Hé lộ 6 cú sốc bất ngờ sẽ làm đảo lộn thị trường tài chính toàn cầu năm 2025
Ngân hàng Bank of America đã nêu bật một số kịch bản bất ngờ có thể khiến các nhà đầu tư lo lắng.
Trong một báo cáo gần đây gửi khách hàng, các chiến lược gia tại Bank of America (BofA) đã đưa ra một loạt dự đoán về những sự kiện có thể làm xáo trộn thị trường năm 2025, trong bối cảnh xu hướng tăng giá vẫn chiếm ưu thế.
"Các kịch bản dưới đây không phải là dự báo chính thức của BofA Research, mà là những khả năng có tác động lớn, mang tính đối lập mà chúng tôi tin rằng một số nhà đầu tư có thể chưa tính đến”, các chiến lược gia viết.
Dưới đây là 7 dự đoán bất ngờ mà Bank of America cho rằng có thể xảy ra trong năm nay:
1. S&P 500 tăng hơn 20% năm thứ ba liên tiếp
Chỉ số S&P 500 có thể tăng thêm hơn 20% trong năm 2025, đánh dấu chuỗi tăng dài nhất của chỉ số này kể từ thời kỳ trước bong bóng dot-com.
Phố Wall hiện dự đoán mức tăng trưởng nhẹ hơn cho S&P 500 trong năm nay, sau khi chỉ số này kết thúc năm 2024 với hai năm tăng trưởng hai chữ số liên tiếp. Các nhà dự báo đặt mục tiêu trung bình cho S&P 500 ở mức 6.539 điểm, tương đương mức tăng 8%.
Tuy nhiên, Bank of America  dự báo chỉ số này sẽ kết thúc năm ở mức 6.666 điểm, tăng 14% so với hiện tại.
"Một cuộc bùng nổ năng suất, cắt giảm thuế doanh nghiệp, tăng chi tiêu vốn nhờ giảm quy định, lạm phát kéo dài, dòng vốn thụ động ổn định và thiếu các điểm đến đầu tư hấp dẫn khác có thể thúc đẩy tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ, giúp thị trường tiếp tục tăng 20% trong ba năm liên tiếp”, ngân hàng nhận định.
2. Thuế quan của ông Trump mang lại hiệu quả
Theo Bank of America (BofA), thuế quan của ông Trump có thể giúp giảm thặng dư thương mại của các nước khác với Mỹ. Điều này có thể dẫn đến nhiều lợi ích cho Mỹ, như giảm thâm hụt thương mại, tăng sản xuất, cải thiện tiền lương và tạo thêm việc làm.
Các chiến lược gia cũng cho rằng giá trị đồng USD  so với các đồng tiền khác sẽ là thước đo quan trọng để đánh giá tác động của các chính sách thuế quan này.
"Nếu trong những năm tới, chỉ số USD Index giảm về mức 90, kịch bản này sẽ mang lại các hiệp định thương mại hoặc tiền tệ mới, cùng với hòa bình kinh tế”, báo cáo cho biết.
3. Bộ Hiệu quả Chính phủ kích hoạt làn sóng đầu tư mới
Bộ Hiệu quả Chính phủ (DOGE) dưới sự lãnh đạo của Elon Musk có thể thúc đẩy chi tiêu vốn của doanh nghiệp, nếu việc nâng cao hiệu quả Chính phủ dẫn đến việc cắt giảm quy định.
BofA trích dẫn một ví dụ tại Idaho cách đây vài năm, khi các nhà lập pháp cắt giảm quy định và giúp bang này đạt mức tăng trưởng GDP mạnh nhất nước Mỹ.
Các quyết định của tòa án gần đây, như Loper Bright (loại bỏ học thuyết Chevron) và Corner Post (tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thách thức các quy định cũ), cũng có thể hỗ trợ làn sóng đầu tư này.
"Những thay đổi trong chính sách công có thể xóa bỏ các rào cản lớn đối với đầu tư kinh doanh hiệu quả”, các chiến lược gia nhận định.
4. Trí tuệ nhân tạo hết dữ liệu để huấn luyện
Sự phấn khích đối với AI có thể giảm đi nếu các mô hình AI cạn kiệt dữ liệu để huấn luyện. Theo BofA, các công ty có thể sử dụng hết văn bản do con người tạo ra để huấn luyện mô hình AI vào cuối năm nay, dựa trên một dự đoán từ Epoch AI.
Sự lạc quan của nhà đầu tư với AI cũng có thể bị giảm sút nếu lợi nhuận không duy trì.
"Các công ty điện toán đám mây lớn như AWS và Microsoft được kỳ vọng hưởng lợi từ đầu tư kỷ lục vào AI, với lợi nhuận dự kiến tăng 17% trong 5 năm tới”, báo cáo viết. Tuy nhiên, nếu không có ứng dụng bùng nổ hoặc bằng chứng cho thấy các khoản đầu tư trước đây đang sinh lợi, các ước tính lợi nhuận có thể bắt đầu giảm.
5. Đợt bán tháo trên thị trường trái phiếu
Các nhà đầu tư trái phiếu — đặc biệt là hộ gia đình Mỹ—có thể từ chối mua trái phiếu Chính phủ Mỹ, theo BofA. Điều này còn có thể dẫn đến các đợt bán tháo được dẫn dắt bởi nhóm những người tạm thời ngừng mua trái phiếu để buộc Chính phủ thắt chặt tài chính.
Các nhà đầu tư đã bày tỏ lo ngại về mức nợ đang gia tăng ở Mỹ, với tổng nợ liên bang dự kiến đạt 40 nghìn tỷ USD trong 100 ngày đầu tiên nhiệm kỳ của ông Trump, theo BofA.
6. Internet toàn cầu bị gián đoạn
Thế giới có nguy cơ đối mặt với các đợt sập Internet toàn cầu nếu các cáp ngầm dưới biển bị hỏng. Những cáp này hỗ trợ gần như toàn bộ lưu lượng dữ liệu toàn cầu, bao gồm khoảng 10 nghìn tỷ USD giao dịch tài chính mỗi ngày.
"Một số kết nối đang ở trong tình trạng mong manh như một sợi chỉ”, báo cáo lưu ý, đề cập đến một số sự cố đứt cáp ngầm trong 14 tháng qua. "Cắt nhầm cáp có thể khiến hạ tầng số quan trọng bị 'tắt đèn'. NATO đang nỗ lực kiểm soát chặt chẽ hơn ở khu vực Baltic”, ngân hàng cho biết.
7. Mất điện gây thiệt hại 600 tỷ USD
Các lỗ hổng trong lưới điện khiến Mỹ đối mặt với nguy cơ mất điện ngày càng tăng, có thể khiến giá cả trở nên đắt đỏ hơn. Hiện tại, mất điện khiến Mỹ thiệt hại trung bình 150 tỷ USD mỗi năm, theo BofA dẫn nguồn từ Bộ Năng lượng Mỹ.
"Cơ sở hạ tầng già cỗi cùng với việc bổ sung thêm nhiều năng lượng gió và mặt trời không liên tục có thể làm tăng chi phí mất điện lên gấp 4 lần, từ 5 USD/MWh hiện nay lên 20 USD/MWh trong thập kỷ tới. Một vài cơn bão lớn và tác động tích lũy của quản lý kém có thể gây ra một năm tổn thất 600 tỷ USD do lưới điện yếu kém (tương đương 2% GDP)”, BofA nhận định.
Theo Markets Insider
>> Bank of America: Không phải cắt giảm, Fed thậm chí sẽ tăng lãi suất trong cuộc họp tới 
5 sự kiện ‘thiên nga đen’ được dự đoán sẽ gây đảo lộn thị trường tài chính toàn cầu năm 2025 
Thị trường tài chính Hàn Quốc sau những bất ổn chính trị