Giá cả

Hạt sâm Ngọc Linh hơn 240 triệu đồng/kg, hàng Trung Quốc đổ về chỉ 2,3 triệu

Tâm An 17/09/2023 - 07:37

Hạt sâm Ngọc Linh Việt Nam siêu hiếm, giá lên tới 240 triệu đồng/kg. Trong khi trên thị trường, hàng Trung Quốc đổ bộ giá chỉ 2,3 triệu đồng/kg được nhiều người mua về ngâm rượu.

Những ngày gần đây, trên "chợ mạng" không chỉ có củ sâm, lá sâm hay hoa sâm mà hạt của loại sâm Ngọc Linh cũng được rao bán la liệt với số lượng lớn.

Đáng chú ý, loại hạt sâm Ngọc Linh được nhiều đầu mối rao bán giá chỉ 2,6 triệu đồng/kg với hàng nguyên bông, hạt rời giá 2,3 triệu đồng/kg. Một số đầu mối bán theo hạt, giá 3.000 đồng/hạt.

Đơn cử, một trang chuyên về cây giống ở Hà Nội quảng cáo bán sâm Ngọc Linh theo hạt, cho hay, khách đặt mua combo 50 hạt hoặc 100 hạt sẽ được tặng sách hướng dẫn gieo trồng. Riêng combo 100 hạt sẽ được tặng thêm 10 hạt sâm. Giá bán là 3.000 đồng/hạt.

Hạt sâm Ngọc Linh được rao bán la liệt trên mạng xã hội (Ảnh: NVCC)

Để tăng độ uy tín, chuyên trang cây giống này còn đăng tải hình ảnh các nhà vườn trồng sâm nổi tiếng tại Quảng Nam và Kon Tum. Đồng thời, nhận ship hàng toàn quốc và nhấn mạnh khách lấy sỉ sẽ có giá hấp dẫn hơn.

Tương tự, một đầu mối tên Diệu Linh chuyên đặc sản vùng cao Tây Bắc ở Thanh Xuân (Hà Nội), dịp này cũng liên tục rao bán hạt sâm Ngọc Linh với giá từ 2,3-2,6 triệu đồng/kg tùy loại.

Theo chị Linh, mỗi năm chỉ có một mùa cây sâm Ngọc Linh cho hạt. Loại hạt này khi chín đỏ có vị ngọt và thơm đậm. Do đó, có thể dùng hạt sâm để ngâm rượu dùng, hoặc đem hạt gieo trồng lấy củ và lá.

"Đang vào mùa thu hoạch nên hạt chín đỏ. Khách thường đặt mua 1-2kg về ngâm rượu hoặc hãm nước uống", chị Linh nói. Thế nên, tuần trước chị về được 3 chuyến hàng, ước khoảng 40kg hạt sâm.

Đây được xem là mức giá rẻ khó tin, bởi hạt sâm Ngọc Linh trồng ở Quảng Nam hay Kon Tum thường có giá từ 200-240 triệu đồng/kg, bán theo hạt giá lên tới 100.000 đồng/hạt.

Trao đổi với PV. VietNamNet, anh Nguyễn Văn Tùng - đầu mối bán dược liệu tại Thường Tín (Hà Nội) - khẳng định, hạt sâm Ngọc Linh ở Quảng Nam và Kon Tum có giá siêu đắt đỏ, hàng khan hiếm chứ không rẻ và số lượng nhiều như những người rao bán trên "chợ mạng" hiện nay.

"Các loại sâm Ngọc Linh, lá sâm và hạt sâm bán trên mạng xã hội với giá rẻ đa phần đều là giống sâm Ngọc Linh trồng ở Trung Quốc", anh Tùng nói.

Hạt sâm Trung Quốc giá chỉ 3.000 đồng, trong khi hạt sâm Ngọc Linh Việt Nam giá lên 100.000 đồng/hạt (Ảnh: NVCC).

Cách đây 2 năm, anh Tùng được các đầu mối phía Trung Quốc mời sang thăm vùng trồng sâm của họ ở tỉnh Vân Nam. Vườn trồng rộng bạt ngàn, mật độ trồng dày không khác gì vùng trồng tam thất ở Hà Giang nước ta. Đặc biệt, họ chăm sóc để cây phát triển nhanh nên củ sâm rất mập, 2-3 năm được thu hoạch. Lá sâm, hoa sâm và hạt sâm nhiều.

Nguồn hàng này được các đầu mối chào bán và đưa sang thị trường Việt tiêu thụ rất nhiều, bởi chúng có giá quá rẻ so với sâm Ngọc Linh xịn, anh Tùng nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Đức Lực, Chủ tịch HĐQT Sâm Sâm Group, cho biết, sâm Ngọc Linh trồng khoảng 3-4 năm cây mới ra hoa và đậu quả. Khi đến mùa (tháng 7 đến tháng 9 Dương lịch), mỗi nhánh cây sẽ có một bông hoa. Tuy nhiên, cây sâm Ngọc Linh thường chỉ có một nhánh, rất ít cây có 2-3 nhánh. Thế nên, lượng hạt thu được lại càng ít.

Do vậy, các hộ gia đình và doanh nghiệp trồng sâm Ngọc Linh thường chờ cây ra hoa, đậu quả để khai thác hạt làm giống.

Một bông có thể cho trung bình 20 hạt, khoảng 2.000 hạt được 1kg. Trên thị trường, giá hạt vô cùng đắt đỏ, lên tới 240 triệu đồng/kg. Vậy nên, mùa hoa người dân thường dùng lưới bọc hoa bảo vệ hạt để thu hoạch làm giống, ông cho hay.

Tại tọa đàm "Giải pháp ngăn chặn và xử lý sâm nhập lậu, bảo vệ người trồng sâm Việt Nam" mới đây, cơ quan chức năng các địa phương thừa nhận, củ sâm, hạt sâm, cây giống sâm Trung Quốc đang tràn sang Việt Nam bán với giá rẻ.

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/hat-sam-ngoc-linh-hon-240-trieu-dong-kg-hang-trung-quoc-do-ve-chi-2-3-trieu-2189110.html
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Hạt sâm Ngọc Linh hơn 240 triệu đồng/kg, hàng Trung Quốc đổ về chỉ 2,3 triệu
    POWERED BY ONECMS & INTECH