Được ví như ‘hoàng cung’, hang động này nằm trong lòng một quần thể núi đá vôi ở độ cao 191m, bao quanh là cánh rừng nguyên sinh hoang sơ.
Với những người yêu thích trải nghiệm hang động, Sơn Đoòng  là địa điểm nổi danh nhất và không ít người mong ước một lần được trải nghiệm, khám phá. Tuy nhiên, có một hệ thống hang động khác ở tỉnh Quảng Bình cũng hấp dẫn không kém với du khách là động Thiên Đường.
Động Thiên Đường, hay hang Thiên Đường cách Hà Nội hơn 500km, cách thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình hơn 60km về hướng Tây Bắc và chỉ cách đường Hồ Chí Minh có hơn 4km. Đường đến Động Thiên Đường phải đi qua khu vực vào động Phong Nha khoảng hơn 20km, thuộc xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch. Động Thiên Đường nằm trong vùng lõi của Di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha- Kẻ Bàng, có niên đại hình thành cách đây khoảng 350 đến 400 triệu năm.
Được mệnh danh là “mê cung trong lòng đất”, động Thiên Đường nằm trong lòng một quần thể núi đá vôi ở độ cao 191m, bao quanh là cánh rừng nguyên sinh hoang sơ. Có chiều dài lên tới 31,4km, chiều rộng khoảng 30-100m, độ sâu vào khoảng 60-80m, động Thiên Đường được các chuyên gia hang động thuộc Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh phát hiện vào năm 2005 và được công nhận là hang động khô dài nhất châu Á.
Vẻ đẹp của động Thiên Đường từ lâu đã nhiều tạp chí nổi tiếng khắp thế giới như CNN, Channel News Asia… ca ngợi. Động Thiên Đường có cấu trúc kỳ vĩ, tráng lệ được tạo nên bởi sự kết hợp giữa ánh sáng tự nhiên từ giếng trời với các nhũ đá ngàn năm tuổi với hình thù đa dạng.
Chính nhờ sự kết hợp độc đáo đó, cảnh đẹp tại động Thiên Đường được các chuyên gia đánh giá, công nhận như thiên đường giữa chốn trần gian. Đây cũng là lý do động Thiên Đường hấp dẫn, thu hút hàng nghìn du khách trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm và cảm nhận vẻ đẹp cho dù phải trải qua một quãng đường khá xa và gập ghềnh mới đến được khu vực động.
Hang Thiên Đường có cửa vào hang nhỏ, độ dốc vừa phải. Sau khi đi hết cửa hang, du khách sẽ đến khu nền động có chiều dài khoảng 15m, nơi có nhiều hạt thạch nhũ bao quanh. Khi vào đến động chính, du khách sẽ được trải nghiệm không gian động vô cùng lớn với bề rộng lên tới 200m, vòm động cao, rộng.
Thời điểm lý tưởng nhất để tham quan động Thiên Đường là khoảng từ đầu tháng 4 tới cuối tháng 8 bởi lúc này đang là mùa khô, tiết trời khô ráo, thuận tiện cho việc di chuyển và trải nghiệm vẻ đẹp của động Thiên Đường.
Vì nằm dưới dòng đất, còn có thêm suối ngầm, nhiệt độ trong hang cực kỳ mát mẻ, chỉ từ 20-21 độ C, trái ngược hoàn toàn so với cái nóng oi bức mùa hè ở bên ngoài. Là động khô dài nhất châu Á, xuyên suốt chiều dài của động là hệ thống cầu gỗ nhân tạo dài 1.000m giúp du khách có thể khám phá hầu hết các điểm đặc sắc nhất trong hệ thống hang động nơi đây.
Ấn tượng đầu tiên của các du khách tới khám phá hang động này là vẻ đẹp tráng lệ, lung linh của các nhũ đá, măng đá nghìn năm tuổi được hình thành một cách tự nhiên, tạo thành những hình thù kỳ lạ nhưng lại hòa hợp tạo nên những khối hình dạng vô cùng đẹp.
Không những thế, các hình khối này lại phản chiếu ánh sáng mặt trời tạo nên những mảng màu sắc khác nhau, khiến cho du khách cảm giác như bước vào chốn bồng lai, tiên cảnh. Ngoài vẻ đẹp của những nhũ đá, động Thiên Đường còn có hệ thống suối ngầm  vô cùng ấn tượng. Du khách có thể thuê thuyền kayak để chèo dọc theo con suối.
Hành trình vượt suối được nhiều người đánh giá là thú vị nhất trong hành trình khám phá động Thiên Đường. Dưới sự hướng dẫn của chuyên viên chèo thuyền, du khách có thể an tâm ngắm cảnh, tận hưởng tuyệt tác vòm hang với các khối thạch nhũ lấp lánh ngay phía trên đầu.
Sau khi vượt qua suối ngầm, chỉ cần chinh phục thêm một đoạn nữa, du khách sẽ đến giếng trời - địa điểm để chiêm ngưỡng và checkin ấn tượng nhất khi đến động Thiên Đường. Nơi đây có cột ánh sáng chiếu thẳng từ trên trời xuống đáy động, tạo ra ánh sáng đẹp rực rỡ.
Nhiều du khách thích chinh phục giếng trời động Thiên Đường bởi nơi đây mang nét đẹp của sự giao hòa giữa Trời và Đất, tạo nên một tuyệt tác, xứng danh với tên gọi “tiên cảnh trần gian”.
Một điều thú vị là mặc dù sở hữu cấu trúc choáng ngợp như vậy nhưng 'hoàng cung' này nằm tại tỉnh hẹp nhất Việt Nam. Cụ thể, tỉnh Quảng Bình có diện tích 8.065,3km², nằm ở nơi hẹp nhất theo chiều Đông - Tây của nước ta (50km theo đường ngắn nhất tính từ biên giới Lào ra biển Đông). Quảng Bình giáp Hà Tĩnh về phía Bắc với dãy Hoành Sơn là ranh giới tự nhiên; giáp Quảng Trị về phía Nam; giáp Biển Đông về phía Đông; phía Tây là tỉnh Khăm Muộn và Tây Nam là tỉnh Savannakhet của Lào với dãy Trường Sơn là biên giới tự nhiên.