Xã hội

Hai cựu Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam xin giảm nhẹ hình phạt

Thanh Phương 16/12/2024 - 17:07

Cho rằng mức án quá cao, 2 bị cáo Đặng Việt Hà và Trần Kỳ Hình làm đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Trong khi đó, VKSND TPHCM có kháng nghị tăng án đối với 18 bị cáo.

TAND Cấp cao tại TPHCM vừa ra quyết định xét xử phúc thẩm đối với vụ án xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam. Phiên xét xử được mở theo đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của 2 cựu Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam là Đặng Việt Hà, Trần Kỳ Hình cùng 140 đồng phạm và kháng nghị của VKSND TPHCM.

Phiên tòa sẽ được xét xử trực tuyến tại 2 điểm cầu là trụ sở TAND Cấp cao tại TPHCM và Trại tạm giam Chí Hòa (T30), dự kiến diễn ra từ ngày 6-17/1/2025, do thẩm phán Hoàng Thanh Dũng làm chủ tọa.

w dang viet ha 667.jpg
Cựu cục trưởng Đặng Việt Hà. Ảnh: Nguyễn Huế

Trước đó, bị cáo Đặng Việt Hà bị TAND TPHCM tuyên phạt 19 năm tù về tội “Nhận hối lộ”. Bị cáo Trần Kỳ Hình cũng bị tuyên phạt 19 năm tù về tội “Nhận hối lộ”, 6 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, tổng hợp hình phạt là 25 năm tù.

Bên cạnh đó, 252 bị cáo còn lại lĩnh từ 1 năm tù cho hưởng án treo tới 30 năm tù.

Sau phiên sơ thẩm, 124 bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và 18 bị cáo bị VKSND TPHCM kháng nghị đề nghị tăng hình phạt.

VKS kháng nghị tăng án đối với 18 bị cáo

Theo kháng nghị của VKS, đây là vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế có quy mô đặc biệt lớn, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng trong lĩnh vực quản lý nhà nước đối với hoạt động đăng kiểm phương tiện xe cơ giới và phương tiện thủy nội địa.

Các bị cáo trong vụ án là những người có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, được nhà nước phân công và giao nhiệm vụ điều hành quản lý một ngành lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng và cuộc sống của con người. Tuy nhiên, chỉ vì động cơ tư lợi cá nhân hoặc vì nhận thức pháp luật chưa đầy đủ, các bị cáo đã thực hiện hành vi phạm tội.

w tran ky hinh 666.jpg
Cựu cục trưởng Trần Kỳ Hình. Ảnh: Nguyễn Huế

Hành vi phạm tội của các bị cáo được thực hiện trong thời gian dài, xảy ra một cách có hệ thống. Các bị cáo chiếm đoạt tài sản lớn, gây nguy hiểm cho tính mạng, sức khỏe của người dân khi tham gia giao thông đường thủy, đường bộ. Ngoài ra, hành vi này còn gây ảnh hưởng xấu và làm giảm uy tín của cơ quan nhà nước, gây bất bình và tạo dư luận xấu trong xã hội. Vì vậy, theo VKS, việc xử lý nghiêm đối với các bị cáo cũng là một biện pháp răn đe phòng ngừa chung, không chỉ tại TPHCM mà còn ở các địa phương khác trên cả nước.

Tuy nhiên, VKS cho rằng mức hình phạt mà TAND TPHCM đã tuyên đối với 18 bị cáo trong vụ án là quá nhẹ, chưa đảm bảo tính răn đe phòng ngừa.

Trong đó, nhóm bị cáo thuộc các trung tâm đăng kiểm (TTĐK) do bị cáo Trần Lập Nghĩa làm chủ được tòa án tuyên mức án thấp hơn 6 năm tù so với đề nghị của VKS về tội "Giả mạo trong công tác" là không phù hợp.

Với các bị cáo Nguyễn Minh Trị (12 năm tù), Trần Văn Cảnh (10 năm tù) và Huỳnh Thái Bảo (11 năm tù), theo VKS, việc các bị cáo này chỉ đạo những người không phải đăng kiểm viên ký giả, đóng giả đăng kiểm viên để kiểm định phương tiện cơ giới là đặc biệt nguy hiểm cho xã hội. Tất cả đều phạm vào khoản 4 điều 359 Bộ luật Hình sự với mức hình phạt từ 12-20 năm tù. Việc tòa tuyên xử ở khoản 2 với mức án thấp hơn rất nhiều là chưa đủ sức răn đe, giáo dục và phòng ngừa chung.

W-bicao 386.jpg
Các bị cáo tại phiên sơ thẩm. Ảnh: Nguyễn Huế

Với nhóm bị cáo ở Phòng VAR thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam, bị cáo Đặng Trần Khanh là lãnh đạo phòng, chịu trách nhiệm số tiền trên 60 tỷ đồng. Với hành vi này, VKS đề nghị từ 14-15 năm nhưng tòa chỉ tuyên phạt 11 năm tù. Bị cáo Mai Đức Truyền là đăng kiểm viên, chịu trách nhiệm hình sự với số tiền hơn 5 tỷ đồng, hưởng lợi hơn 2,5 tỷ đồng nhưng chỉ nộp lại 650 triệu đồng, VKS đề nghị 12-13 năm tù nhưng tòa chỉ tuyên phạt 9 năm tù...

Kháng nghị của VKS cho rằng mức án mà TAND TPHCM đã tuyên với 18 bị cáo là không tương xứng với vai trò, trách nhiệm và không công bằng với các bị cáo khác.

Theo bản án sơ thẩm, các bị cáo Trần Kỳ Hình và Đặng Việt Hà là những người đứng đầu, chịu trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện mọi hoạt động của Cục Đăng kiểm Việt Nam theo sự phân công của Bộ Giao thông vận tải. Tuy nhiên, cả 2 không thực hiện đúng chức trách và nhiệm vụ được giao, đưa ra chủ trương làm trái quy định của pháp luật để nhận hối lộ số tiền đặc biệt lớn.
Cụ thể, ông Trần Kỳ Hình đã nhận hơn 7,1 tỷ đồng “chung chi” từ thuộc cấp. Sau khi ông Hình nghỉ hưu, ông Đặng Việt Hà lên thay cũng nhận hối lộ hơn 8,5 tỷ đồng chỉ sau hơn 1 năm nhậm chức.

>> Xét xử đại án đăng kiểm: Thuộc cấp loanh quanh ‘gỡ tội’ cho các cựu cục trưởng

Đại án đăng kiểm: Áp lực chung chi và phong bì đựng tiền hối lộ mang ám hiệu

Xét xử đại án đăng kiểm: Thuộc cấp loanh quanh ‘gỡ tội’ cho các cựu cục trưởng

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/hai-cuu-cuc-truong-cuc-dang-kiem-viet-nam-xin-giam-nhe-hinh-phat-2352981.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Hai cựu Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam xin giảm nhẹ hình phạt
    POWERED BY ONECMS & INTECH