Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Trung gặp nhiều trở lực lớn
Hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ diễn ra trong bối cảnh môi trường địa chính trị ngày càng xấu đi.
Một năm sau cuộc gặp tại Indonesia, hai nhà lãnh đạo Tập Cận Bình và Joe Biden sẽ gặp mặt nhau một lần nữa vào thứ Tư tuần này tại San Francisco nhằm tìm cách ổn định quan hệ song phương giữa lúc bầu không khí địa chính trị ngày càng căng thẳng.
Cuộc họp, có thể kéo dài vài giờ, là đỉnh điểm của nhiều tháng đối thoại cấp thấp hơn diễn ra trong suốt mùa hè vừa qua, với việc chính quyền Washington cử hàng loạt quan chức cấp bộ trưởng tới Bắc Kinh.
Việc nhà lãnh đạo Trung Quốc thăm Mỹ lần đầu tiên sau 6 năm thể hiện thiện chí nào đó từ phía Trung Quốc. Trong số các cam kết khác, ông Tập dự kiến sẽ phát biểu tại bữa tối do Ủy ban Quốc gia về Quan hệ Mỹ-Trung và Hội đồng Doanh nghiệp Mỹ-Trung tổ chức, vé tham dự sự kiện có giá khởi điểm là 2.000 USD.
Bài phát biểu của ông Tập trước cộng đồng doanh nghiệp Mỹ-Trung sẽ nhấn mạnh sự quan tâm của Chủ tịch Trung Quốc trong việc thu hút các doanh nghiệp nước ngoài quay trở lại nước này.
Nhiều doanh nhân Mỹ trước đó đã tìm cách "tháo chạy" khỏi thị trường Trung Quốc do chính sách chống dịch COVID-19 nghiêm ngặt, kèm theo đó là việc chính quyền Bắc Kinh tìm cách kiểm soát các công ty tư vấn nước ngoài. Chính phủ Mỹ ngược lại cũng hạn chế các doanh nghiệp làm ăn với Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ cao.
Các hạn chế sâu rộng đối với việc xuất khẩu công nghệ tiên tiến sang Trung Quốc sẽ có hiệu lực vào ngày 16/11, một ngày sau cuộc gặp của ông Tập với Tổng thống Biden.
Shen Dingli, một học giả quan hệ quốc tế ở Thượng Hải, cho biết: “Về vấn đề chuỗi cung ứng, nếu Mỹ tiếp tục hạn chế nguồn cung chip cao cấp của Trung Quốc, điều đó chắc chắn sẽ có tác động tiêu cực đến sự phát triển ngành công nghiệp điện tử của Trung Quốc”.
Các nhà phân tích ở cả hai bờ Thái Bình Dương đã chỉ trích hàng rào thuế quan đối với khoảng 370 tỷ USD hàng nhập khẩu Trung Quốc do chính quyền cựu Tổng thống Trump áp đặt vẫn chưa được chính quyền hiện tại của ông Joe Biden dỡ bỏ.
Một trở lực khác trước thềm thượng đỉnh Mỹ-Trung đó là hàng loạt các cuộc xung đột tại Ukraine và Israel.
Isaac Stone Fish, người sáng lập Strategy Risks, một công ty dữ liệu tập trung vào Trung Quốc, nhận định "vấn đề chính trị của Bắc Kinh quan trọng hơn vấn đề kinh tế của nước này”, đồng thời nói thêm rằng các cuộc chiến ở Ukraine và Dải Gaza “nói chung có lợi cho Bắc Kinh”.
Theo vị chuyên gia, việc chính quyền Bắc Kinh từ chối lên án Hamas về vụ bạo lực mới nhất ở Israel và Palestine đã khiến các nhà lãnh đạo phương Tây thất vọng và nhấn mạnh lý do tại sao “Trung Quốc đặt ra mối đe dọa lớn nhất đối với lợi ích toàn cầu của Mỹ”.
Tuy nhiên, quan hệ song phương dường như đã ổn định kể từ vụ việc Mỹ bắn rơi khinh khí cầu do thám của Trung Quốc trên vùng trời bang Nam Carolina. Khinh khí cầu sau đó được xác định là chưa gửi thông tin tình báo về Trung Quốc, nhưng quy mô của cuộc khủng hoảng quan hệ Mỹ-Trung do vụ việc gây ra đã khiến nhiều nhà quan sát cảnh giác.
Trong tháng này, Mỹ và Trung Quốc đã tổ chức các cuộc đàm phán về kiểm soát vũ khí và không phổ biến vũ khí hạt nhân lần đầu tiên kể từ thời chính quyền Obama. Bộ Ngoại giao Mỹ mô tả các cuộc đàm phán là “thẳng thắn” và “mang tính xây dựng”, khi các quan chức thảo luận cách đảm bảo rằng cạnh tranh kinh tế và sự bất đồng về một loạt chủ đề, bao gồm cả Đài Loan, không dẫn đến xung đột.
Theo Bộ sinh thái và môi trường Trung Quốc, các đặc phái viên về khí hậu của Mỹ và Trung Quốc gần đây cũng đã tổ chức các cuộc đàm phán tại California, dẫn đến “kết quả tích cực”. Thông tin chi tiết về thỏa thuận khí hậu mới giữa Mỹ và Trung Quốc dự kiến sẽ xuất hiện tại hội nghị thượng đỉnh APEC.
Và Trung Quốc và Mỹ, cùng với Vương quốc Anh, EU và Australia, gần đây là những bên đồng ký kết “tuyên bố Bletchley” về những rủi ro do AI biên giới gây ra.
Nhưng từ góc nhìn của Bắc Kinh, điểm mấu chốt trong mối quan hệ Mỹ-Trung vẫn giống như một năm trước: vấn đề Đài Loan. Tổng thống Biden đã tỏ ra mạnh mẽ hơn người tiền nhiệm trong việc ủng hộ chính quyền tại Đài Bắc.
Năm ngoái, ông Biden nói rằng Mỹ sẽ cử lực lượng vũ trang tới bảo vệ Đài Loan trong trường hợp xảy ra “một cuộc tấn công chưa từng có” từ Trung Quốc, bình luận bị Bắc Kinh lên án.
Jude Blanchette, chuyên gia Nghiên cứu Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, cho biết: “Bắc Kinh không thấy có nhiều cơ hội để thay đổi căn bản tiến trình quan hệ Mỹ-Trung”.
Nhưng với các cuộc bầu cử sắp diễn ra ở cả Đài Loan và Mỹ, đây có thể là cơ hội cuối cùng để Bắc Kinh thuyết phục chính quyền Biden trước một năm đầy biến động như 2024.
Quan hệ Trung - Mỹ: Nhìn hoa đoán ý 
Những toan tính phía sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Trung