Hòn đảo gần 80km² xa xôi và cô độc nhất thế giới, chỉ vọn vẹn gần 300 cư dân và đều có mối liên hệ mật thiết với nhau
Hòn đảo Tristan da Cunha của Anh được biết đến là nơi có người ở xa nhất trên thế giới.
Tristan da Cunha là lãnh thổ hải ngoại của Anh, nằm trên một hòn đảo  có núi lửa đang hoạt động ở phía nam Đại Tây Dương, khoảng giữa Nam Phi và Nam Mỹ. Đảo cách khu vực đất liền gần nhất, thành phố Cape Town của Nam Phi hơn 2.700km.
Tristan da Cunha là nơi có người ở xa xôi, hẻo lánh nhất thế giới. Mỗi năm có khoảng 60 chuyến tàu tới đây và thời gian di chuyển là 6 ngày. Từ tháng 5 đến tháng 9 là mùa mưa bão, vì vậy rất ít thuyền cập bến.
Tristan da Cunha thực tế là một quần đảo có diện tích 104km², nhưng chỉ đảo chính mới có người sinh sống. Đảo chính mang hình dạng gần tròn, đường kính trung bình vào khoảng 10km và tổng diện tích khoảng 78km², song chỉ có 5km² trong số đó có địa hình bằng phẳng. Đây chính là nơi sinh sống của gần 300 cư dân trên đảo.
Tristan da Cunha được Đô đốc Tristan da Cunha, người Bồ Đào Nha khám phá năm 1506. Bắt đầu từ năm 1816, con người mới đặt chân lên đảo sinh sống và dân số được tăng thêm bởi một vài người sống sót trong một vụ đắm tàu vào năm 1856, nâng tổng số dân trên đảo lên 71 người. Nhưng sau đó lại giảm do nạn đói hoành hành.
Năm 1961, một phần lớn dân cư trên đảo đã được di cư sang Anh sau một trận phun trào núi lửa. Khi hòn đảo yên bình trở lại, cư dân bắt đầu quay trở về. Hiện tại, đảo có 297 người sinh sống, mang 7 dòng họ và mọi người dân trên đảo đều có mối liên hệ mật thiết với nhau.
Thị trấn duy nhất của Tristan da Cunha - Edinburgh of the Seven Seas - được xây dựng trên nền đất bằng phẳng cách đỉnh của ngọn núi lửa  Queen Mary hơn 2.000m trên đảo chính Tristan. Tên của thị trấn Edinburgh được đặt sau chuyến thăm hòn đảo này của Công tước đệ nhất của vùng Edinburg những năm 1800, nhưng các cư dân ở đây quen gọi là The Settlement.
Dân đảo Tristan đều là nông dân. Họ tự nuôi trồng, câu cá. Đất đai thuộc sở hữu chung, nhưng mỗi gia đình đều có một khoảnh đất để trồng khoai tây. Họ chăn nuôi gia súc và đánh bắt hải sản, đặc biệt là tôm đất và tôm biển là nguồn thu nhập chính cả dân đảo. Hai loại hải sản này thậm chí còn xuất hiện trên lá cờ của đảo Tristan.
Bên cạnh đó, cư dân nơi đây còn làm đồ thủ công, trồng khoai tây để đảm bảo cho cuộc sống hằng ngày. Ngoài ra, họ còn kiếm tiền bằng cách bán những con tem bưu chính hiếm hoi trên đảo cho những nhà sưu tập trên toàn thế giới.
Vì hoàn toàn cô lập với phần còn lại của thế giới, phương tiện duy nhất đến hòn đảo là bằng tàu thuyền, nên chỉ những du khách thực sự táo bạo và ưa mạo hiểm mới dám tới. Do đó mà phong cảnh nơi đây còn nguyên vẻ hoang sơ với những sườn dốc thoải và các thung lũng hẹp kéo dài từ đỉnh núi xuống bờ biển, được hình thành sau những trận phun trào của núi lửa trước đây. Đây là vùng đất hội tụ các loài sinh vật không tìm thấy trên thế giới, nổi tiếng với loài chim không biết bay nhỏ nhất thế giới.
Ngoại trừ đảo chính, các đảo khác chỉ có nhân viên trạm thời tiết sinh sống, có lẽ hòn đảo sẽ trở nên đông đúc hơn vào ngày 5/12/2048. Tính toán cho thấy quần đảo này là nơi quan sát được nhật thực toàn phần gần 3,5 phút. Điều này hứa hẹn thu hút nhiều người đam mê thiên văn học đến đảo.