Hà Nội: giao ban đánh giá về tiến độ giải ngân đầu tư công, chuyển đổi số
Chiều 11/10, Thường trực Thành ủy - HĐND – UBND TP Hà Nội tổ chức Hội nghị giao ban Quý III/2024 với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã theo hình thức trực tuyến.
Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến chủ trì hội nghị tại điểm cầu Thành ủy Hà Nội .
Đồng chủ trì hội nghị có Phó Chủ tịch HĐND TP Phạm Quí Tiên; Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải.
Cùng dự có các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy: Trưởng ban Tổ chức Thành uỷ Vũ Đức Bảo, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hoàng Trọng Quyết.
Hội nghị nghe báo cáo và thảo luận về 3 chủ đề chính, gồm: Thúc đẩy triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2024, năm 2025 và các công trình trọng điểm của TP; Kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TU ngày 30/12/2022 của Thành ủy về chuyển đổi số, xây dựng TP Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Kết quả 1 năm thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TU ngày 07/8/2023 của Ban Thường vụ Thành ủy về "tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị TP Hà Nội".
Lan tỏa mạnh mẽ tinh thần quyết liệt, sâu sát từ thành phố tới cơ sở
Báo cáo kết quả 1 năm thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo cho biết, qua 1 năm thực hiện, các cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và các cơ quan, đơn vị từ TP đến cơ sở đã chủ động lãnh đạo, chỉ đạo đồng bộ, toàn diện công tác quán triệt, tuyên truyền, triển khai thực hiện các nội dung của Chỉ thị, kế hoạch, tập trung lãnh đạo có trọng tâm, trọng điểm.
Ngoài ra, phát huy vai trò gương mẫu, đi đầu nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị TP và sự đồng thuận của Nhân dân. Qua đó, đã đạt được những kết quả quan trọng bước đầu, khá toàn diện, có nhiều điểm nhấn nổi bật trên các lĩnh vực, góp phần thực hiện tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ TP đã đề ra.
Công tác quán triệt, tuyên truyền Chỉ thị, kế hoạch được thực hiện kịp thời, đồng bộ trong cả hệ thống chính trị bằng nhiều hình thức, tạo thành đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động toàn TP. Tạo chuyển biến căn bản về nhận thức cho đội ngũ cán bộ, công chức về tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc, nâng cao chất lượng, hiệu quả thực thi nhiệm vụ, công vụ, củng cố niềm tin của Nhân dân với cấp ủy, chính quyền các cấp.
Công tác xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, xây dựng đội ngữ cán bộ đạt được nhiều kết quả quan trọng, tổ chức bộ máy của Đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội được củng cố, kiện toàn theo hướng "một việc do một cơ quan đảm nhiệm", đảm bảo tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả cơ bản khắc phục được tình trạng chồng chéo chức năng, nhiệm vụ, đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền, đơn giản hóa TTHC tạo thuận lợi cho người dân, DN.
Công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra công vụ được tăng cường, có trọng tâm, trọng điểm, đảm bảo quyết liệt, kịp thời, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và đề cao việc tuân thủ pháp luật của Nhà nước. Đồng bộ giữa kiểm tra, giám sát của Đảng, thanh tra, kiểm tra của chính quyền với xử lý vi phạm, công tác luân chuyển, điều động, chuyển đổi vị trí công tác cán bộ, công chức, xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Phương thức lãnh đạo của Thành ủy và các cấp ủy có nhiều đổi mới, lãnh đạo có trọng tâm, trọng điểm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo những việc lớn, việc khó, phức tạp của TP. Nâng cao tinh thần chủ động, trách nhiệm của các cấp, các ngành và người đứng đầu. Tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị, lan tỏa mạnh mẽ tinh thần quyết liệt, sâu sát từ TP tới cơ sở, tạo động lực trong toàn hệ thống chính trị thực hiện nhiệm vụ chính trị của TP và địa phương, đơn vị.
Đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong thực hiện nhiệm vụ, phát động các phong trào thi đua sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Xây dựng và triển khai nhiều mô hình mới, sáng tạo, hiệu quả, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, DN, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong toàn hệ thống chính trị TP.
Giải ngân đầu tư công ước đến hết tháng 9/2024 đạt 43% so với tổng kế hoạch
Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư Lê Anh Quân đã trình bày báo cáo của Ban Cán sự Đảng UBND TP về kết quả thúc đẩy triển khai Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2024, năm 2025 và các công trình trọng điểm của TP.
Kết quả triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 cho thấy, tổng nguồn Kế hoạch đầu tư công trung hạn của TP là 340.152,726 tỷ đồng. Đến nay phân bổ chi tiết cho các nhiệm vụ, dự án là 249.019,614 tỷ đồng - còn 5.296,112 tỷ đồng chưa phân bổ chi tiết.
Về kết quả thực hiện dự án, giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2024, năm 2025, Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư cho biết, năm 2024 TP giao 81.033,18 tỷ đồng kế hoạch đầu tư công (bằng kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao). Đến ngày 25/9/2024, lũy kế giải ngân của toàn TP là 29.647 tỷ đồng, đạt 36,6% kế hoạch (ước đến hết tháng 9/2024 là 43% so với tổng kế hoạch và 47,3% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao).
Đối với kết quả triển khai thực hiện các công trình trọng điểm của thành phố, với 35 dự án sử dụng vốn ngân sách Nhà nước, có 6 dự án chưa được phê chủ trương đầu tư; 10 dự án đã phê chủ trương đầu tư chưa phê dự án; 18 dự án đã được phê duyệt dự án, đang triển khai thực hiện (trong đó có 7 dự án chuyển tiếp và 11 dự án mới); 1 dự án chuyên tiếp đã hoàn thành, đưa vào sử dụng (dự án Cầu Vĩnh Tuy - giai đoạn 2)...
Năm 2024 thành phố đã bố trí vốn cho 17 dự án trọng điểm với số vốn kế hoạch là 15.603 tỷ đồng. Trong đó ngân sách Trung ương hỗ trợ là 7.106 tỷ đồng; vốn ODA cấp phát là 2.315 tỷ đồng; ODA vay lại là 1.545 tỷ đồng; ngân sách TP là 4.636 tỷ đồng. Lũy kế giải ngân của các công trình trọng điểm đến ngày 25/9/2024 là 4.355 tỷ đồng (đạt 27 9% kế hoạch).
Để đẩy nhanh triển khai Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2024, năm 2025 và các công trình trọng điểm của thành phố, Ban Cán sự Đảng UBND TP đưa ra một nhiệm vụ như: quyết liệt thực hiện đồng bộ các giải pháp, nhiệm vụ để tháo gỡ khó khăn vướng mắc, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là công tác giải phóng mặt bằng; tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị TP Hà Nội theo chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành ủy tại Chỉ thị số 24-CT/TU ngày 07/8/2023.
Nâng cao trách nhiệm, tính chủ động, quyết liệt, năng lực trong triển khai thực hiện dự án và giải ngân vốn đầu tư công của các chủ đầu tư; đẩy nhanh tiến độ thẩm tra, phê duyệt quyết toán các dự án hoàn thành theo quy định và kiểm soát chặt chẽ việc thanh, quyết toán vốn đầu tư...
Tính đến 9/2024, Hà Nội đã hoàn thành 8/15 mục tiêu chuyển đổi số
Trình bày báo cáo về kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TU ngày 30/12/2022 của Thành ủy về chuyển đổi số, xây dựng TP Hà Nội thông minh đến năm 2023, định hướng đến năm 2030, Giám đốc Sở TT&TT Nguyễn Việt Hùng cho biết, Nghị quyết đề ra 15 mục tiêu đến hết năm 2025, tính đến 9/2024, đã có 8/15 mục tiêu hoàn thành, trong đó có 7 mục tiêu hoàn thành vượt mức; 7/15 mục tiêu đang tiếp tục triển khai thực hiện, trong đó, 1 mục tiêu chưa có hướng dẫn về cách tính và thống kê từ các bộ, ngành.
Về hoàn thiện cơ chế chính sách, UBND TP đã ban hành các văn bản, triển khai nhiệm vụ về ứng dụng CNTT, chuyển đổi số. Trong đó, Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước ban hành Nghị quyết số 11/2024/NQ-HĐND ngày 15/5/2024 quy định việc hỗ trợ phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp qua ứng dụng định danh và xác thực điện tử (VNeID) trên địa bàn TP Hà Nội. Trước đó, Hà Nội cũng là địa phương đầu tiên ban hành Nghị quyết số 07/2003/NQ-HĐND ngày 4/7/2023 quy định về mức phí, lệ phí bằng “không” khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến.
Về phát triển hạ tầng số, nền tảng số, dữ liệu số, bảo đảm an toàn thông tin, TP đã và đang đầu tư, xây dựng, hoàn thiện, phát triển đồng bộ và hiện đại hạ tầng số đáp ứng nhu cầu thực tiễn và sẵn sàng cho các mục tiêu chuyển đổi số, như: đưa vào vận hành Trung tâm dữ liệu chính hiện đại năm 2024; tiếp tục duy trì mạng diện rộng của Thành phố (mạng WAN). Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của TP (LGSP) đã kết nối với 7 hệ thống thông tin/cơ sở dữ liệu của TP và 14 hệ thống thông tin/cơ sở dữ liệu của quốc gia và các bộ, ngành, trong đó, có chức năng Single Sign On (SSO), chức năng đăng nhập một lần vào các hệ thống thông tin của TP.
Về chuyển đổi số, xây dựng TP thông minh, Hà Nội tiếp tục sử dụng hiệu quả các hệ thống hạ tầng thông tin quan trọng, có tính chất nền tảng cốt lỗi của TP. Ngày 28/6/2024, tiếp tục đưa vào vận hành chính thức Hệ thống Thông tin phục vụ họp và xử lý công việc (E-Cabinet) tích hợp với phòng họp thông minh. Tiếp tục duy trì và vận hành các ứng dụng, dịch vụ như: Hệ thống thông tin giải quyết TTHC, Ứng dụng Công dân Thủ đô số (iHanoi), Hồ sơ sức khỏe điện tử Thành phố, Ứng dụng “Thẻ vé giao thông Hà Nội” sử dụng thẻ QR động (thẻ ảo) cho vận tải hành khách công cộng…
Tiếp tục cập nhật!
>> Tổng Bí thư, Chủ tịch nước: Hà Nội phải xứng tầm Thủ đô trong kỷ nguyên phát triển mới 
Để Hà Nội thực sự là Thành phố sáng tạo 
Chủ tịch UBND TP Hà Nội: mỗi cán bộ, công chức phải nắm vững quy định của Luật Thủ đô