Hà Nội xây đập dâng trên sông Tô Lịch giữ nguồn nước được bổ cập từ sông Hồng
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh vừa giao Sở Xây dựng nghiên cứu phương án xây dựng đập dâng trên sông Tô Lịch để đồng bộ với dự án bổ cập nước từ sông Hồng.
Văn phòng UBND TP Hà Nội vừa ban hành kết luận, chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh tại buổi họp nghe báo cáo về công tác triển khai dự án đầu tư xây dựng công trình khẩn cấp bổ cập nước từ sông Hồng vào sông Tô Lịch.
Về phương án bổ cập nước từ sông Hồng vào sông Tô Lịch, Chủ tịch Hà Nội thống nhất phương án tuyến ống dẫn nước từ cống qua đê đi hướng đường Võ Chí Công đưa nước vào đầu sông Tô Lịch tại vị trí cống qua đường Hoàng Quốc Việt.
Vị trí trạm bơm thu nước tại sông Hồng phải đảm bảo cao độ an toàn khi có lũ và chất lượng nguồn nước cung cấp về sông Tô Lịch , Chủ tịch Hà Nội lưu ý.
Sở Xây dựng được giao phối hợp với Văn phòng UBND TP Hà Nội trao đổi với Văn phòng Chính phủ làm rõ các vấn đề liên quan để báo cáo Thủ tướng chấp thuận triển khai đầu tư xây dựng công trình khẩn cấp bổ cập nước từ sông Hồng vào sông Tô Lịch.
Trước đó, Sở Xây dựng báo cáo thành phố phương án xây dựng trạm bơm công suất 3-5 m3/s tại bãi sông Hồng, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ. Nước từ trạm bơm, theo đường ống đi dọc đường nội bộ trong vùng bãi sông, xuyên qua đê sông Hồng (gầm cầu Nhật Tân, đường An Dương Vương).
Tại đoạn xuyên qua đê dài khoảng 45m, thành phố sẽ cho đào mở đê, xây dựng cống hộp và lắp đường ống bên trong cống hộp. Vị trí qua đê sẽ có hai đường ống để dự phòng cho việc nâng công suất trạm bơm lên 5 m3/s.
Sau khi xuyên qua đê, tuyến ống đi qua đảo giao thông, chạy dọc theo vỉa hè đường Võ Chí Công đưa nước vào đầu sông Tô Lịch tại vị trí nút giao Hoàng Quốc Việt. Từ đê đến điểm đầu sông Tô Lịch dài khoảng 5,3km.
Trên đường ống đi song song với Võ Chí Công có đầu chờ chia nước để dẫn theo ngõ 685 Lạc Long Quân (khu vực Lotte Mall Tây Hồ) và ngõ 612 Lạc Long Quân vào hồ Đầm Bảy xử lý trước khi vào Hồ Tây.
Trong kết luận, Chủ tịch UBND TP Hà Nội còn giao Sở Xây dựng cũng được giao chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan khẩn trương nghiên cứu việc xây dựng đập dâng (đập chữ T; tại vị trí ngã ba sông Tô Lịch gần chùa Long Quang, huyện Thanh Trì) đồng bộ với dự án bổ cập nước từ sông Hồng vào sông Tô Lịch.
Việc xây dựng đập dâng này nhằm đáp ứng các mục tiêu như giữ nước phục vụ bổ cập nước cho sông Tô Lịch vào mùa khô, ngăn nước hỗ trợ tiêu thoát nước cho sông Nhuệ vào mùa mưa bão.
>>Hai phương án làm công trình khẩn cấp 550 tỷ đồng ‘hồi sinh’ sông Tô Lịch
Ba cây cầu gần 50.000 tỷ có kế hoạch xây dựng, đất ven sông Hồng biến động mạnh 
Hà Nội tập trung nguồn lực xây thêm 9 cầu vượt sông Hồng