Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam (VABA) cho biết, giá vé trần xây dựng hiện nay đang được xây dựng trên mức giá xăng dầu 80 USD/thùng.
Tại Hội nghị về tình hình và các đề xuất, giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất kinh doanh 6 tháng cuối năm 2022 được Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức sáng nay 27/6 tại Hà Nội, ông Bùi Doãn Nề, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam đã nêu ra hàng loạt khó khăn của ngành hàng không.
Theo ông Nề, thị trường hàng không thế giới phục hồi chậm cùng với đó là những thay đổi về cấu trúc và nhu cầu khiến ngành chịu tác động nhiều bất lợi chưa thể kiểm soát được. Ngoài ra, một phận lao động kỹ thuật, trình độ cao sau 2 năm COVID-19 nghỉ việc gây khó khăn về vấn đề nhân sự.
"Xung đột quốc tế làm tăng phương án nguyên liệu, nhiều tuyến đường bay phải bay vòng dẫn đến chi phí giá tăng. Sự cạnh tranh các đường bay quốc tế ngày một khốc liệt hơn", ông Nề nói.
Trước những khó khăn này, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam đề nghị tiếp tục xem xét giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu về mức 0% giúp cho các doanh nghiệp đỡ khó khăn hơn. Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ thuế phí trước đây thì đề nghị xem xét hỗ trợ đến khi ngành hàng không hồi phục hẳn. Ông Nề ước tính thời điểm vào khoảng tháng 6/2023 hoặc cuối năm 2023.
Sau trình bày của ông Nề, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết có phản ánh hiện tượng ngành hàng không tăng giá vé máy bay bất thường so với chi phí bỏ ra.
"Nhiều ý kiến cho rằng, đi hàng không trong nước còn đắt đỏ hơn cả đi nước ngoài. Chúng ta mở cửa để hút khách du lịch, nhưng nếu chi phí cao có thể khiến khách nội địa đi nước ngoài nhiều hơn", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu vấn đề.
Trả lời vấn đề giá vé máy bay tăng cao, ông Bùi Doãn Nề cho biết, hiện nay giá vé máy bay vẫn được khống chế theo mức giá trần.
"Tính toán phân bổ giá vé của các doanh nghiệp là từ thấp lên đến cao, chạm trần để từ đó khống chế giá trần. Việc xây dựng giá vé trần được thực hiện khi dầu thô ở mức 80 USD/thùng. Hiện giá dầu tăng cao nên các doanh nghiệp hàng không đề nghị xem xét một là nâng giá trần lên, hai là cho chính sách phụ thu", ông Nề cho biết.
Trả lời về giá trần vé máy bay của Việt Nam so với bình quân của quốc tế cao hơn hay thấp hơn? Ông Nề khẳng định mức giá vẫn ở mức cạnh tranh. Tuy nhiên, ông Nề cho biết nếu biến động giá thêm, chúng ta sẽ mất cơ hội cạnh tranh vào tay các hãng bay nước ngoài.
Ông Nề đề xuất tăng cường các tuyến bay vào sáng sớm và ban đêm, qua đó để khách hàng có thể tiếp cận nhiều hơn với giá vé máy bay rẻ, qua đó để tăng cạnh tranh.
Cũng liên quan đến vấn đề giá vé máy bay, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho biết trong chuyến bay có những vé giá thấp và cao. Tuy nhiên, hầu hết những vé máy bay giá thấp đều được bán cho các tour. Song trên thực tế giá vé may cao hơn trước khá nhiều.
Theo ông Bình, để phục hồi thị trường du lịch, các doanh nghiệp du lịch đã nỗ lực rất nhiều, nhiều chi phí dịch vụ giảm, trong khi chi phí về vận tải lại tăng mạnh đặc biệt là giá vé máy bay tăng rất cao, ảnh hưởng tới việc giá tour. Để bán được tour tốt, doanh nghiệp phải cân đối rất nhiều nhưng nếu du lịch và hàng không ngồi lại được với nhau để cùng tính toán mức giá vé phù hợp thì sẽ hỗ trợ rất nhiều trong việc khôi phục lại thị trường du lịch.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, muốn kích cầu du lịch sau đại dịch, các ngành nghề phải ngồi với nha, không thể mạnh ai nấy làm.
ACV phục vụ 109 triệu khách hàng, lợi nhuận trước thuế đạt 11.981 tỷ đồng 
Thành lập Ban chỉ đạo công tác chuẩn bị khai thác cảng hàng không quốc tế Long Thành