Hết thời “quân xanh, quân đỏ” khi đấu giá
Việc Quốc hội vừa thông qua Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản năm 2024 tạo thêm hành lang pháp lý, đồng bộ với hệ thống luật về đất đai mới. Nhiều chuyên gia kỳ vọng, khi Luật có hiệu lực thi hành sẽ khắc phục được những tồn tại, hạn chế trong lĩnh vực này.
Bổ sung nhiều quy định mới
Sau hơn 7 năm Luật Đấu giá tài sản  năm 2016 có hiệu lực thi hành (ngày 1/7/2017) đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Luật đã góp phần quan trọng trong việc hoàn thiện, thống nhất khung pháp lý về đấu giá tài sản, góp phần giải quyết tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn trong hệ thống pháp luật, đảm bảo tính công khai, minh bạch, hiệu quả trong việc xử lý tài sản, đặc biệt là tài sản công...
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Luật Đấu giá tài sản năm 2016 đã phát sinh một số vấn đề hạn chế, bất cập, cần sửa đổi, bổ sung để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn như: pháp luật về đấu giá tài sản còn một số quy định chưa chặt chẽ về trình tự, thủ tục, chưa phù hợp với thực tiễn, gây khó khăn, vướng mắc cho tổ chức đấu giá tài sản, người có tài sản đấu giá và các cá nhân, tổ chức có liên quan; chất lượng của đội ngũ đấu giá viên còn hạn chế, bất cập; chất lượng dịch vụ đấu giá nhìn chung còn chưa có hiệu quả, tình trạng "quân xanh, quân đỏ", "thông đồng, dìm giá" trong các phiên đấu giá ngày càng có xu hướng tinh vi, phức tạp…
Với việc Quốc hội chính thức thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản năm 2016 (Luật Đấu giá tài sản năm 2024), có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025 được coi là sẽ hoàn thiện và đồng bộ khung khổ pháp lý cho hoạt động đấu giá tài sản nói chung, đấu giá quyền sử dụng đất nói riêng.
Đơn cử như việc bổ sung các quy định về năng lực tài chính của người tham gia đấu giá, quy định đặt cọc đấu giá tới việc kiểm soát hoạt động của người tham gia đấu giá sẽ là các quy định “cứng” nhằm ngăn chặn tình trạng nhũng nhiễu, “quân xanh, quân đỏ” trong hoạt động đấu giá tài sản…
Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Hoàng Văn Cường, cho hay, việc công khai thông tin không chỉ dừng ở thông báo đấu giá tài sản, mà còn cả công khai kết quả của cuộc đấu giá, kết quả bán đấu giá của tài sản… trên trang thông tin điện tử về đấu giá tài sản hiện có để thực hiện giám sát, đánh giá chất lượng đấu giá. Hơn nữa, đây cũng là cơ sở dữ liệu tập trung cung cấp thông tin về giá cả thị trường cho cơ quan quản lý Nhà nước để làm căn cứ ra quyết định chính sách, cung cấp thông tin cho các quan hệ giao dịch trên thị trường.
Với quy định xử lý vi phạm đối với người trúng đấu giá không nộp tiền trúng đấu giá, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, có ý kiến đề nghị nghiên cứu chế tài xử lý vi phạm đối với người trúng đấu giá mà không nộp tiền đối với các loại tài sản khác ngoài quyền sử dụng đất và quyền khai thác khoáng sản. Có ý kiến đề nghị người trúng đấu giá phải thanh toán khoản tiền chênh lệch giữa kết quả đấu giá và tiền trúng đấu giá theo kết quả đấu giá được tổ chức lại liền kề sau đó, nếu tiền trúng đấu giá theo kết quả đấu giá lại thấp hơn.
Việc bổ sung quy định cấm người trúng đấu giá đối với những tài sản này tham gia đấu giá trong thời hạn nhất định tùy theo tính chất, mức độ vi phạm nhằm ngăn chặn các hành vi tiêu cực, gây lũng đoạn thị trường, ngăn chặn tình trạng bỏ cọc hoặc thổi phồng giá trị tài sản để trục lợi trong đấu giá tài sản.
Kỳ vọng sẽ xóa khoảng trống trong hoạt động đấu giá tài sản
Nêu quan điểm về Luật Đấu giá tài sản năm 2024, luật sư Nguyễn Hồng Thái - Giám đốc Công ty Luật TNHH Quốc tế Hồng Thái và Đồng nghiệp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, với những sửa đổi, bổ sung như trên, khi Luật Đấu giá tài sản năm 2024 có hiệu lực thi hành được kỳ vọng sẽ khắc phục những tồn tại, bất cập trong hoạt động đấu giá tài sản trong những năm qua.
Trong đó, các hành vi tiêu cực, gây lũng đoạn thị trường như dùng các chiêu trò để dìm giá và nâng giá tài sản sẽ bị ngăn chặn. Từ đó, giảm thiểu tình trạng “đè giá” hoặc nâng giá lên cao bất thường, trúng đấu giá rồi bỏ cọc, cũng như các chiêu trò nhằm trục lợi trong hoạt động đấu giá tài sản.
Luật sư Nguyễn Hồng Thái cho rằng, Luật mới sẽ giúp giảm thiểu tình trạng “quân xanh, quân đỏ”, dìm giá, thổi giá, nhất là trong hoạt động đấu giá tài sản là quyền sử dụng đất có giá trị lớn. Luật cũng nghiêm cấm đấu giá viên, tổ chức hành nghề đấu giá sử dụng tiền đặt trước của người tham gia đấu giá vào bất kỳ mục đích nào khác, cùng hang loạt quy định được bổ sung.
Như vậy, sẽ tăng cường trách nhiệm của đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản. Đây cũng là cơ sở pháp lý để hoạt động đấu giá trực tuyến phát triển, thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin và hoạt động chuyển đổi số trong hoạt động đấu giá, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội. Dư luận cũng kỳ vọng việc Luật Đấu giá tài sản năm 2024 có hiệu lực thi hành sẽ tạo thêm hành lang pháp lý, đồng bộ với hệ thống luật về đất đai mới, từ đó tạo dựng một thị trường phát triển bền vững.
Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, anh Lê Thế Hiệp, người có nhiều năm kinh nghiệm trong hoạt động đấu giá tài sản đánh giá, từ khi Quốc hội thông qua Luật Đấu giá tài sản năm 2024, cùng với sự vào cuộc tích cực của các cơ quan chức năng, tình trạng “quân xanh, quân đỏ” xuất hiện trong các phiên đấu giá giảm rõ rệt, thu hút được nhiều người tham gia đấu giá. Việc này được thể hiện rõ nét trong một số cuộc đấu giá đất gần đây trên địa bàn TP Hà Nội.
Luật Đấu giá tài sản năm 2024 sẽ góp phần thúc đẩy hoạt động đấu giá tài sản phát triển ổn định và bền vững; giúp hoạt động của các DN trong lĩnh vực này ngày càng chuyên nghiệp, hiệu quả, chất lượng. Luật cũng là cơ sở pháp lý để hoạt động đấu giá trực tuyến phát triển, thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin và hoạt động chuyển đổi số trong hoạt động đấu giá, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội.
TS Nguyễn Minh Phong - chuyên gia kinh tế
>> Bộ Tài chính: Bảng giá đất được tiếp tục áp dụng đến hết năm 2025 
Luật Đấu giá tài sản chính thức được thông qua 
Luật Đấu giá tài sản: Sẽ yêu cầu đặt cọc từ 10-20% tiền cọc để tránh tình trạng 'bỏ cọc'