Hồi tháng 3/2023, Hoà Bình (HBC) từng bày tỏ mong muốn được cấn trừ nợ bằng bất động sản khi hàng loạt nhà thầu phụ đòi ngưng thi công do không được thanh toán.
Thông tin mới nhất từ Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình (HBC), đến ngày 23/6/2023, đã có 89 nhà cung cấp và nhà thầu phụ của Hoà Bình đồng ý cấn trừ nợ bằng cổ phiếu với giá trị 650 tỷ đồng.
Hồi tháng 3/2023, trước việc hàng loạt nhà thầu phụ đòi ngưng thi công do không được thanh toán nợ, Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình đã có văn bản gửi các nhà thầu mong muốn được trả nợ bằng bất động sản. “Hòa Bình sẵn sàng xác nhận công nợ đối với các nhà thầu phụ để tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc các nhà thầu phụ vay vốn ngân hàng. Bằng tất cả thiện chí và với những nỗ lực cao nhất, chúng tôi hy vọng có thể giải quyết mọi vấn đề theo hướng tốt nhất cho các nhà thầu phụ”, Chủ tịch Hòa Bình Lê Viết Hải cam kết.
Tại thư gửi cổ đông mới đây, ông Lê Viết Hải chia sẻ " Trong giông bão, Hòa Bình lùi lại một bước để làm mới bản thân bằng chiến lược tái cấu trúc toàn diện với quyết tâm đưa Hòa Bình vượt qua thách thức và dần ổn định để tiếp tục phát triển và khôi phục vị thế vốn có của mình”.
Chủ tịch HBC khẳng định khi hoàn tất việc định giá lại tài sản, phát hành cổ phiếu cho cổ đông chiến lược và thành công trong việc hoàn nhập nợ ngắn hạn phải thu khó đòi lũy kế lên đến 2.059 tỷ đồng thì vốn chủ sở hữu của Hòa Bình không những sẽ trở lại như cũ mà còn cao hơn nhiều so với những năm trước.
Với nguyên tắc chung là rất thận trọng, đơn vị kiểm toán đã căn cứ vào tuổi nợ để xác định giá trị trích lập dự phòng nói trên. Thực tế trong suốt lịch sử kinh doanh của mình, Hòa Bình chưa hề xoá bất cứ một khoản nợ nào. Hầu hết các khoản nợ đã từng trích lập trước đây đều đã được hoàn nhập.
Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình chính thức khởi công dự án gần nghìn tỷ tại Đà Nẵng 
Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC) chậm đóng 14 tháng BHXH cho người lao động