi măng ẩm thấp, điều kiện vệ sinh và ăn uống rất kém, lại thường xuyên bị tra tấn để hỏi cung.
Một trong những hình thức tra tấn tàn độc tại chuồng cọp đó là vào những ngày nắng nóng, cai ngục dội nước lạnh từ trên xuống, sau đó rắc vôi bột để vôi gặp nước gây bỏng cho các tù nhân. Trước đó, các cai tù thường dùng gậy bịt đồng lao thẳng từ trên xuống để gây thương vong cho người trong buồng giam.
Phòng không có mái che, là nơi dùng để hành hạ phơi nắng, phơi mưa người tù hoặc là lôi người tù ra đó để đánh đập tra tấn,...
Một kiểu chuồng cọp khác được làm bằng kẽm gai và tù nhân nằm trong chuồng cọp này sẽ bị sạch quần áo và bị bỏ đói nhiều ngày. Người bị nhốt chỉ có thể nằm nghiêng sát vào nhau, hầu như không thể vận động bởi mỗi chuồng cọp có khi sẽ chứa đến 7 người.
Ngay bên cạnh chuồng cọp chính là khu triển lãm về nhà tù trong thùng container rộng khoảng 70m2. Nơi đây trưng bày các hình ảnh cũng như hiện vật về các nhà tù lớn ở miền Nam Việt Nam như Chí Hoà (TP. HCM), Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu), Phú Quốc (Kiên Giang), Phú Lợi (Bình Dương).
Bảo tàng Chứng tích Việt Nam được thành lập năm 1975 với nhiệm vụ chuyên nghiên cứu, sưu tầm, bảo quản và trưng bày chứng tích tội ác, hậu quả của các cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Hiện nơi đây lưu giữ hơn 20.000 tài liệu, hiện vật và phim ảnh, là một địa chỉ đỏ để giáo dục cách mạng cho thế hệ trẻ.
Bảo tàng  Chứng tích Việt Nam cũng từng là đại diện duy nhất của Việt Nam lọt top những điểm đến hấp dẫn nhất thế giới dựa trên dữ liệu tổng hợp từ TripAdvisor, Google Reviews. Bảo tàng mở cửa từ 7h30 đến 17h30 mỗi ngày, không nghỉ trưa và giá vé là 40.000 đồng một người.