Hưng Thịnh, NVL, SZC gửi kiến nghị mới về loạt dự án trọng điểm tại Bà Rịa - Vũng Tàu
Hưng Thịnh, Novaland (NVL), Sonadezi Châu Đức (SZC) có buổi làm việc với lãnh đạo Bà Rịa - Vũng Tàu để chia sẻ những vướng mắc trong quá trình đầu tư triển khai dự án.
Mới đây, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã tổ chức hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với các doanh nghiệp, nhà đầu tư. Buổi làm việc đã ghi nhận nhiều kiến nghị liên quan đến các dự án bất động sản của những doanh nghiệp lớn như Hưng Thịnh, Novaland, Sonadezi Châu Đức...
Novaland - dự án NovaWorld Hồ Tràm
Bà Võ Thị Cao Ly, Giám đốc Phát triển Dự án của CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland, mã chứng khoán: NVL ) cho biết, thời gian qua doanh nghiệp đã được tổ công tác 997 tháo gỡ các vướng mắc pháp lý và được cấp phép xây dựng nhiều hạng mục công trình ở khu vực Hồ Tràm.
Vừa qua các luật mới đã chính thức có hiệu lực, qua rà soát các luật, phía Novaland cho biết nhà ở công trình xây dựng phải nằm trong dự án bất động sản đã được cơ quan nhà nước chấp thuận, đồng thời trong nội dung dự án được chấp thuận có mục đích đầu tư xây dựng nhà ở để bán, cho thuê mua.
Sắp tới đối với việc chấp thuận dự án mới, Novaland nhận thấy chưa có quy định cụ thể về mục tiêu này, do đó doanh nghiệp kiến nghị tỉnh hướng dẫn các nhà đầu tư trên địa bàn có mục tiêu đầu tư dự án, minh bạch hóa thị trường bất động sản.
Bên cạnh đó, Novaland có nhu cầu thuê môi trường rừng để khai thác tiềm năng du lịch sinh thái ven biển Hồ Tràm. Vừa qua Nghị định 91 đã được ban hành thay thế cho Nghị định 156, Novaland kiến nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn hỗ trợ các hồ sơ đã nộp để đẩy nhanh tiến trình thuê môi trường rừng.
Trước vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Dương Thái Hiền cho biết, việc cho dự án bất động sản được kinh doanh liên quan đến công tác quy hoạch, đất đai... Sở ghi nhận và sẽ tham mưu cho tỉnh trong thời gian tới những dự án có khả năng kinh doanh bất động sản để có thể cấp phép cho nhà đầu tư thực hiện.
Dự án NovaWorld Hồ Tràm |
Dự án NOXH của Sonadezi Châu Đức
Đại diện CTCP Sonadezi Châu Đức (mã chứng khoán: SZC ) cho biết, dự án Khu dân cư Hữu Phước của doanh nghiệp nằm trong 20% diện tích xây dựng NOXH (5ha, 1.200 căn hộ) hiện đã triển khai giai đoạn 1 với 250 căn hộ, đã xây dựng gần xong phần thô, chuẩn bị triển khai công tác bán hàng cho người lao động.
Tuy nhiên, dự án này không được hưởng quy chế như NOXH và không nằm trong diện được vay gói tín dụng 120.000 tỷ đồng của Nhà nước. Vấn đề này đã được báo cáo lãnh đạo tỉnh, hỏi ý kiến Bộ Xây dựng song chưa có kết quả, dẫn đến SZC không thể tiếp cận được nguồn vay ưu đãi, các khách hàng là người lao động, thu nhập thấp sau này cũng sẽ không được hưởng ưu đãi như NOXH. Do đó, SZC kiến nghị tỉnh giải quyết để những dự án tương tự được hưởng ưu đãi này.
Theo đại diện Sở Xây dựng, liên quan đến dự án này, qua các quy định của Bộ Xây dựng có thể hiểu rằng, dự án NOXH độc lập sẽ được hưởng ưu đãi gói tín dụng 120.000 tỷ đồng. Còn dự án của SZC nằm trong dự án nhà ở thương mại, bắt buộc thực hiện theo quy định mà không được hưởng ưu đãi.
Thời gian tới Sở sẽ hỏi Bộ Xây dựng cụ thể hơn, vì Sở có đồng ý thì kể cả doanh nghiệp ra ngân hàng cũng không được vay, đây là một vướng mắc mà Sở đang cố gắng tháo gỡ.
5 dự án của Tập đoàn Hưng Thịnh
Đại diện Tập đoàn Hưng Thịnh cho biết, doanh nghiệp đang triển khai một dự án trọng điểm là Sân golf và Dịch vụ Hương Sen với diện tích 83,6ha, được chấp thuận nhà đầu tư từ những năm 2008.
Năm 2019, Hưng Thịnh đã hoàn tất bồi thường mặt bằng, sau đó doanh nghiệp đã xin điều chỉnh quy mô nhiều lần nhưng bị vướng do Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ đề xuất cho thuê 55,9ha phần diện tích đã bồi thường cho người dân. Còn lại 27,7ha do Nhà nước quản lý được đề nghị đấu giá quyền sử dụng đất.
Giai đoạn năm 2018 - 2020, Bộ Tài nguyên Môi trường đã 3 lần có văn bản hướng dẫn UBND tỉnh giúp doanh nghiệp đủ điều kiện giao toàn bộ 83,6ha cho nhà đầu tư, song sau đó tỉnh chưa giải quyết. Với 55,9ha để thực hiện sân golf quy mô 18 lỗ là không đủ quy chuẩn và Sở Xây dựng cũng nhận định như vậy.
Thứ 2 là tại dự án nghỉ dưỡng quy mô 13ha, Hưng Thịnh đang xin điều chỉnh chủ trương đầu tư. Doanh nghiệp cho biết đã được giao đất và xây dựng xong khu A (ven biển) hơn 3 ha, còn khu B đã có quy hoạch 1/500 song thời hạn thực hiện dự án đã hết.
Tháng 3/2024, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã hướng dẫn tỉnh xem xét gia hạn dự án. Đến tháng 7, Sở Tài nguyên và Môi trường lại đề nghị xem xét thu hồi dự án do chậm trễ. Việc chậm tiến độ là do dịch Covid-19 và những lần thanh tra, rà soát. Do đó, Hưng Thịnh đề nghị tỉnh cho phép gia hạn thời gian thực hiện dự án.
Một dự án trọng điểm khác là Khu du lịch Biển Xanh, Hưng Thịnh đã được giao đất một phần; phần còn lại đã có quyết định thu hồi, phê duyệt giá đất, đã bồi thường một phần. Vừa qua Sở Sở Tài nguyên và Môi trường đã đề nghị TP. Vũng Tàu xem xét tiếp tục thu hồi bàn giao đất cho doanh nghiệp thực hiện dự án. Hưng Thịnh cũng kiến nghị tỉnh làm rõ phần đất nhà nước liên quan đến dự án này.
Đối với Vũng Tàu Pearl, Hưng Thịnh đang gặp áp lực về việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng, doanh nghiệp cũng bị thu hồi quyết định gia hạn sử dụng đất nên thời hạn chỉ còn 23 năm, do đó Hưng Thịnh xem xét việc này.
Cuối cùng là dự án Hồ Tràm Complex, Hưng Thịnh đã bị thu hồi chức năng ở 50% và chuyển thành thương mại dịch vụ 100%, hiện nay đang điều chỉnh thời hạn thực hiện. Hưng Thịnh kiến nghị gia hạn thêm 60 tháng để triển khai dự án.
>> Vụ Vạn Thịnh Phát: Trương Mỹ Lan đòi 2.500 tỷ đồng, Novaland (NVL) chính thức lên tiếng