Hậu Giang trao chứng nhận đầu tư 12 dự án, trị giá 19.000 tỷ đồng
Tại hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư, UBND tỉnh Hậu Giang đã trao quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 12 dự án với tổng mức đầu tư 19.000 tỷ đồng.
Ngày 12/12, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang dự Hội nghị công bố Quy hoạch và xúc tiến đầu tư tỉnh Hậu Giang.
Theo quy hoạch, mục tiêu đến năm 2030, Hậu Giang trở thành tỉnh công nghiệp đạt mức khá của vùng ĐBSCL ; có hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ; có các vùng động lực về kinh tế, công nghiệp, đô thị hiện đại...
Tầm nhìn đến năm 2050, Hậu Giang là tỉnh có trình độ phát triển khá của cả nước, trung tâm sản xuất công nghiệp và logistics của vùng ĐBSCL; các lĩnh vực văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, môi trường sống trong lành, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu.
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Văn Thanh cho hay, nhiệm vụ trọng tâm, đột phá phát triển của địa phương trong thời gian tới chính là “Một tâm, hai tuyến, ba thành, bốn trụ, năm nhiệm vụ trọng tâm”.
Một tâm: Phát triển huyện Châu Thành trở thành trung tâm công nghiệp và đô thị của tỉnh.
Hai tuyến: Phát triển 2 tuyến hành lang động lực là cao tốc Cần Thơ - Cà Mau kết nối với TP.HCM và tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng kết nối với các tỉnh Nam sông Hậu. Hình thành hành lang kinh tế trọng điểm của tỉnh.
Ba thành: Phát triển nâng tầm các trung tâm đô thị của tỉnh, gồm TP. Vị Thanh, TP. Ngã Bảy và thị xã Long Mỹ; trong đó, TP. Vị Thanh là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh.
Bốn trụ cột: Công nghiệp hiện đại, nông nghiệp sinh thái, đô thị thông minh và du lịch chất lượng.
Năm nhiệm vụ trọng tâm: Hoàn thiện thể chế, chính sách; phát triển nguồn nhân lực chất lượng phục vụ các lĩnh vực; cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; hoàn thiện hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông và công nghiệp; phát triển văn hoá - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.
Tại hội nghị, đã có 12 dự án được trao chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư trị giá 19.000 tỷ đồng (Dự án mở rộng Bệnh viện Đa khoa số 10 với tổng mức đầu tư hơn 400 tỷ đồng; Dự án trường phổ thông liên cấp 261 tỷ đồng... ).
Đồng thời, ký kết 8 bản ghi nhớ đầu tư với tổng giá trị 220.000 tỷ đồng cùng 2 biên bản ghi nhớ hợp tác (Dự án kho bãi logistics quy mô 10ha với tổng vốn đầu tư 500 tỷ đồng; Dự án đầu tư nhà máy sản xuất khí công nghiệp quy mô 10ha với tổng vốn 500 tỷ đồng).
Chia sẻ tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang ghi nhận tỉnh Hậu Giang có sự thay đổi lớn, tốc độ tăng trưởng kinh tế xếp thứ hai cả nước (GRDP đạt 12,27%, tăng 2 bậc so với năm 2022, tiếp tục dẫn đầu khu vực ĐBSCL), công trình hạ tầng giao thông đồng bộ...
Phó Thủ tướng cho rằng chưa bao giờ cơ hội đến với Hậu Giang lớn như bây giờ khi tỉnh sẽ là nơi giao thoa của 3 dự án cao tốc lớn qua khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; có đội ngũ cán bộ có khả năng tiếp nối truyền thống, có năng lực đổi mới cách nghĩ, cách làm để tạo sự đột phá; sản lượng nông sản lớn trong khi giá nông sản tăng cao.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã chỉ rõ định hướng phát triển và những nhiệm vụ cần triển khai. Quá trình triển khai phải bảo đảm tuân thủ quy hoạch nhưng không cứng nhắc, bảo đảm đồng bộ với các quy hoạch khác; chú trọng quảng bá quy hoạch đến với người dân và doanh nghiệp để tạo sự đồng thuận, chung tay, góp sức khi triển khai công trình, dự án cụ thể.
>> Hậu Giang sẽ xây hơn 1.500 căn nhà ở xã hội 
Quảng Bình sắp có khu công nghiệp hơn 2.200 tỷ đồng 
Tỉnh nhỏ nhất Việt Nam đón tin vui năm 2025, nhận 1,8 tỷ USD vốn FDI