Lãnh đạo Chứng khoán VNDirect nhấn mạnh, hiện các kênh huy động vốn của doanh nghiệp đều đang bị ách tắc từ tín dụng ngân hàng, cổ phiếu và trái phiếu.
Tại buổi cuộc họp với Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc ngày 23/11/2022 liên quan đến việc tháo gỡ khó khăn cho thị trường chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp, đa số các doanh nghiệp cho rằng điều quan trọng nhất hiện nay là cần nới room tín dụng ngân hàng, duy trì thanh khoản để các doanh nghiệp có dòng vốn lưu thông, các tổ chức phát hành phải thực hiện đúng và đầy đủ các cam kết đối với các nhà đầu tư.
Về phía cơ quan quản lý nhà nước cần giải quyết nhanh các hồ sơ pháp lý cho các dự án, đặc biệt là các dự án bất động sản có thể đưa sản phẩm ra thị trường sớm để thu hồi vốn thực hiện việc trả nợ trái phiếu đúng hạn.
Theo ông Nguyễn Vũ Long, Tổng Giám đốc của Chứng khoán VNDirect (VND), nút thắt lớn nhất hiện nay đối với thị trường trái phiếu là dòng vốn thanh khoản của doanh nghiệp.
Hiện các kênh huy động vốn của doanh nghiệp đều đang bị ách tắc, ngân hàng đã hết room tín dụng, huy động vốn cổ phiếu rất khó khăn trong bối cảnh thị trường chung kém sắc trong khi kênh trái phiếu từ đầu quý 4/2022 đến nay gần như không có doanh nghiệp nào huy động được trái phiếu mới.
Theo ông Long, trong ngắn hạn điều quan trọng nhất là phải duy trì thanh khoản để các doanh nghiệp có dòng vốn lưu thông từ đó mới có thể tiếp tục hoạt động sản xuất kinh doanh. Thanh khoản bù đắp kịp thời nhất hiện nay sẽ đến từ cái tín dụng ngân hàng, nhưng lại không thể cho vay mới khi các ngân hàng đã cạn room.
Bà Trần Thị Thu Trang - Phó Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) cho biết, các doanh nghiệp đang bị ách tắc về việc huy động vốn trên thị trường. Sắp tới lượng trái phiếu đáo hạn rất lớn được nhận định đã và đang tạo áp lực cho doanh nghiệp khi nhóm này chưa có khả năng tìm được nguồn vốn bù đắp hoặc cơ cấu lại các khoản nợ của mình.
Bà Trang bày tỏ mong muốn làm sao có thể tăng thêm khả năng huy động vốn của doanh nghiệp trên thị trường, tập trung vào thị trường phát hành ra công chúng, là sức mạnh nguồn vốn đến từ sức dân, có quy trình thẩm định rất chặt chẽ về pháp lý, giúp cho niềm tin của nhà đầu tư tăng lên.
Để khuyến khích doanh nghiệp tập trung kênh này thì các cơ quan nhà nước có thể xem xét lại về quy trình thủ tục, sao cho tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích doanh nghiệp phát hành ra công chúng nhiều hơn.
Ông Lê Quốc Bình - Tổng Giám đốc CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP. HCM (CII) cho rằng, các tổ chức phát hành phải là người chịu trách nhiệm hoàn trả nợ trái phiếu đến hạn cho các đầu tư; đây không phải trách nhiệm của Nhà nước.
Mặc dù hiện nay, dòng tiền của các doanh nghiệp đang rất khó khăn nhưng doanh nghiệp phải chủ động xoay xở tất cả các kênh huy động, thậm chí phải bán rẻ tài sản, hạ giá sản phẩm để thu hồi dòng tiền về mà thực hiện đúng cam kết với các nhà đầu tư trái phiếu. Có như vậy, niềm tin của nhà đầu tư trái phiếu mới được vực dậy và thị trường trái phiếu doanh nghiệp mới có thể tiếp tục phát triển.
Theo ông Bình, điều doanh nghiệp mong muốn không phải hỗ trợ bằng tiền mà cần hỗ trợ bằng việc giải quyết các hồ sơ pháp lý cho các dự án, đặc biệt là các dự án bất động sản có thể giải quyết nhanh để các nhà đầu tư trong các dự án bất động sản có thể đưa sản phẩm ra thị trường sớm để có điều kiện bán được với giá rẻ và thu hồi vốn thực hiện việc trả nợ trái phiếu cho các nhà đầu tư đúng hạn.
Với những đóng góp nêu trên, Bộ Tài chính sẽ tổng hợp và có cuộc làm việc với các bộ, ngành có liên quan để báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để đưa ra các giải pháp trước mắt cũng như lâu dài nhằm củng cố niềm tin của thị trường, đưa thị trường tiếp tục phát triển một cách bền vững.
Bầu Đức công bố giảm nợ BIDV 200 tỷ đồng, triển vọng sáng năm mới với heo và sầu riêng 
Bamboo Capital (BCG) mua lại 500 tỷ đồng trái phiếu trước hạn