Hàng triệu công nhân Hàn Quốc đe dọa đình công, gây áp lực yêu cầu Tổng thống Yoon Suk Yeol từ chức
Từ ngành sản xuất ô tô, vận tải công cộng đến y tế và giáo dục, hàng triệu công nhân tuyên bố sẽ "chiến đấu đến cùng" để phản đối chính sách lao động và tình trạng bất ổn chính trị.
Các công đoàn đại diện cho người lao động tại một số tập đoàn lớn nhất Hàn Quốc  đang đe dọa đình công, yêu cầu Tổng thống Yoon Suk Yeol từ chức sau khi ông vừa thoát khỏi nguy cơ bị luận tội vào cuối tuần qua.
Cụ thể, người lao động thuộc các ngành sản xuất ô tô, vận hành tàu hỏa, trường công và bệnh viện tuyên bố sẽ đình công nếu ông Yoon không từ chức.
Liên đoàn Lao động Hàn Quốc (KCTU), tổ chức công đoàn lớn nhất nước này với 1,2 triệu thành viên, kêu gọi đình công “vô thời hạn” nhằm gây áp lực buộc Tổng thống  từ chức. Nhóm này cũng lên kế hoạch tổ chức thắp nến biểu tình hàng ngày trước tòa nhà Quốc hội.
Mặc dù vượt qua cuộc bỏ phiếu luận tội vào ngày 7/12, ông Yoon đang phải đối mặt với áp lực lớn yêu cầu ông rời khỏi vị trí lãnh đạo.
Hoạt động của công đoàn trở nên sôi nổi hơn trong nhiệm kỳ của ông Yoon, khi ông ưu tiên thực hiện cải cách lao động kể từ khi nhậm chức vào tháng 5/2022 - ngay cả khi người lao động phải chật vật đối phó với lạm phát cao và tăng trưởng kinh tế chậm chạp.
Công đoàn Lao động Kim loại Hàn Quốc - đại diện cho công nhân tại nhà máy Hyundai Motor ở Ulsan, nhân viên của Posco Holdings và HD Hyundai Heavy Industries - thông báo sẽ bắt đầu đình công từ ngày 11/12.
Người lao động tại các hệ thống tàu hỏa và tàu điện ngầm công cộng, những người đã đình công từ trước khi ông Yoon ban bố thiết quân luật, tuyên bố sẽ “chiến đấu đến cùng” để buộc ông từ chức. Nhân viên hợp đồng tại các trường học công và ngành y tế cũng đã dọa sẽ tham gia đình công.
Trong khi đó, nhóm tài xế xe tải hiện chỉ lên kế hoạch tổ chức biểu tình đòi tăng lương mà chưa đình công ngay lúc này, theo một phát ngôn viên. Các công đoàn của Samsung Electronics và những công ty công nghệ khác như Kakao lẫn Naver cũng chưa có kế hoạch đình công nhưng có thể sẽ xem xét trong thời gian tới.
“Thời điểm này là cơ hội lớn cho các công đoàn”, ông Park Sung Bok, nhà nghiên cứu tại viện Pi-Touch ở Seoul, nhận định. “Chỉ cần đe dọa đình công thôi cũng đã đủ để tiếng nói của họ lớn hơn trước, đặc biệt nếu tình hình bất ổn chính trị này kéo dài. Họ có thể yêu cầu mức tăng lương cao hơn so với những năm trước”.
Theo Chosun
Tổng thống Yoon bị tố kích động mưu phản, Bộ trưởng Nội vụ Hàn Quốc từ chức 
Phe đối lập Hàn Quốc đòi bắt Tổng thống, phản đối Thủ tướng lãnh đạo chính phủ