Hơn 700 ngôi nhà ngập trắng, dân mang lợn lên đê dựng lán chăn nuôi
Mưa lớn khiến nước sông Lèn dâng cao, hơn 700 ngôi nhà của xã Yến Sơn và thị trấn Hà Trung ngập trong biển nước, người dân phải dựng lán tạm trên đê để đồ đạc, nuôi gia súc.
Tại xã Yến Sơn (huyện Hà Trung, Thanh Hóa), có hai thôn Chuế Cầu và Bình Lâm với 513 hộ dân bị ngập nước. Tại thị trấn Hà Trung, tiểu khu Tương Lạc cũng có hơn 200 hộ dân bị ngập sâu  từ 1 đến 1,6m, khiến các hộ này đang phải sống trong cảnh cô lập.
Bà Đinh Thị Mai (SN 1956), cư dân tại tiểu khu Tương Lạc, cho biết đây là lần đầu tiên trong gần chục năm qua, người dân mới chứng kiến cảnh nước lụt cao như vậy.
“Nước bắt đầu tràn vào nhà từ sáng 23/9 và dâng nhanh trong buổi chiều. Vợ chồng tôi phải gọi anh em đến giúp kê đồ đạc lên cao. Đến tối, nước vẫn tiếp tục lên, chúng tôi không dám ngủ, phải canh để chủ động sơ tán,” bà Mai chia sẻ.
Theo bà, nước sông Lèn năm nay tràn vào nhà vẫn chưa đạt đỉnh so với các năm 2007 và 2017. Hiện tại, mực nước còn thấp hơn khoảng 0,5m so với những năm trước. Hiện nước đã rút được khoảng 20cm, gia đình bà đã bắt đầu dọn dẹp vệ sinh.
Gia đình anh Lê Văn Dũng (SN 1994) ở thôn Chuế Cầu, xã Yến Sơn, cho biết nước sông dâng nhanh khiến anh không kịp trở tay.
Chiều qua, khi thấy nước dâng bất thường, anh đã nhanh chóng kê đồ đạc lên cao và đưa đàn lợn (hơn 30 con) lên bờ đê để làm lán chăn nuôi tạm. Do không kịp di chuyển, nhà anh cũng bị chết hơn 30 con gà, mỗi con nặng hơn 2kg.
“Nhà tôi đã làm lán cho lợn sống tạm trên đê được 2 ngày nay. Hiện nước rút chậm, dự kiến phải mất cả tuần mới rút hết. Với tình hình này, nguy cơ đàn lợn của gia đình tôi sẽ bị ốm và chết rất cao,” anh Dũng chia sẻ.
Cũng như gia đình anh Dũng, các hộ dân ở thôn Chuế Cầu đã mang đồ đạc lên đê để trú tránh nhằm giảm thiểu thiệt hại tài sản.
Ông Nguyễn Văn Long, Phó Chủ tịch UBND huyện Hà Trung, cho biết sau khi nắm bắt tình hình xả lũ và dự báo mực nước sông Lèn dâng cao, chính quyền địa phương đã huy động lực lượng dân quân tự vệ, công an và quân đội để hỗ trợ di dời người dân trong vùng ảnh hưởng đến nơi an toàn ngay từ sáng 22/9.
“Chúng tôi đã chủ động hỗ trợ di dời tài sản và thực hiện các phương án nhằm đảm bảo người dân không phải chịu đói khổ. Huyện cũng đã lên kế hoạch khắc phục hậu quả sau lũ, nước rút tới đâu sẽ dọn dẹp vệ sinh tới đó để tránh phát sinh mầm bệnh,” ông Long cho biết.
Nước ngập trắng đồng ở Chương Mỹ, 100 cảnh sát gặt lúa giúp dân 
Khu rừng mọc ngược từ đáy hồ sâu 30m được 'kiến tạo' từ vụ sạt lở phá hủy 700 ngôi nhà