Hà Tĩnh liên tiếp có 'tin vui', sắp đón thành phố thứ hai
Trước đó, Hà Tĩnh đã thống nhất chủ trương đối với nhà máy sản xuất ô tô điện của tỷ phú Phạm Nhật Vượng.
Ngày 29/11, Hội nghị lần thứ 53 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh khóa XIX đã thống nhất thông qua nhiều chủ trương quan trọng, bao gồm việc thành lập thành phố Kỳ Anh vào năm 2025, xây dựng nhà máy sản xuất ô tô điện của Công ty Cổ phần Đầu tư Khu công nghiệp Vinhomes Hà Tĩnh (thuộc Tập đoàn Vingroup) tại Khu kinh tế Vũng Áng, và chính sách ưu đãi miễn tiền thuê đất đối với các dự án thuộc lĩnh vực ưu đãi đầu tư theo quy định.
Theo nghị quyết, thị xã Kỳ Anh sẽ được xây dựng để trở thành đô thị loại II và chính thức trở thành thành phố trực thuộc tỉnh Hà Tĩnh vào năm 2025. Đây là đô thị trọng điểm gắn liền với sự phát triển của Khu kinh tế Vũng Áng, được quy hoạch theo hướng hiện đại, văn minh, phù hợp với định hướng phát triển tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050.
Thị xã Kỳ Anh nằm ở phía Nam tỉnh Hà Tĩnh, cách thành phố Hà Tĩnh 50km, hiện có 11 đơn vị hành chính trực thuộc, bao gồm 8 phường: Hưng Trí, Kỳ Liên, Kỳ Long, Kỳ Phương, Kỳ Thịnh, Kỳ Trinh, Kỳ Ninh, Kỳ Nam và 3 xã: Kỳ Hà, Kỳ Hoa, Kỳ Lợi. Đô thị này giữ vai trò quan trọng không chỉ trong hệ thống đô thị của tỉnh Hà Tĩnh mà còn trong mạng lưới đô thị của vùng Bắc Trung Bộ và cả nước.
>> Tỷ phú Phạm Nhật Vượng sắp xây thêm nhà máy VinFast quy mô 300.000 xe/năm tại quê nhà 
Khu kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh) |
Tại hội nghị, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh cũng thông qua chủ trương đầu tư nhà máy sản xuất ô tô điện tại Khu kinh tế Vũng Áng, với tổng vốn đầu tư lên đến 7.300 tỷ đồng. Dự án do Công ty Cổ phần Đầu tư Khu công nghiệp Vinhomes Hà Tĩnh làm chủ đầu tư, có công suất thiết kế 400.000 xe/năm, chuyên sản xuất các dòng xe điện phổ thông như VF3 và VF5.
Nhà máy dự kiến khởi công và đi vào hoạt động từ tháng 6/2026. Thời hạn thực hiện dự án là 70 năm kể từ ngày được chấp thuận chủ trương đầu tư và xác nhận nhà đầu tư. Đây là một trong những dự án trọng điểm nhằm thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp sản xuất ô tô điện của Việt Nam, đồng thời góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội tại Hà Tĩnh.
Hội nghị cũng nhất trí triển khai các chính sách ưu đãi miễn tiền thuê đất đối với các dự án thuộc lĩnh vực ưu đãi đầu tư, nhằm thu hút thêm các doanh nghiệp lớn đến đầu tư tại Hà Tĩnh. Những chính sách này được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai các dự án công nghiệp quy mô lớn, đặc biệt là tại các khu kinh tế trọng điểm như Vũng Áng.
Quyết định thành lập thành phố Kỳ Anh cùng với việc triển khai nhà máy ô tô điện được đánh giá là các bước đi chiến lược nhằm đưa Hà Tĩnh trở thành trung tâm kinh tế năng động của khu vực Bắc Trung Bộ, với định hướng phát triển công nghiệp hiện đại, bền vững trong tương lai.
>> Vĩnh Long đón thêm cụm công nghiệp hơn 662 tỷ đồng 
Sáp nhập thêm một thị xã, TP. Vinh lần đầu tiên trong lịch sử hình thành đô thị biển 
Tỉnh 'sát vách' TP. HCM sắp đầu tư thêm khu công nghiệp quy mô 1.000ha