Công ty Cổ phần Thuận Thảo đang nợ tiền thuế gần 185 tỷ đồng, vượt quá 90 ngày kể từ hạn nộp theo quy định.
Chiều ngày 30/5, ông Công Văn Lãnh, Phó Cục trưởng Cục Thuế Phú Yên, thông báo rằng cơ quan này đã quyết định tạm hoãn xuất cảnh đối với bà Võ Thị Thanh, người đại diện theo pháp luật của Công ty Cổ phần Thuận Thảo.
Quyết định này được đưa ra do Công ty Cổ phần Thuận Thảo đang nợ tiền thuế gần 185 tỷ đồng, vượt quá 90 ngày kể từ hạn nộp theo quy định. Trước đó, vào ngày 11/3, Cục Thuế Phú Yên đã thực hiện biện pháp cưỡng chế thuế bằng cách ngừng sử dụng hóa đơn của công ty, nhưng doanh nghiệp này vẫn chưa trả nợ thuế. Vì vậy, bà Võ Thị Thanh, với tư cách là người đại diện theo pháp luật, đã bị tạm hoãn xuất cảnh theo quy định pháp luật.
Công văn đề nghị tạm hoãn xuất cảnh đối với bà Thanh cũng đã được gửi đến Công an tỉnh Phú Yên.
Bà Võ Thị Thanh bị tạm hoãn xuất cảnh |
Bà Võ Thị Thanh, sinh năm 1955 tại xã Hòa Thắng, huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên, từng là một nữ doanh nhân nổi tiếng, được biết tới là "bông hồng vàng" của tỉnh Phú Yên. Bà tốt nghiệp Đại học Văn khoa tại Sài Gòn và khởi nghiệp từ một tổng đại lý phân phối hàng hóa trong những năm 1985-1996, chủ yếu trong lĩnh vực vận tải và thương mại. Tháng 1/1997, bà Thanh thành lập doanh nghiệp Vận tải và Thương mại Thuận Thảo với 5 xe tải và sau đó phát triển thành một siêu thị mini vào năm 2000.
Từ năm 2006 đến 2011, bà Võ Thị Thanh liên tục nhận được giải thưởng Nữ doanh nhân Việt Nam tiêu biểu - cúp Bông hồng vàng nhờ những thành công trong hoạt động kinh doanh. Công ty Thuận Thảo nhanh chóng phát triển, trở thành biểu tượng của tỉnh Phú Yên với nhiều dự án nổi tiếng như Resort & Spa Golden Beach, khu vui chơi giải trí Thuận Thảo, khách sạn 5 sao Cendeluxe và nhà hát Sao Mai.
Năm 2011, Thuận Thảo thành lập công ty Thuận Thảo Nam Sài Gòn để thực hiện các dự án bất động sản tại huyện Bình Chánh, TP.HCM. Công ty đã được UBND TP.HCM phê duyệt làm chủ đầu tư dự án Khu nhà ở xã hội Tây Sài Gòn. Tuy nhiên, cú chuyển hướng sang bất động sản đã khiến doanh nghiệp của bà Thanh rơi vào tình trạng nợ nần, thua lỗ lớn.
Khách sạn 5 sao CenDeluxe, từng được coi là tòa nhà biểu tượng của Phú Yên. Ảnh: ITN |
>> Vĩnh Phúc: Loạt 'sếp' doanh nghiệp bị tạm hoãn xuất cảnh 
Trong bối cảnh du lịch Tuy Hòa chưa phát triển, thị trường bất động sản bước vào thời kỳ khủng hoảng khiến Thuận Thảo Nam Sài Gòn phải vay nợ ngân hàng và đối tác để phát triển dự án. Công ty Thuận Thảo không còn khả năng trả nợ, dẫn đến hàng loạt tài sản ở Phú Yên bị kê biên, phát mãi.
Hiện tại, Thuận Thảo đang gánh khối tài sản bất động sản xuống cấp trầm trọng nhưng không có nguồn vốn để nâng cấp. Một số dự án như khu du lịch sinh thái và khách sạn 5 sao đã được xây dựng hiện đại nhưng không phù hợp với thực tế địa phương, dẫn đến doanh thu thấp. Tài sản của công ty bị kê biên, phát mãi để trả nợ.
Điển hình, khách sạn 5 sao Cendeluxe (TP Tuy Hòa, Phú Yên) đã bị kê biên, phát mãi từ định giá ban đầu gần 500 tỷ đồng, sau 18 lần giảm giá còn hơn 202 tỷ đồng nhưng vẫn không có người mua. Khu Resort Thuận Thảo được bán với giá 42 tỷ đồng sau 5 lần tổ chức bán đấu giá và 4 lần giảm giá. Khu mở rộng Trung tâm Hội nghị - triển lãm - dịch vụ du lịch Thuận Thảo cũng được bán gần 31 tỷ đồng sau 15 lần tổ chức bán đấu giá.
Tình hình kinh doanh của Thuận Thảo qua các năm |
Theo báo cáo tài chính gần nhất, tính đến tháng 9/2020, lỗ lũy kế của Thuận Thảo đã vượt 1.500 tỷ đồng. Công ty cũng ghi nhận khoản nợ phải trả hơn 1.746 tỷ đồng, trong khi tài sản ngắn hạn chỉ còn vỏn vẹn 10 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu âm 1.075 tỷ đồng.
Ngày 30/6/2010, cổ phiếu GTT của Thuận Thảo được niêm yết trên sàn HoSE với giá khởi điểm 20.000 đồng/cp, nhưng sau đó tụt dốc xuống mức 3.900 đồng/cp vào ngày 30/11/2012 và tăng lên 15.500 đồng/cp vào ngày 24/1/2014. Năm 2014, Thuận Thảo bắt đầu thua lỗ và giá cổ phiếu GTT lao dốc không phanh. Đến ngày 30/5/2016, GTT bị hủy niêm yết bắt buộc trên HoSE và chuyển sang giao dịch trên sàn UPCoM do lỗ lũy kế vượt quá vốn điều lệ thực góp.
Đến 7/6/2020, GTT giao dịch trở lại trên UPCoM, giá đóng cửa phiên chào sàn 800 đồng/cp. Sau đó, cổ phiếu này còn bị đưa vào diện hạn chế giao dịch. Đến ngày 15/12/2023, cổ phiếu GTT bị đình chỉ giao dịch do các tổ chức giao dịch chưa công bố BCTC đã được kiểm toán từ 3 năm tài chính liên tiếp trở lên, giá của GTT chỉ còn 300 đồng/cp.
>> Thêm một sếp lớn doanh nghiệp Thanh Hoá bị tạm hoãn xuất cảnh 
Vĩnh Phúc: Loạt 'sếp' doanh nghiệp bị tạm hoãn xuất cảnh 
Thêm một sếp lớn doanh nghiệp Thanh Hoá bị tạm hoãn xuất cảnh