Hàng loạt người dân cố tình trộm cắp để được ở tù, chuyện lạ tại nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới
Trộm cắp là tội phổ biến nhất trong số các tù nhân cao tuổi Nhật Bản, đặc biệt là phụ nữ. Theo thống kê của Chính phủ Nhật Bản, năm 2022, hơn 80% phụ nữ cao tuổi trong các nhà tù trên toàn quốc bị giam giữ vì tội này.
Những người tại các căn phòng này đều là người lớn tuổi, với đôi tay nhăn nheo và lưng đã còng. Họ bước chậm rãi dọc hành lang, một số thì phải dùng khung tập đi. Nhân viên tại đây hỗ trợ họ tắm rửa, ăn uống, đi lại và uống thuốc.
Nhưng đây không phải là viện dưỡng lão - mà là nhà tù dành cho phụ nữ lớn nhất Nhật Bản . Số lượng tù nhân ở đây phản ánh thực trạng xã hội già hóa bên ngoài, cùng với tình trạng cô đơn kéo dài. Các Quản giáo cho biết, sự cô đơn nghiêm trọng đến mức một số tù nhân cao tuổi còn muốn ở lại trong tù thay vì ra ngoài.
Takayoshi Shiranaga, một Quản giáo tại Nhà tù Nữ Tochigi, nằm ở phía Bắc Tokyo cho biết: “Thậm chí, có người còn nói họ sẵn sàng trả 20.000 đến 30.000 yên (khoảng 3,2 - 4,8 triệu đồng) mỗi tháng để sống ở đây mãi mãi”.
Bên trong những bức tường màu hồng nhạt và hành lang yên ắng đến lạ thường của nhà tù, phóng viên của đài CNN đã trò chuyện với bà Akiyo - một tù nhân 81 tuổi, với mái tóc bạc cắt ngắn và đôi tay lấm tấm đồi mồi. Bà đang thụ án vì ăn cắp vặt. “Trong nhà tù này có rất nhiều người tốt. Có lẽ cuộc sống ở đây là ổn định nhất đối với tôi”.
Các nữ tù nhân tại nhà tù Tochigi phải sống sau song sắt và làm việc trong các nhà máy của trại giam. Tuy nhiên, với một số người, điều này rất ổn. Trong tù, họ được ăn uống đầy đủ, được chăm sóc sức khỏe miễn phí, thậm chí còn được hỗ trợ chăm sóc tuổi già - cùng với sự bầu bạn mà họ thiếu thốn khi sống bên ngoài.
Yoko, một tù nhân 51 tuổi, đã bị bắt và giam giữ vì tội liên quan đến ma túy 5 lần trong vòng 25 năm qua. Mỗi lần quay lại, bà nhận thấy số lượng tù nhân lớn tuổi ngày càng tăng. Bà cho biết: “(Một số người) còn cố tình làm việc phạm pháp để bị bắt, vì khi họ cạn kiệt tiền bạc, đây trở thành cách để họ có thể vào tù lần nữa”.
Nỗi cô đơn, cảnh nghèo đói
Akiyo hiểu rõ nỗi cô đơn và gánh nặng của sự nghèo đói. Đây là lần thứ hai bà vào tù, sau lần đầu tiên bị giam ở tuổi 60 vì tội ăn cắp thực phẩm. “Nếu tôi có đủ tiền và một cuộc sống thoải mái, chắc chắn tôi đã không làm điều này”, bà cho hay.
Lần phạm tội thứ hai xảy ra khi bà Akiyo chỉ có một khoản lương hưu ít ỏi được trả hai tháng 1 lần. Không có nhiều sự hỗ trợ từ gia đình, bà dần mất đi hy vọng vào tương lai và không còn bận tâm đến những gì sẽ xảy ra với mình. Người con trai 43 tuổi của bà, người từng sống cùng bà trước khi bà bị giam, thường nói: “Con ước gì mẹ biến mất”.
"Tôi cảm thấy mình không còn quan đến những gì xảy ra nữa. Tôi sống chẳng có ý nghĩa gì. Tôi chỉ muốn kết thúc cuộc sống này”, bà chia sẻ.
Trộm cắp là tội phổ biến nhất trong số các tù nhân cao tuổi, đặc biệt là phụ nữ. Theo thống kê của Chính phủ Nhật Bản, năm 2022, hơn 80% phụ nữ cao tuổi trong các nhà tù trên toàn quốc bị giam giữ vì tội trộm cắp.
Một số người làm như vậy chỉ để sinh tồn. Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), 20% người trên 65 tuổi ở Nhật Bản đang sống trong cảnh nghèo đói, cao hơn mức trung bình 14,2% của 38 quốc gia thành viên.
“Có những người đến đây vì bên ngoài quá lạnh, hoặc vì họ quá đói. Với những người mắc bệnh, họ có thể được chữa trị miễn phí khi ở trong tù. Nhưng khi ra ngoài, họ phải tự lo chi phí, vì thế nhiều người chỉ muốn ở lại đây càng lâu càng tốt”, Quản giáo Shiranaga cho biết.
Liệu Nhật Bản có thể khắc phục hay không?
Trên toàn nước Nhật, số lượng tù nhân từ 65 tuổi trở lên đã tăng gần gấp 4 lần từ năm 2003 đến 2022 - điều này đã làm thay đổi bản chất của việc giam giữ.
"Bây giờ chúng tôi phải giúp họ tắm rửa, ăn uống. Đến mức này, cảm giác như chúng tôi đang điều hành một viện dưỡng lão hơn là một nhà tù dành cho tội phạm”, Shiranaga chia sẻ.
Nguyên nhân một phần đến từ việc thiếu hỗ trợ cho các cựu tù nhân khi họ tái hòa nhập xã hội, Megumi, một Quản giáo tại nhà tù Tochigi, chia sẻ. "Ngay cả khi được thả và trở về cuộc sống bình thường, họ cũng không có ai để nương tựa. Nhiều người còn bị gia đình bỏ rơi vì tái phạm liên tục, không còn nơi nào để về”, Megumi nói.
Theo CNN, các nhà chức trách Nhật Bản đã thừa nhận vấn đề này. Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản cho biết, vào năm 2021, những tù nhân cao tuổi nhận được hỗ trợ sau khi ra tù có tỷ lệ tái phạm thấp hơn hẳn so với những người không được giúp đỡ. Từ đó, Bộ đã đẩy mạnh các chương trình can thiệp sớm và thiết lập các trung tâm hỗ trợ cộng đồng để giúp đỡ những người cao tuổi.
Bộ Tư pháp cũng đã triển khai các chương trình dành riêng cho nữ tù nhân, hướng dẫn họ cách sống tự lập, cai nghiện và cải thiện mối quan hệ gia đình. Hiện nay, Chính phủ đang xem xét các đề xuất mở rộng hỗ trợ nhà ở cho người cao tuổi, với 10 địa phương trên cả nước đã thử nghiệm các chương trình hỗ trợ những người không có người thân thích.
Tuy nhiên, hiện tại, vẫn chưa rõ liệu những nỗ lực này có đủ hay không, trong bối cảnh Nhật Bản đang là quốc gia có tuổi thọ cao nhất thế giới nhưng lại phải đối mặt với tỷ lệ sinh thấp kỷ lục.
Theo thống kê gần nhất, số trẻ sơ sinh Nhật Bản chào đời ở nước này năm 2024 dự kiến chỉ còn khoảng 690.000 trẻ, giảm xuống dưới mốc 700.000 lần đầu tiên kể từ khi Chính phủ bắt đầu tổng hợp số liệu thống kê vào năm 1899.
Theo ước tính trung bình về dân số tương lai do Viện Nghiên cứu Dân số và An sinh Xã hội quốc gia Nhật Bản công bố năm 2023, số ca sinh tại nền kinh tế thứ 4 thế giới sẽ giảm xuống dưới 700.000 vào năm 2038. Nhưng điều này cũng cho thấy, tỷ lệ sinh  tại nước này đang giảm với tốc độ nhanh hơn dự kiến khoảng 14 năm. Các con số trên phản ánh bước thụt lùi trong việc ngăn chặn tỷ lệ sinh giảm tại Nhật Bản.
Theo CNN, Nikkei
>> Lộ diện top 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới năm 2025, nhiều đại diện châu Á góp mặt