Trong ba năm tới, giá thuê đất công nghiệp được dự báo tăng liên tục ở cả phía Bắc và phía Nam nhờ triển vọng của BĐS khu công nghiệp. Cơ hội mở ra đối với các doanh nghiệp BĐS còn sở hữu nhiều diện tích thương phẩm.
Theo dự báo về thị trường bất động sản công nghiệp của CBRE - đơn vị chuyên cung cấp dịch vụ về tư vấn, quản lý đầu tư, trong ba năm tới, giá thuê đất công nghiệp được dự báo tăng liên tục ở cả phía Bắc và phía Nam nhờ triển vọng của bất động sản KCN.
Ở phía Bắc, giá thuê đất công nghiệp tại các thị trường cấp 1 như Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương tăng 7,8% so với cùng kỳ, đạt trung bình 133 USD mỗi m2 (khoảng 3,3 triệu đồng một m2) cho kỳ hạn còn lại.
Tại phía Nam, giá thuê đất công nghiệp một số thị trường như TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An cũng tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước, đạt 189 USD/m2 (khoảng 4,7 triệu đồng/m2). CBRE cho biết các nhà sản xuất trong và ngoài nước có xu hướng mở rộng ra các thị trường cấp 2 như Bà Rịa - Vũng Tàu hay Tây Ninh, nơi có quỹ đất công nghiệp dồi dào với giá thuê cạnh tranh.
Theo SSI Research, nhu cầu BĐS vào Việt Nam sẽ phục hồi trong năm 2024 khi nguồn vốn FDI tiếp tục được đẩy mạnh. Trong bối cảnh nguồn cung hạn chế và giá cho thuê dự kiến tăng cao, các ông lớn BĐS KCN đang sở hữu còn lại bao nhiêu quỹ đất thương phẩm?
CTCP Đầu tư Sài Gòn VGR (SIP ) đang là doanh nghiệp có diện tích thương phẩm còn lại lớn nhất với hơn 1.087ha. Trong đó, KCN Phước Đông giai đoạn 2 hơn 787ha, sẵn sàng cho thuê 290ha; KCN Lê Minh Xuân 3 là 105.4ha; KCN Đông Nam gần 50ha và KCN Lộc An - Bình Sơn 144.42ha.
SIP đang sở hữu diện tích thương phẩm còn lại lớn nhất với 1.087ha (Nguồn: ACBS) |
Tiếp theo đó là Kinh Bắc (KBC) với diện tích quỹ đất cho thuê còn lại là 754ha. Hiện tại, KBC đang sở hữu KCN Nam Sơn Hạp Lĩnh và Tân Phú Trung với doanh thu mang về 4.880 tỷ đồng mỗi năm. Bên cạnh đó, KCN Tràng Duệ 3 sẽ là dự án trọng điểm của Kinh Bắc trong thời gian tới với diện tích sẵn sàng cho thuê là 456m2 và mức giá trung bình 150-160 USD/m2/thời hạn cho thuê.
Ngoài ra, Kinh Bắc  còn sở hữu 4 cụm công nghiệp ở Long An với tổng diện tích cho thuê 148m2, dự kiến sẽ thu về 120-130 USD/m2.
Với 7 KCN có tổng diện tích hơn 4.700ha đang trực tiếp vận hành, CTCP Đầu tư và phát triển Công nghiệp (BCM ) là chủ đầu tư KCN lớn nhất tại Bình Dương với hơn 30% thị phần cấp tỉnh và chiếm khoảng 5% thị phần toàn quốc. Ông “trùm” KCN Bình Dương này hiện còn 940ha đất KCN thương phẩm và 659ha đất KCN sẵn sàng cho thuê.
BCM là chủ đầu tư KCN lớn nhất tại Bình Dương với hơn 30% thị phần (Nguồn: SSI) |
Tổng Công ty IDICO (IDC) đang đầu tư và quản lý 10 KCN tại Việt Nam với tổng diện tích khoảng hơn 3.300ha; trong đó có 7 KCN ở phía Nam và 3 KCN ở phía Bắc. Theo đó, quỹ đất thương phẩm còn lại của IDC là khoảng 600ha.
Là doanh nghiệp dẫn đầu trong lĩnh vực vật liệu xây dựng gồm kính xây dựng, gạch ốp lát nhưng Viglacera (VGC ) đã phát triển 11 KCN với tổng diện tích hơn 3.000ha, trong đó còn 560ha đất thương phẩm còn lại và tập trung ở miền Bắc, miền Trung. Doanh nghiệp này cũng đang có khoảng 200ha đất KCN sẵn sàng cho thuê thời gian tới.
KCN Châu Đức của Sonadezi Châu Đức (SZC) quy mô 1.556ha, trong đó đã cho thuê khoảng 560ha. Như vậy, đất thương phẩm còn lại khoảng 550ha. Theo MBS ước tính, mỗi năm SZC cho thuê được khoảng 40ha.
Ngoài ra, CTCP KCN Nam Tân Uyên (NTC) đang đầu tư, quản lý và vận hành KCN Nam Tân Uyên 332ha và KCN Nam Tân Uyên mở rộng 346ha. NTC  hiện còn khoảng 340ha đất thương phẩm. Ngoài ra, NTC còn đầu tư vào các dự án như KCN Bình Long, KCN Đức Hòa III, KCN Bắc Đồng Phú và các dự án ngoài ngành khác.
Ông “trùm” KCN tại Đồng Nai Sonadezi (SNZ) ước tính còn khoảng 369ha đất thương phẩm còn lại. Hiện SNZ đang sở hữu 11 KCN; trong đó, 9 KCN tại Đồng Nai, 1 KCN tại Vũng Tàu và 1 KCN đang triển khai tại Bình Thuận.
Khởi động KQKD quý I/2024 nhóm bất động sản, một công ty báo lãi tăng gần 16 lần 
Bất động sản KCN tiếp tục hưởng lợi từ dòng vốn FDI, KBSV chỉ điểm 3 cổ phiếu sinh lời