Hà Nội tìm mọi cách cứu người dân khỏi cảnh tắc đường
Hà Nội đặt mục tiêu đầu tư nhanh hạ tầng giao thông, đặc biệt là các dự án đóng vai trò kéo giảm ùn tắc.
UBND TP Hà Nội vừa ban hành kế hoạch khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông và hạ tầng giao thông chưa đồng bộ ở một số nơi trên địa bàn hiện nay.
Kế hoạch do Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội ký đặt mục tiêu từ nay đến cuối năm, tỷ lệ đất dành cho giao thông so với đất xây dựng đô thị tăng từ 0,25-0,3% (năm 2023, tổng diện tích đất dành cho giao thông đạt 10,65% đất xây dựng đô thị); trong năm giảm từ 8-10 điểm đen ùn tắc và 5-10% số vụ, số người chết, số người bị thương do tai nạn giao thông, không để xảy ra các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng.
Vận tải hành khách công cộng đảm bảo chất lượng, phục vụ hiệu quả, phấn đấu đạt chỉ tiêu tỷ lệ đảm nhận vận tải hành khách công cộng năm 2023 đạt từ 21,5-23%.
Thực hiện được các mục tiêu trên, UBND TP Hà Nội yêu cầu các đơn vị huy động mọi nguồn lực, đầu tư nhanh, đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông theo quy hoạch, đặc biệt là những công trình giao thông có vai trò giảm ùn tắc giao thông; Tổ chức giao thông khoa học, hợp lý; Bảo trì, sửa chữa kết cấu hạ tầng giao thông gắn với rà soát, xử lý dứt điểm các điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông; Xóa bỏ lối đi tự mở trái phép qua đường sắt, ngăn ngừa xử lý hoạt động lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa; hành vi lấn chiếm lòng đường, vỉa hè trái phép…
Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách pháp luật và quy định liên quan đến bảo đảm trật tự, an toàn giao thông cũng sẽ được thực hiện nhằm áp dụng kịp thời, hiệu quả thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào thực tiễn.
Kế hoạch của UBND TP Hà Nội cũng yêu cầu quản lý chặt chẽ quá trình thực hiện quy hoạch, bảo đảm việc xây dựng mới hoặc chỉnh trang các khu công nghiệp, khu đô thị, trung tâm thương mại, trường học, bệnh viện... phù hợp với năng lực kết cấu hạ tầng giao thông và vận tải công cộng.
Hà Nội sẽ tái cơ cấu vận tải nâng cao thị phần vận tải đường sắt, đường thủy nội địa, giảm dần phụ thuộc vào đường bộ. Đẩy nhanh tiến độ đầu tư, phát triển hệ thống vận tải công cộng trong đô thị và liên tỉnh gắn với hạn chế sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân trên địa bàn thành phố.
Một quận trung tâm Hà Nội thu ngân sách vượt 21.000 tỷ đồng 
Hà Nội xây đập dâng trên sông Tô Lịch giữ nguồn nước được bổ cập từ sông Hồng