Hàng trăm triệu người đang mắc bệnh lý phiền toái này
Ước tính trên toàn cầu có khoảng 125 triệu người đang phải sống chung với căn bệnh vảy nến. Tại Việt Nam, tỷ lệ mắc bệnh chiếm khoảng 2% dân số, căn bệnh này đến nay vẫn chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu.
Ngày 29/10, Bệnh viện Da Liễu TPHCM  cho biết, tại đây đã tiếp nhận một trường hợp bị biến chứng nghiêm trọng của bệnh vảy nến sau khi người bệnh sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc được rao bán trên mạng xã hội. Bệnh nhân là nam thanh niên N.V.B. (18 tuổi, ngụ tại TPHCM) đến bệnh viện trong tình trạng đỏ da, tróc vảy toàn thân.
Theo bệnh sử, B. được chẩn đoán mắc bệnh vảy nến khoảng 1 năm qua. Hơn 1 tháng trước khi nhập viện, bệnh nhân thấy trên mạng xã hội quảng cáo một loại thuốc dạng viên uống và kem bôi. Người bán khẳng định sẽ điều trị khỏi hẳn bệnh vảy nến nên B. đã mua 3 liệu trình với giá 600.000 đồng. Sau khi sử dụng hết liệu trình đầu tiên, tình trạng vảy nến cải thiện rõ rệt nhưng khi ngưng uống 5 ngày thì da đỏ tróc vảy tăng dần và lan ra toàn thân kèm ngứa, da căng, đau nhức, mệt mỏi, sốt kèm ớn lạnh phải đến bệnh viện cầu cứu bác sĩ.
Nam thanh niên đã bị "lột da" toàn thân sau khi sử dụng thuốc trôi nổi trên mạng xã hội để trị bệnh vảy nến |
BS.Phạm Thị Uyển Nhi, Phó trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Da Liễu TPHCM cho biết, vảy nến là bệnh không lây. Hiện nay, trên thế giới chưa có phương pháp nào điều trị khỏi hoàn toàn bệnh vảy nến, toàn cầu có khoảng 125 triệu người đang phải sống chung với căn bệnh này.
Theo BS.Uyển Nhi, lợi dụng tình trạng bệnh của cộng đồng, nhiều đối tượng xấu đã quảng cáo thông tin khẳng định có thể điều trị khỏi hoàn toàn bệnh vảy nến bằng phương pháp dân gian, phương pháp cổ truyền, bài thuốc gia truyền, bí truyền… Các loại thuốc bán trôi nổi trên mạng xã hội có thể chứa corticoid dẫn đến hậu quả nghiêm trọng cho người bệnh.
Bác sĩ cho biết, có 3 nguyên nhân dẫn tới bệnh vảy nến gồm: yếu tố di truyền tỷ lệ trung bình trong dân số là 2 đến 3%; yếu tố miễn dịch của cơ thể; sự tác động của môi trường sống như tác nhân nhiễm trùng, stress, căng thẳng, rượu bia, thuốc lá. Bệnh vảy nến thường có bệnh đồng mắc là vảy nến khớp, tiểu đường, tim mạch có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm.
Mặc dù chưa có phương pháp điều trị khỏi hoàn toàn nhưng theo BS.Uyển Nhi, hiện nay người bệnh vảy nến có thể giảm các tác động của bệnh bằng nhiều phương pháp điều trị như sử dụng thuốc thoa, chiếu ánh sáng toàn thân, thuốc uống, thuốc sinh học. Bên cạnh đó, bệnh nhân có thể áp dụng phương pháp không dùng thuốc với chế độ chăm sóc da, dinh dưỡng hợp lý, nâng đỡ tinh thần, tránh stress khiến bệnh nặng thêm.
Ngày 29/10 hằng năm, được Liên đoàn Quốc tế của Hiệp hội bệnh vảy nến (IFPA) chọn làm dịp để nâng cao nhận thức về căn bệnh vảy nến và cùng nhau chống lại sự kỳ thị đối với những bệnh nhân mắc phải bệnh lý này.
>> Số ca mắc bệnh da liễu sau lũ lụt tăng cao, phòng tránh thế nào? 
Ca hiến đa tạng cứu sống nhiều bệnh nhân 
Căn bệnh gây tử vong số 1 thế giới, Việt Nam nằm trong nhóm nguy cơ cao nhất