Hải Phòng vừa vượt Hải Dương ở một chỉ số quan trọng
Mới đây, Chính phủ đã tổ chức phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2025 và hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương để đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội tháng 3 và quý I/2025.
Tại hội nghị, các đại biểu được nghe công bố kết quả, xếp hạng Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước (SIPAS) năm 2024.
Năm 2024, mức độ hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước nói chung (Chỉ số SIPAS 2024) trong cả nước là 83,94%, tăng 1,28% so với năm 2023.
Theo đó, mức độ hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước thành phố Hải Phòng đạt 91,10%, cao nhất cả nước.
Bên cạnh đó, mức độ hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước tỉnh Hải Dương đạt 90,18%, xếp thứ 3/63 tỉnh, thành trên cả nước.
![]() |
Ảnh minh họa - Nguồn: VGP |
Cả Hải Phòng và Hải Dương đều sở hữu vị trí chiến lược khi nằm dọc theo tuyến cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, thuận tiện kết nối với cảng biển, sân bay và thủ đô.
Năm 2024, tình hình phát triển kinh tế - xã hội tại Hải Phòng ghi nhận những tín hiệu tích cực. Tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố năm 2024 ước đạt 288.492 tỷ đồng (giá so sánh 2010), tăng 11,01% so với năm trước (kế hoạch tăng 11,50%-12%).
Dù chưa đạt được mục tiêu đề ra, nhưng mức tăng trưởng này giúp Hải Phòng đứng ở vị trí thứ 3 cả nước và thứ 1 vùng Đồng bằng sông Hồng.
Quy mô GRDP (theo giá hiện hành) năm 2024 ước đạt 445.995 tỷ đồng (tương đương 18.362,8 triệu USD), đứng thứ 5 cả nước. Cơ cấu kinh tế theo các khu vực như sau: khu vực nông, lâm, nghiệp thủy sản chiếm tỷ trọng 3,15%; công nghiệp - xây dựng chiếm tỷ trọng 53,08%; thương mại - dịch vụ chiếm tỷ trọng 38,52%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp chiếm tỷ trọng 5,25%.
Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn thành phố năm 2024 ước đạt 118.255,3 tỷ đồng, bằng 120,86% dự toán Trung ương giao, bằng 110,77% so với dự toán Hội đồng nhân dân thành phố giao.
Năm 2024, nhiều dự án, công trình trong các lĩnh vực giao thông, cảng biển, nhà máy, đô thị,… được đẩy mạnh đầu tư, góp phần nâng tầm vị thế và tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội thành phố.
Tổng thu hút vốn đầu tư nước ngoài trên toàn thành phố tính từ đầu năm đến ngày 31/12/2024 đạt 4.909,36 triệu USD, trong đó: vốn đăng ký cấp mới có 126 dự án, đạt 757,43 triệu USD; vốn đăng ký điều chỉnh có 72 dự án với số vốn tăng là 3.724,36 triệu USD; giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài có 26 lượt, với số vốn đầu tư đăng ký 427,57 triệu USD.
Tại Hải Dương, tăng trưởng kinh tế năm 2024 ước đạt 10,2%; cao thứ 6/63 cả nước và thứ 3/11 vùng Đồng bằng sông Hồng (sau Hải Phòng 11,01%; Hà Nam 10,93%).
Quy mô kinh tế của tỉnh ước đạt 212.386 tỷ đồng, tiếp tục đứng thứ 11 cả nước. GRDP bình quân đầu người của tỉnh ước đạt 107,4 triệu đồng/người (tương ứng 4.456 USD/người); đứng thứ 8/11 vùng Đồng bằng sông Hồng.
Tổng thu ngân sách Nhà nước đến ngày 31/12/2024 ước đạt 30.774 tỷ đồng; bằng 138,0% so với năm trước, trong đó, thu nội địa ước đạt 26.154 tỷ đồng, bằng 136,1% so với thực hiện năm trước; thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu ước đạt 4.371 tỷ đồng, bằng 146,1% so với thực hiện năm trước.
Năm 2024, Hải Dương đã huy động nhiều nguồn lực thực hiện các dự án, công trình phục vụ phát triển kinh tế – xã hội và thu hút đầu tư. Bên cạnh các tuyến đường giao thông trọng điểm như các đường trục Bắc – Nam, Đông – Tây, đường dẫn cầu Đồng Việt, nút giao với đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng…., tỉnh còn quan tâm phát triển nhà ở xã hội để bảo đảm nhu cầu về nơi ở cho chuyên gia, công nhân, người lao động, tạo môi trường sống an lành, tiện nghi về dịch vụ, an toàn về an ninh.
Về thu hút đầu tư nước ngoài, tính đến ngày 25/12 (trong năm 2024), tỉnh cấp mới 70 dự án với tổng vốn cấp mới đạt 457,7 triệu USD. Trong đó, các dự án chủ yếu trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đến từ nhà đầu tư Trung Quốc (31 dự án), Hồng Kông (17 dự án), Đài Loan (5 dự án).